Ngập do quy hoạch không đồng bộ

16/09/2014 09:29 GMT+7

Mùa mưa lũ sắp đến trong khi việc giải quyết các điểm ngập úng tại TP.Đà Nẵng gặp khúc mắc đa phần là do các dự án triển khai không đồng bộ, đấu nối không hợp lý.

Ngập do quy hoạch không đồng bộ
Khu vực P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu ngập nặng do bị các dự án dang dở bao vây - Ảnh: Nguyễn Tú

Khát vốn

Theo Sở Xây dựng, sau khi giải quyết 37 điểm, hiện TP có 58 điểm ngập úng, trong đó có 16 điểm đã nạo vét, khơi thông hoặc sửa chữa nhỏ để giảm ngập tạm thời. Phương án giải quyết dứt điểm phải chờ vào điều kiện ngân sách TP. 11 điểm đang trong tình trạng chờ vốn hoặc chuẩn bị đầu tư, dự kiến thi công chống ngập trong tháng 9 hoặc sang năm 2015. Tương tự, 17 điểm ngập được đưa vào dự án Phát triển bền vững (dùng vốn vay Ngân hàng Thế giới) hiện cũng đang chuẩn bị đầu tư, một số công trình dự kiến đầu quý 2 năm 2015 mới khởi công. Còn lại, 14 điểm ngập úng chưa biết xử lý ra sao do thuộc các dự án đang triển khai thi công dở dang do vướng giải tỏa, thiếu vốn... nên chưa khớp nối hoàn chỉnh hạ tầng thoát nước.

Theo Sở Xây dựng, trong điều kiện ngân sách thành phố đang khó khăn hiện nay, UBND TP đã thống nhất giao cho các quận, huyện tập trung nguồn lực địa phương chủ động phối hợp với Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải khơi thông dòng chảy hiện trạng, nạo vét mương cống nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng trong mùa mưa sắp đến.

Thiếu quy hoạch tổng thể

Bên cạnh khát vốn chống ngập ở những khu vực chưa quy hoạch, không có hệ thống thoát nước, ngập úng ở Đà Nẵng nguyên nhân chính là do các dự án triển khai không đồng bộ, dẫn đến các hệ thống thoát nước có cao trình khác nhau, đấu nối không hợp lý nên không phát huy tác dụng.

Điển hình như nút giao thông Quang Trung - Đống Đa kéo dài đến Lý Tự Trọng, trong khi tại đây đã được đầu tư thoát nước thuộc dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên, nhưng cứ mưa bất kể lớn nhỏ là ngập do bất cập về khẩu độ, đáy cống từ Quang Trung chảy về Ông Ích Khiêm có hạ lưu cao hơn thượng lưu, dây cáp thông tin đi ngang cản trở dòng chảy... Cống D600 dọc đường Lê Văn Thứ cũng đã được UBND Q.Sơn Trà đầu tư nhưng khu vực tổ 12 P.Mân Thái vẫn ngập úng mà nguyên do cũng là cao độ đáy cống chưa phù hợp trong khi xung quanh cao hơn khu vực nên tụ nước. Tương tự, mùa mưa năm nay dân cư khu vực tuyến cống Mê Linh (Đỗ Quang - Nguyễn Hoàng) tiếp tục sống chung với ngập do sang 2015 mới đầu tư cải tạo cửa thu cống.

Theo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, hiện các điểm ngập nặng nhất không còn ở trung tâm thành phố mà tập trung ở Q.Liên Chiểu, như khu vực Chơn Tâm 2 P.Hòa Khánh Nam sau trận mưa đầu mùa đã ngập 1m, hệ thống thoát nước đang chờ theo quy hoạch khu đô thị số 1 bắc Ga đường sắt mới trong khi hạ lưu đã bị dự án khu dân cư Hòa Mỹ mở rộng chặn dòng thoát ra kênh Hòa Mỹ. Việc thi công tùy tiện, không phối hợp giữa các bên liên quan cũng gây ngập úng, như điểm ngập đường Nguyễn Lương Bằng (từ Phan Văn Định đến số nhà 400) là do khu tái định cư phía tây trường Nguyễn Trãi lấp miệng cống qua đường chặn dòng thoát nước, hay đường vào UBND P.Hòa Khánh Bắc ngập là do vị trí đấu nối thoát nước với đường Nguyễn Lương Bằng bị đường ống cấp nước D600 băng qua chắn dòng chảy.

Ngay cả các khu tái định cư mới xây dựng cũng bị ngập, như ở H.Hòa Vang, đường ĐT602 đoạn qua Khu tái định cư số 6 bị ngập do thi công hạ tầng các khu tái định cư chưa hoàn chỉnh, chưa khớp nối hệ thống thoát nước khu vực. Khu vực Quan Nam - Thủy Tú do Công ty CP Trung Nam thi công đã thu hẹp dòng chảy cũng đang đứng trước nguy cơ ngập nặng nếu trong mùa lũ hồ Hòa Trung xả lũ.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.