Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá: Không nên mua USD bằng mọi cách

19/08/2015 16:18 GMT+7

(TNO) Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu hồ hởi, thì chắc chắn các doanh nghiệp nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, bị đội chi phí vì cú điều chỉnh tỷ giá sáng nay 19.8 của Ngân hàng Nhà nước.

(TNO) Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu hồ hởi, thì chắc chắn các doanh nghiệp nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, bị đội chi phí vì cú điều chỉnh tỷ giá sáng nay 19.8 của Ngân hàng Nhà nước.

Ty-gia Chạy đua theo tỷ giá, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sáng sớm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng từ ngày 19.8.2015 từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%). Đồng thời, điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. Như vậy, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.890 VND/USD và biên độ tỷ giá +/-3%, thì tỷ giá trần là 22.547 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.233 VND/USD.

Ông Nguyễn Văn Phương, giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu tại Hà Nội cho biết: Một loạt các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc, Mỹ của công ty thanh toán bằng USD sau cú điều chỉnh lần này đã tăng lên tới 3%. “Chắc chắn chúng tôi sẽ bị lỗ cho mấy đơn hàng đã nhập. Điều này buộc chúng tôi phải tính toán lại việc sản xuất kinh doanh, vì tỷ giá tăng dữ dội quá”, ông Phương nói. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lại được lợi trong đợt điều chỉnh tỷ giá lần này.

Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng tạo một biên độ giao dịch đủ rộng để cung cầu gặp nhau trên thị trường tránh tạo tâm lý của thị trường về việc điều chỉnh liên tục. Động thái điều chỉnh mạnh mẽ này thể hiện sự chủ động, đi trước so với cung cầu của thị trường, góp phần giảm áp lực tiếp tục bán dự trữ ngoại tệ ra thị trường, vốn là một bước đi nếu tiếp tục sẽ không mang tính bền vững.

“Khi thị trường biến động, các doanh nghiệp không nên chạy theo và mua bằng mọi giá vì sẽ tạo thêm biến động nữa. Thông thường sau đợt biến động, thị trường sẽ điều chỉnh ổn định trở lại quanh một mức cân bằng mới. Lời khuyên của tôi là các doanh nghiệp giữ vững tâm lý và nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá. Thực tế đợt biến động này cho thấy những thay đổi đột xuất trên thị trường thế giới sẽ tác động tới thị trường Việt Nam”, ông Hải khuyến cáo.

Chi phí nhập khẩu tăng cao 

Đánh giá đợt điều chỉnh lần này, theo ông Hải sẽ có tác động tới các doanh nghiệp nhập khẩu khi chi phí nhập khẩu tăng và khối lượng nhập khẩu do đó có thể giảm xuống. Việt Nam với vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới sẽ còn tiếp tục nhập khẩu máy móc và nguyên vật liệu từ Trung Quốc để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Về xuất khẩu, Việt Nam sẽ có lợi thế tương đối về giá nhưng các đối tác cũng sẽ nhanh chóng yêu cầu người bán điều chỉnh giá để có thể cùng hưởng lợi từ việc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá.

“Việt Nam vẫn cạnh tranh với Trung Quốc, từ mặt hàng cho tới thị trường xuất khẩu, nên lợi thế từ việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không kéo dài lâu. Về dài hạn, chúng ta vẫn phải đầu tư vào chất lượng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh và vị thế của hàng Việt Nam”, ông Hải đề xuất.

Báo cáo nghiên cứu của BIDV vừa công bố cũng nhận định, nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam buộc phải điều chỉnh tỷ giá do kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ mức 17% năm 2009 lên xấp xỉ 20% vào năm 2014. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và quốc gia này vừa có 3 đợt phá giá đồng Nhân dân tệ hơn 4,6%.

Về tương quan, Việt Nam thường xuyên nhập siêu từ Trung Quốc và mức nhập siêu cũng không ngừng nới rộng, từ mức 11,5 tỉ USD năm 2009 lên thành 28,8 tỉ USD vào năm 2014. Đặc biệt, diễn biến này không có thay đổi. Do vậy, sự giảm giá của đồng nhân dân tệ sẽ tạo ra áp lực lớn đối với cán cân thương mại của Việt Nam trong thời gian tới theo hướng khuyến khích nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu. Vì vậy, Việt Nam buộc phải có động thái điều chỉnh tỷ giá để đáp lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.