Nghĩ về bộ máy chế tài và quy định chế tài

15/03/2015 09:01 GMT+7

Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia vừa kiến nghị tịch thu môtô, xe máy đi vào đường cao tốc; tịch thu xe khi người điều khiển có nồng độ cồn trên mức quy định. Xin đặt vấn đề, liệu rằng khi pháp luật tăng nặng các biện pháp chế tài thì có cải thiện được tình hình hay không?

Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia vừa kiến nghị tịch thu môtô, xe máy đi vào đường cao tốc; tịch thu xe khi người điều khiển có nồng độ cồn trên mức quy định. Xin đặt vấn đề, liệu rằng khi pháp luật tăng nặng các biện pháp chế tài thì có cải thiện được tình hình hay không?
CSGT kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông - Ảnh: Hoàng Trang
Trước hết, chúng ta biết rằng về hình phạt để quản lý xã hội thì trên đời này không gì nặng bằng án tử hình. Bộ luật hình sự nước ta quy định nhiều tội danh như: hối lộ, tham ô tài sản, hiếp dâm, buôn lậu hàng hóa tiền tệ qua biên giới… trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị kết án tử hình. Thế nhưng, không vì thế mà tình trạng phạm tội giảm, ngược lại có tội còn tăng.
Ở đây, tôi lấy tội tham ô tài sản, tức tệ nạn tham nhũng để mổ xẻ. Hơn hai chục năm trước, Đảng ta đã hết sức nhức nhối về nạn tham nhũng vì nó làm xói mòn lòng tin của nhân dân và có nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ thì đến nay tham nhũng đã được xác định là quốc nạn , tức không hề giảm bớt, ngược lại tham nhũng ngày càng tinh vi, đến mức có ý kiến cho rằng không thể chống tham nhũng được.
Sở dĩ thực trạng trên kéo dài vì ai cũng biết có tham nhũng chưa chắc gì sẽ bị phát hiện, phát hiện rồi cũng chưa chắc gì đưa ra xét xử công khai trước pháp luật, và có đưa ra xét xử cũng chưa chắc gì sẽ xử đúng tội, đúng luật. Chính thực tế này đã làm tham nhũng nói riêng và nhiều loại tội phạm khác sinh sôi nảy nở cho dù luật quy định án phạt cao nhất là tử hình đi nữa. Có nghĩa là khi cơ chế - năng lực phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm còn nhiều bất cập thì ngay cả án tử hình cũng chưa có tác dụng răn đe ngăn ngừa tội phạm như đã phân tích.
Trở lại với đề xuất của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, tôi cho rằng chỉ khi nào các biện pháp chế tài theo luật pháp hiện hành đã được lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện hết sức nghiêm túc và công bằng trong thực tế cuộc sống mà không đủ sức răn đe thì khi đó mới tính đến chuyện tăng nặng chế tài xử phạt.
Theo một kết quả khảo sát được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới tiến hành tại 10 tỉnh thành và 5 bộ ngành và được công bố ngày 20.11.2012 thì cảnh sát giao thông đứng đầu trong 4 lĩnh vực bị đánh giá tham nhũng nhiều nhất (cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng) (nguồn Vnexpress 20.11.2012). Nhưng đến nay tình hình chưa hề có dấu hiệu cải thiện.
Vậy, tình trạng đi mô tô, xe máy vào đường cao tốc; say xỉn vẫn điều khiển xe là vì đâu? Vì quy định của luật pháp không đủ răn đe hay chấp pháp không nghiêm từ những chuyện nhỏ? Nếu tăng nặng chế tài bằng cách tịch thu xe như đề xuất thì e rằng không đạt như mong muốn, ngược lại còn tạo ra môi trường màu mỡ để nạn tham nhũng phát triển, gây ức chế cho xã hội vì số tiền đút lót lúc này sẽ phải lớn hơn để không bị tịch thu phương tiện .
Vì thế, trước hết hãy tập trung các nỗ lực xây dựng lực lượng cảnh sát giao thông thực sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, ứng xử văn minh và thể hiện tinh thần “công pháp bất vị thân” khi thi hành luật pháp. Trên cơ sở bộ máy thực thi được hoàn thiện mà luật pháp hiện hành vẫn không đủ sức răn đe thì lúc đó tăng nặng chế tài sẽ có đủ lý lẽ để thuyết phục người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.