Ngành điều thừa nhận nguy cơ sụp đổ vì tranh mua, tranh bán

27/02/2024 14:14 GMT+7

Tình trạng tranh mua, tranh bán, phân chia lợi nhuận bất hợp lý khiến cho Việt Nam, nơi chế biến điều nhân lớn nhất thế giới đứng trước nguy cơ sụp đổ, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành điều thừa nhận nguy cơ sụp đổ vì tranh mua, tranh bán- Ảnh 1.

Không còn lợi thế vùng nguyên liệu, ngành điều Việt Nam đang chịu thiệt thòi khi phải mua cao, bán thấp

KHANG KA

"Chúng tôi không giấu nữa"

Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13 khai mạc sáng nay tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, do Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp tổ chức diễn ra trong bối cảnh hết sức căng thẳng. Đây là lần đầu tiên mà những khó khăn nội tại của ngành điều Việt Nam được chính chủ nhà "phơi bày" cho hàng trăm doanh nghiệp cũng như đối tác nước ngoài đến từ 40 nước khác hiểu rõ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS cho biết: "Năm 2022, 2023, chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có ngành điều đang dần hồi phục sau đại dịch thì lại bị tác động lớn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas và lạm phát cao trên toàn cầu. Là mặt hàng được tiêu thụ chủ yếu ở các nước phát triển, giá điều nhân xuất khẩu của Việt Nam vốn đã giảm nhiều trong những năm trước, lại tiếp tục giảm xuống thấp trong năm 2023. Trong khi đó, giá điều thô nguyên liệu (được sản xuất nhiều nhất tại châu Phi) tuy cũng giảm, nhưng mức giảm chậm hơn nhiều so với điều nhân, từ đó dẫn đến việc phân chia lợi nhuận không hợp lý, mà thiệt thòi đang nằm ở phía các doanh nghiệp Việt Nam,

"Giá thành cao hơn giá bán đã khiến cho hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều nhân Việt Nam bị thua lỗ hoặc không có lợi nhuận. Không ít nhà máy chế biến điều nhân đã phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm sản lượng, nguy cơ đóng cửa hàng loạt đang cận kề. Trong khi đó, Việt Nam là trung tâm của chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu vì nhập khẩu tới gần 65% sản lượng điều thô của thế giới và chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu. Do vậy, nếu xảy ra tình trạng đóng cửa hàng loạt các nhà máy chế biến, chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu sẽ bị đứt gãy dẫn tới điều nhân trên thị trường bị thiếu hụt và điều thô sẽ dư thừa. Như vậy, không chỉ Việt Nam mà các nước khác trong toàn chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng", ông Phạm Văn Công phân tích.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo VINACAS thừa nhận bên cạnh những khó khăn khách quan từ ảnh hưởng của thế giới, ngành điều Việt Nam lâm vào cảnh khó khăn hiện nay có lỗi rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam khi tranh mua điều thô với giá cao sau đó lại tranh nhau bán điều nhân khiến cho khách hàng nước ngoài lợi dụng để ép giá. Chia sẻ với Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp tham dự hội nghị đều có cùng nhận định: "Giá điều thô đầu vụ lúc nào cũng có chất lượng cao hơn, khi mua sớm cũng đỡ phải tốn chi phí lưu kho, và hơn nữa nhà máy không thể nào chờ đợi trong cảnh thiếu nguyên liệu. Ngoài ra áp lực thực hiện hợp đồng, áp lực trả lãi ngân hàng luôn đè nặng lên doanh nghiệp. Những yếu tố này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam không thể đoàn kết lại được mà phải tìm cách tự đi".

Khó lường hết hậu quả

Tại hội nghị, đa số các diễn giả đến từ châu Phi thừa nhận diện tích vùng trồng điều ở châu Phi và các nước khác tăng nhanh, sản lượng điều thô tăng mạnh. Ông Micheal Waring, Chủ tịch Hội đồng Hạt quả khô Quốc tế (INC) thông tin: "Hạt điều hiện nay đang được sản xuất nhiều nhất nhì thế giới. Bờ Biển Ngà, nước có diện tích và sản lượng điều thô dẫn đầu thế giới, đã tăng liên tục từ 680.000 tấn/năm lên 1,25 triệu tấn/năm; Campuchia từ 200.000 tấn/năm, lên 650.000 tấn/năm và đang có kế hoạch đạt sản lượng 1 triệu tấn điều thô trong vài năm tới. Bài học từ cây công nghiệp khác cho thấy, tăng trưởng nóng dẫn đến sự mất cân đối cung cầu, khi xuất hiện thêm những bất ổn thì sự chênh vênh trong toàn chuỗi cung ứng càng rõ nét. Khó lường hết hậu quả khi trung tâm của chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu ở Việt Nam bị trục trặc".

Ngành điều thừa nhận nguy cơ sụp đổ vì tranh mua, tranh bán- Ảnh 2.

Việt Nam đang là trung tâm chế biến hạt điều lớn nhất thế giới nhưng lợi nhuận lại rất thấp

KHANG KA

Ông Adama Coulibaly, Tổng giám đốc Hội đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà, nhận định: "Chúng tôi ghi nhận giá điều bắt đầu giảm từ năm 2018, kể cả điều thô và điều nhân đều giảm. Nhưng giá bán đến tay người tiêu dùng thì vẫn cao. Do đó, đã đến lúc điều chỉnh, định hình lại sự vận hành sao cho các bên trong chuỗi cùng hoạt động hiệu quả. Việc điều chỉnh phải cân đối thế nào để phân bổ hợp lý hơn chuỗi giá trị điều toàn cầu, để các bên cùng phát triển ổn định".

Theo VINACAS, năm 2023, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam đạt 645.316 tấn, tăng 24,33 % so với 2022. Đây là kỷ lục mới trong lịch sử ngành điều Việt Nam, tuy nhiên nghịch lý là lợi nhuận của doanh nghiệp điều Việt Nam lại bị thu hẹp đáng kể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.