Nghiên cứu để phục dựng điện Kính Thiên cả về sinh hoạt văn hóa

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
21/12/2023 16:41 GMT+7

Chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu thêm về nội thất cũng như các sinh hoạt văn hóa xưa trong điện Kính Thiên, tránh việc phục dựng điện này trống trơn không nội thất.

Rất cần nghiên cứu để phục dựng điện Kính Thiên với nội thất ở bên trong. Đó là ý kiến của PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, trong hội thảo "Kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2023 và kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ từ năm 2011 đến nay tại Hoàng thành Thăng Long" tại khu di sản này vào ngày 21.12.

Nghiên cứu để phục dựng điện Kính Thiên cả về sinh hoạt văn hóa- Ảnh 1.

Điện Kính Thiên trong tư liệu của người Pháp

TL

PGS-TS Đặng Văn Bài nói: "Tư liệu lịch sử, tư liệu khảo cổ nếu được cũng mới chỉ cho phép ta mường tượng về cái vỏ kiến trúc thôi. Nhưng đã nói đến kiến trúc là phải nói đến nội thất. Cho nên cần nghiên cứu chuyên đề để phục dựng được nội thất. Chứ cung điện trống rỗng thì không thể làm những chức năng mới. Đây là vấn đề cần đặt ra trong phục dựng điện Kính Thiên".

Cũng theo PGS-TS Đặng Văn Bài, tư liệu lịch sử cũng là cơ sở rất quan trọng để nghiên cứu điện Kính Thiên. Cũng sẽ cần các nghiên cứu di sản phi vật thể để phục dựng điện Kính Thiên. Ông Bài nói: "Nòng cốt của công năng của kiến trúc này là sinh hoạt cung đình, sinh hoạt hoàng gia, lễ hội truyền thống. Phải nghiên cứu những di sản phi vật thể đó mới giúp công trình phục hồi có được đời sống xã hội".

Nghiên cứu để phục dựng điện Kính Thiên cả về sinh hoạt văn hóa- Ảnh 2.

Cuộc khai quật 2023 cho những nhận thức mới về điện Kính Thiên

TRINH NGUYỄN

Cũng tại hội thảo này, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đã công bố những phát hiện khảo cổ học mới tại Hoàng thành Thăng Long qua khai quật năm 2023. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã khai quật tại phía đông - bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích hơn 1.000 m2 tại 3 vị trí: Cục Tác chiến, nền điện Kính Thiên và Hậu Lâu, đã xuất lộ một số dấu tích.

Tại hố khai quật tại mặt bắc nhà Cục Tác chiến đã xuất lộ một số mảng sân Đan Trì cũng như dấu tích Ngự đạo nối tiếp kết quả khai quật năm 2022, móng nền kiến trúc thời Lý. Các hố khai quật tại vị trí trên nền điện Kính Thiên xuất lộ dấu vết kiến trúc thời Nguyễn, thời Lê Trung hưng và thời Lê sơ. Về cơ bản, cuộc khai quật đã cung cấp hai thông tin quan trọng: Cấu trúc và mặt bằng nền móng của chính điện Kính Thiên thời Lê và thời Lê Trung hưng.

Nghiên cứu để phục dựng điện Kính Thiên cả về sinh hoạt văn hóa- Ảnh 3.

Một số hiện vật thời Trần trong cuộc khai quật 2023

TL

Hàng nghìn di vật thu được trong hố khai quật tương đối đa dạng về chất liệu và loại hình. Phần lớn các hiện vật có niên đại thời Lê Trung hưng và thời Trần, trong đó phổ biến nhất là nhóm vật liệu kiến trúc thời Lê.

Báo cáo khai quật cho biết: "Cuộc khai quật 2023 đã phát hiện nhiều di tích mới gợi những nhận thức mới, góp phần thúc đẩy thêm một bước quan trọng việc tìm hiểu diện mạo khu trung tâm, qua đó tiếp tục làm tăng thêm giá trị của Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long".

PGS-TS Tống Trung Tín cho biết, kết quả khai quật cho phép hình dung về điện Kính Thiên rõ ràng hơn trước. Các kết quả này cũng vừa được đoàn tư vấn liên ngành của UNESCO, ICOMOS kiểm tra và đánh giá cao. Báo cáo của đoàn có đoạn: "Các cuộc khai quật này đã phát hiện những bằng chứng mới liên quan đến cách bố trí của Hoàng thành Thăng Long các giai đoạn khác nhau, bao gồm vị trí của sân Đan Trì, hướng của Ngự đạo, vị trí của điện Kính Thiên và vị trí của một số công trình cột đỡ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.