Ngân hàng ‘nóng ruột’ với tín dụng đóng tàu

24/12/2014 06:00 GMT+7

Tiền đã sẵn sàng nhưng phải chờ hồ sơ được phê duyệt; hồ sơ phê duyệt xong lại phải đợi... mẫu tàu. Những nghịch lý, nút thắt cổ chai trong Nghị định 67 đang khiến ngư dân và các ngân hàng nóng ruột như ngồi trên đống lửa.

Tiền đã sẵn sàng nhưng phải chờ hồ sơ được phê duyệt; hồ sơ phê duyệt xong lại phải đợi... mẫu tàu. Những nghịch lý, nút thắt cổ chai trong Nghị định 67 đang khiến ngư dân và các ngân hàng nóng ruột như ngồi trên đống lửa.
Ngư dân đang chờ đợi được phê duyệt danh sách vay vốnNgư dân đang chờ đợi được phê duyệt danh sách vay vốn - Ảnh: Nguyệt Ánh
Ngân hàng chờ hồ sơ…
Hơn 4 tháng từ khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP hỗ trợ phát triển thủy sản có hiệu lực, nguồn vốn mà ngành ngân hàng (NH) cam kết dành cho những hộ ngư dân muốn có tàu cá mới hoặc nâng cấp lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng. Cụ thể, BIDV đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn 15.000 tỉ đồng, VietinBank cũng cam kết gói 3.000 tỉ đồng, còn Vietcombank khẳng định nguồn vốn dồi dào đủ đáp ứng cho ngư dân vay lên tới 1.000 tỉ đồng. Nằm trong những NH thu xếp vốn cho ngư dân vay theo Nghị định 67, Agribank cũng đã dành nguồn vốn 5.000 tỉ đồng.
Để triển khai sớm, Bộ NN-PTNT cũng phân bổ cho 28 địa phương 2.079 tàu khai thác và 205 tàu dịch vụ hậu cần. Nhưng đến nay mới có 6 tỉnh, thành phố chấp thuận cho 152 chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể đủ điều kiện vay vốn.
Sự chậm trễ này có nguyên nhân từ đâu? Theo bà Phạm Thị Thúy Kiều, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi, trước khi thực hiện cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, NH đã tiến hành cho ngư dân vay vốn được vài năm nay với số dư cũng đáng kể. Cán bộ, nhân viên của NH cũng đã hiểu về năng lực đánh bắt, nguồn tài chính đối ứng của từng ngư dân đăng ký vay vốn. Vì vậy, các ngư dân qua hướng dẫn cũng đã thông suốt về thủ tục hồ sơ vay vốn theo yêu cầu của NH. “Nguồn vốn của NH dành cho vay để đóng tàu hiện đã chuẩn bị sẵn sàng nên ngành chức năng trong tỉnh cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để ngư dân hoàn thiện hồ sơ thủ tục kịp thời để NH giải ngân nguồn vốn này”, bà Kiều đề nghị.
Quá sốt ruột khi phải ngồi “ôm” tiền chờ hồ sơ từ UBND tỉnh chuyển qua, nhiều NH phải chủ động làm việc với từng xã, từng ngư dân để rút ngắn trình tự. Bằng cách làm này ngày 9.12.2014, chi nhánh BIDV Thừa Thiên-Huế đã ký được hợp đồng tín dụng với ông Trần Huấn, ngư dân tại thị trấn Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế, trị giá 2,2 tỉ đồng, thời gian 11 năm để đóng mới tàu cá vỏ gỗ, công suất 900 CV.
Hồ sơ chờ… mẫu tàu
Tại Quảng Ngãi, các NH đã liên hệ với 40 ngư dân được UBND tỉnh xét duyệt trong đợt 1 vừa qua để hoàn thiện quy trình, hướng dẫn thủ tục cho vay đối với khách hàng. Thế nhưng, đến thời điểm này mới chỉ có 1 trường hợp được ký kết hợp đồng tín dụng vay hơn 20 tỉ đồng từ Agribank Quảng Ngãi. Ông Lê Hồng, Phó giám đốc Agribank Quảng Ngãi cho biết: “Đa số các ngư dân được duyệt đăng ký, nâng cấp đóng mới tàu, NH đã hướng dẫn hồ sơ thủ tục theo quy định, nhưng nhiều trường hợp cả NH và ngư dân... đều chờ thiết kế mẫu tàu. Hiện tại một số mẫu mã thiết kế phát sinh (ngoài 21 mẫu tàu đã duyệt) mới trình lên Tổng cục Khai thác nguồn lợi thủy sản. Phải đợi họ duyệt, rồi gửi lại về xem xét, thuê đơn vị tư vấn, lập dự toán, thẩm định rồi mới đến NH để giải ngân. Theo đúng quy định thì đành phải chờ thôi”.
Trong khi đó, ông Phạm Trường Thọ - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết rào cản lớn nhất hiện nay là do tất cả đang phải chờ các mẫu thiết kế tàu. Hiện tại 21 mẫu tàu của Bộ NN-PTNT đưa ra đều không được ngư dân chấp nhận do không phù hợp với ngư trường, khả năng cũng như kinh nghiệm đi biển của ngư dân.
“Nguồn vốn chậm giải ngân do yêu cầu về thủ tục, nhất là các khâu thiết kế, dự toán con tàu phải được lập và trình phê duyệt. Trên cơ sở, thiết kế, dự toán được các cơ quan có thẩm quyền duyệt, NH sẽ tiến hành ký hợp đồng tín dụng, bởi vậy từ khi có danh sách phê duyệt, đến lúc ký hợp đồng cho vay phải có một quá trình chứ không phải có danh sách là vay được vốn ngay…”, ông Thọ khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.