Nghệ An chắt từng giọt nước để cứu lúa

25/04/2016 19:59 GMT+7

Nông dân Nghệ An đang phải chắt từng giọt nước để cứu 21.300 ha lúa đang đứng trước nguy cơ bị hạn nặng.

Báo cáo của Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết mực nước tại 37/60 hồ chứa nước có dung tích trên 2 triệu m3 trên địa bàn hiện chỉ còn dưới 50% dung tích thiết kế, mực nước tại 565 hồ nhỏ do địa phương quản lý chỉ còn từ 30-60%, một số hồ đã xuống mức nước chết.
Nguồn nước sông Lam cũng đang ở mức rất thấp. Mực nước đo được ở cống Nam Đàn (H.Nam Đàn), cống Nghi Quang (H.Nghi Lộc), cống Diễn Thành (H.Diễn Châu) đã tụt 40 - 70 cm và chạm mực nước chết. Hạn hán và xâm nhập mặn đang đẩy diện tích lúa của người dân trong tỉnh đứng trước nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng suất.
Huyện Nghi Lộc là địa phương hứng chịu hạn hán và xâm nhập mặn nặng nhất. Theo ông Đồng Thanh Bình, Phó phòng NN-PTNT H.Nghi Lộc, hiện có 4 xã ở hạ lưu sông Cấm bị nước mặn xâm nhập sâu vào sông khiến việc bơm tưới rất khó khăn, một số trạm bơm phải ngừng hoạt động.
“Hiện 1.000 ha lúa đã hết nước tưới, nếu trời không mưa lớn thì khoảng 2 tuần nữa, 2.000 ha lúa sẽ bị nghẹn đòng vì khô hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất mùa vụ”, ông Bình lo lắng cho biết.
Năm nay thời vụ gieo cấy lúa bị chậm mất 20 ngày, theo ông Bình, dự kiến phải đến giữa tháng 6 mới có thể cho thu hoạch, trong khi nước đang cạn rất nhanh. Ngành nông nghiệp địa phương đã hướng dẫn người dân tiết kiệm từng giọt nước để cứu lúa vì dự báo năm nay tình hình hạn hán sẽ rất khốc liệt.
Xã Nghi Văn (H.Nghi Lộc) có 9 hồ, trong đó có 2 hồ có dung tích chứa 2 triệu m3 nước, nhưng theo ông Nguyễn Văn Sao, Chủ tịch UBND xã này, hiện 1 hồ đã khô cạn, hồ còn lại cũng còn rất ít nước.
“Xã có 600 ha lúa đang làm đòng, khoảng một tháng rưỡi nữa mới gặt được. Bây giờ, chúng tôi quý nước như vàng, đang chắt từng giọt để dành cho thời kỳ lúa trổ. Chúng tôi chỉ hi vọng cứu được vụ này, còn vụ lúa sau thì năm nay nhiều khả năng sẽ phải bỏ hoang”, ông Sao nói.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND H.Nghi Lộc, UBND huyện đã tính đến phương án chặn dòng sông Cấm, giữ nước ngọt để cứu diện tích lúa đang đứng trước nguy cơ chết cháy ở phía trên. Phương án này đồng nghĩa với việc sẽ phải hi sinh khoảng 3.000 ha lúa của 4 xã ở hạ nguồn sông Cấm nên người dân ở đây không đồng ý ngồi nhìn lúa chết.
“Trước mắt, chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương phải hết sức tiết kiệm nước và tìm mọi cách để cứu lúa. Chúng tôi sẽ theo sát diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn, nếu quá căng thẳng, sẽ trình UBND tỉnh thực hiện phương án ngăn sông Cấm”, ông Thọ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.