Ngày nắng nóng - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền

Đào Thị Thanh Tuyền
Đào Thị Thanh Tuyền
05/05/2024 08:30 GMT+7

- Sáu tháng rồi chưa có mưa!

Câu nói của một chị ngồi băng ghế bên kia nghe thật to làm ông phải quay sang nhìn. Gương mặt chị ta bị khuất trong cái mũ trùm khiến ông cảm giác nó hơi xương, tuy nhiên đôi mắt to và cái mũi hếch lại làm cho khuôn mặt thành ưa nhìn. Cái hay của người có gương mặt này là khi trẻ toát ra vẻ vừa dịu dàng kín đáo lại tinh nghịch, hóm hỉnh, nhưng ở độ từng trải, trông nhã nhặn, mềm mại.

Họ có ba người, anh tài xế xe buýt, băng ghế sau tay lái là một phụ nữ vóc dáng to ồ ề, mặt lấm chấm tàn nhang, vẻ hiền lành, cam chịu điển hình của người nhà quê. Người phụ nữ vừa nói ngồi băng ghế sau nữa, trong tư thế chồm người và hai cánh tay đặt hẳn lên thành ghế trước mặt.

Mắt vẫn nhìn con đường, nhưng tai ông lắng nghe câu chuyện của họ đang cao trào về mùa nắng nóng và cây cao su. Ông cảm giác như họ quen biết nhau, không có khoảng cách xa lạ giữa tài xế và hành khách như ông.

Anh tài xế hỏi to (phải nói thật to mới át được tiếng máy xe):

- Nhà chị có mấy mẫu?

- Dạ, ba mẫu à. Nhưng từ tháng mười năm ngoái đến giờ toàn phải bù lỗ. Mấy năm trước, mưa thuận gió hòa thì mình làm ăn ba sáu. Như thu hoạch một đợt được 12 triệu, trả công sáu triệu. Từ đầu năm vô không có mủ, phải bỏ tiền túi trả công. Nắng nóng kéo dài vầy, chắc nghỉ đến tháng tám luôn rồi. Mọi năm vô mùa mưa tháng tư cây có mủ đến đầu tháng năm bắt đầu cạo. Năm nay coi như bỏ.

Ngày nắng nóng - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền- Ảnh 1.

Minh họa: Văn Nguyễn

- Thấy bên nhà nước cho cạo mủ rồi mà? - Chị to mập nói.

- Vậy chớ không bao nhiêu đâu.

- Đất nhà chị hay thuê?

Anh tài xế hỏi, vừa cho dừng xe, cánh cửa tự động mở ra một người bước lên.

- Đất nhà em có sổ đỏ trồng cao su mấy chục năm rồi. Năm trước chia ba sáu, giờ chắc bốn sáu. Cuối năm còn phải thưởng công một tháng.

Chị to mập nói vẻ bâng quơ, cho có câu chuyện:

- Ba mẫu một người cạo, ngày cạo một mẫu.

Anh tài xế tiếp lời:

- Người giỏi, ngày cạo mẫu rưỡi hay hai mẫu.

Chị to mập lần này tham gia vẻ nhiệt tình hơn:

- Một mẫu 500 cây, trồng kích thì ba mẫu được ngàn bảy, ngàn tám. Trồng đúng cây phát triển tốt, trồng kích cây nhỏ hơn, tính ra năng suất cũng vậy. Nhiều cây thì công cao.

Hai người kia đồng thanh: "Đâu cũng vào đó".

Chị cao su tiếp lời, không than thở mà nghe thành than thở:

- Mấy tháng cuối với tháng đầu em phải bù. Đợt rồi thu hoạch xong thanh lý một nửa. Đang trồng lại. Phải sáu, bảy năm mới cạo được.

Chị to ồ ề vẻ rành rẽ:

- Cao lắm được 20 năm, ép quá thì mười mấy năm thôi.

Lắng nghe câu chuyện giữa họ, ông hiểu ra chị cao su nhà ở Dầu Tiếng, đi khám bệnh ở thành phố hai ngày rồi mới về. Chị to mập đi ăn đám giỗ trên này.

***

Xe dừng, một người đàn ông lên xe cùng cái giỏ lác to, dặn dò anh tài xế lát sẽ giao cái giỏ cho ai đó.

Câu chuyện cây cao su chấm dứt, họ chuyển sang đề tài khác. Chiếc xe lào khào chạy không chậm không nhanh. Nghe tiếng máy nổ và nhìn nội thất trên xe, ông đoán tuổi của nó phải hơn 30 năm, kiểu chạy được ngày nào hay ngày đó.

Một đoạn đường cong trước mặt, hai hàng cây chụm đầu vào nhau trông mát mắt. Nắng sớm chưa gay gắt lắm. Lúc nãy, ông có hỏi anh tài xế và biết bến cuối cùng nơi chợ trước kia đã dời sang bên này cầu, muốn qua trung tâm thị tứ phải cuốc bộ hay xe ôm khoảng hơn cây số. Ông tính, xuống xe ông sẽ đi bộ qua cầu, trước chợ có trạm xe đi Bình Dương, từ bến xe Bình Dương ông sẽ đi xe về Bến xe Miền Đông rồi về nhà nếu muốn lang thang đường vòng.

Cuộc đi chơi hôm nay của ông hoàn toàn không định trước. Dạo gần đây ông thấy mình hay dỗi. Tối qua ông tỉnh giấc lúc 2 giờ sáng, nhìn qua khe hở dưới cửa ông thấy đèn bên ngoài vẫn còn sáng và nghe tiếng hai vợ chồng con trai như đang cãi nhau. Tuy nhiên, khi thấy ông mở cửa phòng ra ngoài thì chúng im bặt. Ông mới nói:

- Hai đứa không đi ngủ còn thức làm gì?

Nghe anh con trai sẵng giọng: "Bố ngủ đi, ra ngoài này làm chi", tự nhiên ông đâm tức ngang hông. Ông nói: "Có chuyện gì thì mai nói, ai lại 2 giờ sáng còn cãi nhau". Con dâu lí nhí gì đó rồi vào phòng đóng cánh cửa nghe kêu tiếng rõ to trong đêm vắng. Anh con trai bỗng dưng trút bực dọc sang bố: "Cũng tại bố hết!". Ông lặng người đi một chút, rồi hỏi nhẹ nhàng vẻ nín nhịn: "Bố làm sao?". Anh con trai biết mình hớ, lật đật nói: "Không có gì đâu, con lỡ miệng. Con xin lỗi bố". Ông trở vô phòng với dấu hỏi to tướng trong đầu, tụi nó cãi nhau vì mình? Mà là chuyện gì? Ông ấm ức lắm, mang cục tức, suy nghĩ đủ thứ chuyện theo nhịp kim đồng hồ thức luôn đến sáng. Bốn giờ rưỡi ông ngồi dậy. Vệ sinh cá nhân, thay quần áo, đeo cái ba lô mở cửa ra khỏi nhà.

Anh bảo vệ tầng sảnh đang ngồi ngoài sân hút thuốc thấy ông liền nói câu chào: "Nay bác khám bệnh hay sao mà đi sớm vậy?". Ông chỉ cười, không trả lời. Đầu ông vẫn còn lùng bùng câu nói của con trai, tại ông mà vợ chồng nó cãi nhau? Rồi ông thấy lòng buồn mênh mang, trống trải. Bước lên xe buýt trong đầu ông vẫn chưa định sẽ đi đâu. Ra trung tâm đã rồi muốn đi đâu tiếp thì đi. Ngồi nhìn xuống đường ông lại suy nghĩ miên man. Bốn mươi tuổi ông mới lập gia đình. Vợ ông nhỏ hơn năm tuổi. Con trai lên mười thì vợ ông mất, ông gà trống nuôi con hơn hai mươi năm nay, không dư dả tiền bạc nhưng nhìn bề ngoài gia đình trông tươm tất. Lo cho con trai yên bề gia thất, ông lại mong thêm đứa cháu nội.

Ông có lương hưu và vài khoản thu nho nhỏ, không phải nhờ con. Hằng tháng ông đưa con dâu phân nửa tiền lương. Ông còn giành phần trả phí chung cư. Khi con trai chưa lập gia đình, mọi thứ trong nhà ông chi hết, từ đi siêu thị mua thức ăn cho đến nấu nướng. Thỉnh thoảng con trai biếu ông một số tiền, ông nhận nhưng không tiêu mà bỏ vào heo đất. Đám cưới con trai, ông lo từ đầu đến cuối. Tiền ông để làm gì mà không cho con một lễ nghi đàng hoàng với người ta. Đập heo, ông tặng hết cho hai vợ chồng con trai. Ông quen cảnh gà trống bao cấp cho con rồi, chỉ ước những năm cuối đời không có gì xáo trộn, thay đổi.

Hai vợ chồng con trai đi làm từ sáng đến chiều mới về. Ông ở nhà ăn qua quýt gì đó, buổi chiều mới nấu các món ra mâm bát và chờ chúng về. Ông nấu ăn ngon nên bữa cơm nào ba người cũng vui vẻ. Cơm xong, ông vào phòng xem phim trên ti vi, con trai và con dâu dọn dẹp nhà cửa. Vậy mà có chuyện gì "Cũng tại bố hết"? Nghĩ không ra, ông lắc đầu thở dài.

Con đường phía trước có đoạn chạy dài rợp bóng cây, cảm giác dịu mắt hẳn. Vài chiếc xe ngược chiều ào qua làm ông nhớ tới một thời mười năm trước mỗi cuối tuần ông chạy xe máy trên con đường này để đến nhà một người. Cái thời còn trẻ, con người ta thường bất chấp, nhưng ông thấy cuộc đời mình chẳng có lúc nào bất chấp, nếu không muốn nói là tính toán. Một mình nuôi con làm cho ông như vậy.

Ông nhớ rất rõ ngôi nhà lọt thỏm trong khu vườn dày đặc lá. Những ngày cuối tuần hồi đó thật vui. 70 cây số có là gì với tuổi vừa nghỉ hưu, ông còn cảm giác như sau một đời cày cuốc, mới là lúc ông trở lại tuổi thanh xuân, không vướng bận con cái, đi công tác, họp hành, lúc nào cũng vội. Bà là bạn cũ học cùng trường, gặp lại nhau qua mạng sau khi ông nghỉ hưu rảnh rỗi cả ngày lang thang internet. Chồng bà mất đã lâu, bà có một con gái đang ở nước ngoài. Rồi hẹn hò, đến nhà ăn cơm, cặp kè đi uống cà phê... Cũng có mấy chuyện này nọ tạo cảm hứng sống khiến ông thấy mình như thanh niên, trai tráng. Như thế là vui rồi!

Một ngày, bà ngỏ ý muốn ông về ở với bà luôn, làm một hai bàn tiệc nhỏ ra mắt họ hàng. Nghe lời đề nghị tuy rất chân tình nhưng ông bị bất ngờ và hẫng. Ông quen việc chủ động lo cho mình và cho con trai mấy chục năm rồi, không dám lo thêm cho ai nữa. Tự nhiên ông như rơi vào trạng thái lười biếng của người đi xa về mệt mỏi chỉ muốn nghỉ ngơi.

Bà tinh ý hiểu nét mặt ông thay câu trả lời. Họ không gặp nhau từ đó.

Chiếc xe buýt vòng vào bến là một khoảng đất trống có cây bồ đề thật to tỏa bóng mát rộng. Ông và hai người phụ nữ là khách cuối cùng xuống bến. Chị cao su hỏi ông đi tiếp đến đâu? Ông trả lời để coi tùy tình hình. Chị cao su chào ông rồi đi. Ông thấy chị vào chỗ gửi xe mới nhớ lại khi nãy trên xe chị có nói chị còn phải chạy xe máy 30 cây số nữa mới đến nhà. Ông ái ngại nhìn chị áo mũ trùm kín, vóc gầy, dáng liêu xiêu. Ông thở ra khi nhìn con đường tràn nắng, rỡ tươi, gió nhẹ thôi nhưng mang hơi nóng rát mặt. Chị to mập vừa ngoắc được xe ôm, nói câu chào ông: "Anh đi sau nhen, tui đi cho kịp chiều về". Ông gật đầu chào chị, không quen mà lại có cảm giác thân chỉ với hai giờ ngồi trên xe buýt chuyện nọ xọ chuyện kia.

Một cậu xe ôm trờ tới: "Bác đi đâu, lên con chở". Ông lắc đầu. Cậu xe ôm kiên nhẫn: "Trời nắng thế này, bác định đi bộ sao?". Ông gật đầu: "Tôi đến gần đây thôi mà, qua cầu là tới". Ông bước đi, cậu xe ôm rà theo: "Nắng vầy đi bộ mệt lắm, bác lên con chở không bao nhiêu tiền đâu, hay con chở giúp bác cũng được, bề gì con cũng chạy qua cầu". Cậu ta kèo nèo một hồi làm ông không từ chối được.

Bây giờ ông mới thấy cái nắng như xói trên đầu, táp vào mặt, đi xe ôm là có lý, ông sẽ nhờ cậu chở đi loanh quanh vài nơi nữa.

Tuy nhiên, khi cậu xe ôm hỏi: "Bác đến nhà ai bên đó?" thì ông buột miệng mà không suy nghĩ:

- Cậu biết ngôi nhà nhỏ có khu vườn rộng qua cầu khoảng 400 mét, đối diện với một cái am không?

Cậu xe ôm nói to: "Có phải nhà cô Hồng Việt kiều không?".

Ông hỏi: "Hồng là đúng rồi nhưng sao gọi Việt kiều?".

Cậu xe ôm giải thích: "Năm năm trước, cô Hồng ưng một ông Việt kiều. Cổ qua bển ở được hai năm xong về lại vì cổ nói không chịu được mùa lạnh. Ông Việt kiều đi đi về về được một thời gian rồi lâu nay không thấy về nữa. Nghe nói cổ có thẻ xanh hay quốc tịch gì đó rồi. Thỉnh thoảng cô đi Mỹ một, hai tháng rồi về. Cháu hay chở cổ đi chợ, mua sắm này kia nên cháu biết".

Cái ý định ghé đến ngôi nhà có khu vườn rộng tắt ngúm. Xe lên cầu, ông nhìn xuống dòng sông và nhớ lại một thời hai người từng có những buổi chiều chèo ghe đi trên sông khá lãng mạn. Tiếng cười của cô Hồng giòn tan, trong vắt vang vang một khúc sông vắng.

"Bác có đến nhà cô Hồng không, cháu chở tới?".

Ông nói: "Không, là bác hỏi cho biết thôi vì bác láng máng có nhà người quen ở đây. Cháu đưa bác đến chợ, bác muốn ăn một tô bún riêu ở cái hàng ngay đầu chợ, không biết giờ còn bán không?".

Cậu xe ôm rổn rảng: "Bà cụ bán bún riêu qua đời rồi, bây giờ cô con gái kế thừa, còn ngon hơn trước. Ngày xưa bác có thường đến đây không mà rành nơi này vậy?".

Cậu xe ôm chỉ tay nói tiếp: "Nhà cô Hồng kìa bác".

Ông nhìn vào khu vườn xưa, hai cây vú sữa to trùm che mát khoảng sân rộng. Chiếc xích đu cũng còn nhưng vẻ như không ai ngồi, trông cũ kỹ, xộc xệch nhưng ngôi nhà có lẽ được chăm sóc kỹ nên thấy sạch sẽ. Ông nhớ lại những đồ vật kiểu xưa bài trí bên trong, như mới vừa hôm qua, ông chạy xe đến cổng là thấy cô Hồng ngồi xích đu, cô đứng lên ra mở cổng với nụ cười thật tươi, mắt ngời màu hạnh phúc.

Có bóng người từ phía sau vườn đi ra cổng. Ông đổi hướng mắt nhìn. Chuyện đã xong mười năm trước rồi!

Cậu xe ôm bỏ ông trước chợ. Ông xuống xe hỏi bao nhiêu tiền. Cậu nói: "Bác cho cháu nhiêu cũng được". Ông đưa tờ năm mươi ngàn, cậu thối lại ông ba mươi ngàn.

Ông vào quán bún riêu và gọi một tô đặc biệt cùng ly trà đá. Ông quan sát chung quanh, tủ hàng bày biện như ngày xưa ông đã từng cùng cô Hồng ngồi ở đây, ngay bàn này. Vẫn đầy đủ các thứ: hũ hành tỏi xắt mỏng ngâm giấm, hũ ớt xay, mắm tôm và thứ ngon nhất của quán là tóp mỡ thơm, giòn rụm.

Ông chậm rãi thưởng thức tô bún, nhưng không hiểu do trời nắng nóng quá, đi đường mệt hay vì tuổi già, vì ăn một mình mà ông thấy nó không ngon như ngày xưa.

Ông gọi tính tiền rồi kêu làm thêm hai bịch mang về, nghĩ đến con trai rất thích ăn bún riêu và không quên phần con dâu. Dù biết mang về sẽ rất lích kích khi phải đi mấy chặng xe buýt nhưng ông quen lệ rồi, đi đâu có gì ngon ông đều mua về. Nhìn ra cái nắng gay gắt bứt rứt, rin rít ông suy nghĩ nên đi tiếp đường vòng xa hơn hay quay lại đường cũ khi tay xách lỉnh kỉnh hai bịch bún to đùng. Vừa lúc ông thấy cậu xe ôm khi nãy, ông quyết định nhanh: "Cháu ơi, chở bác quay lại bến xe".

Nhanh như sóc, cậu xe ôm trờ đến, lẹ làng lấy bịch bún riêu từ tay ông máng vào móc xe: "Bác không đi tiếp nữa sao?".

Ông đội mũ bảo hiểm, trèo lên xe, nói như phân trần:

- Trời nắng quá, bác sợ đi không nổi. Bây giờ đâu còn như ngày xưa thời sung sức nữa.

Nắng đổ xuống trên đầu nhấn chìm ông trong cái nóng hừng hực rát da.

Ba tiếng nữa ông sẽ về nhà. Nghĩ đến nét mặt giãn ra, thích thú của con trai khi thưởng thức tô bún riêu, ông thấy lòng vui vui như ngày con ông còn nhỏ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.