Phim Việt giống phim Hàn!

07/07/2010 00:20 GMT+7

Sau Gió nghịch mùa, Sắc đẹp và danh vọng, Đối mặt... bị phát hiện giống với phim nước ngoài, nay đến phim Ở lại thế gian (đang phát trên HTV7 - Đài truyền hình TP.HCM) cũng bị cho là giống với Người cha vô hình (Hàn Quốc).

Nhưng hầu hết những câu trả lời, những lời giải thích của nhà sản xuất (hoặc tác giả kịch bản) khi được hỏi đến, đều phủ nhận sự giống nhau hoặc đều cho rằng chỉ là trùng hợp về ý tưởng. Vậy nên, khi phim đang quay mà bị phát hiện giống, được góp ý thì nhà sản xuất sẽ “lái” nội dung theo hướng khác để tránh bớt sự “na ná”, còn nếu phim đã lên sóng rồi thì phải bảo vệ theo hướng... khả quan nhất có thể.

“Kịch bản phim hoàn toàn của tôi”

Theo thông tin báo chí đưa ban đầu, khi phim Ở lại thế gian (Kiết Tường sản xuất) sắp phát sóng, tác giả kịch bản Châu Thổ cho biết phim này được viết dựa theo ý tưởng từ 2 phim Hồn ma (Mỹ) và Người cha vô hình (Hàn), nhưng câu chuyện thì 100% là VN.

Tuy nhiên, khi trả lời Thanh Niên, bà Châu Thổ khẳng định: “Kịch bản phim hoàn toàn của tôi, tôi viết theo đơn đặt hàng của nhà sản xuất là về tình cha con, và Ở lại thế gian chính là câu chuyện ấy. Người cha sau khi mất đã xin được ở lại thế gian 49 ngày trong xác của người khác để giúp con vượt qua những khó khăn. Hoàn toàn không có tình huống của phim họ”.

Riêng về sự giống nhau mà người xem nào đã từng theo dõi Người cha vô hình cũng đều nhận thấy (phim này cũng nói về linh hồn người cha sau khi mất vẫn quyến luyến trần gian vì con gái, mượn xác của một thanh niên khác trong 49 ngày để giúp con làm những điều mà khi còn sống ông chưa thực hiện được), tác giả Châu Thổ cho rằng: “Nói ý tưởng phim của tôi xuất xứ từ phim Hàn hay phim Mỹ đúng cũng được, mà không đúng cũng được. Vì đề tài về tâm linh, về sự sống sau khi chết thì có vô số phim đã làm, và chuyện người chết trong 49 ngày thì chưa siêu thoát đã được đề cập nhiều, đều như nhau... Nhưng tôi tin là phim mình không giống”.

Theo đó, từ đề tài được đặt hàng: tình cha con, sau khi nghiên cứu phim Hồn ma cũng như được nghe nói về phim Người cha vô hình, tác giả Châu Thổ cho biết đã tìm hiểu thêm những tài liệu khác: tác phẩm Sự sống sau cái chết, Chết - thân trung ấm và tái sinh lẫn dựa trên những phong tục tập quán tâm linh của người Việt về cách cúng bái thờ tự cho người đã mất... để viết nên kịch bản, và được “nhà đài” duyệt. Thế nên, nếu người ta cho rằng phim này giống với Người cha vô hình thì “đó là chuyện người ta nói, còn tôi tự tin là tôi viết khác”.

Không khó để nhận ra sự na ná nhau

Không ít phim truyền hình hiện nay được Việt hóa kịch bản từ phim nước ngoài (nhiều nhất là Hàn Quốc), nhưng có thể nói vẫn chưa có phim nào Việt hóa được đánh giá tốt, hoặc thể hiện thuyết phục chất Việt trong phim.

Thế nên, khi Gió nghịch mùa bị cho là giống với Khăn tay vàng (từ nội dung đến từng nhân vật chính - phụ), không ít người xem thấy tiếc vì nếu đây là một phim được Việt hóa, Gió nghịch mùa đã rất thành công khi mang lại cảm xúc hoàn toàn mới mẻ từ câu chuyện phim đã được xem rồi. Diễn viên diễn xuất tốt, ngôn ngữ và cả lối ứng xử, bối cảnh... tất cả đều toát lên hồn Việt và tạo được sự rung cảm, chia sẻ với khán giả. Tuy nhiên, tác giả kịch bản (Phạm Đào Uyên - Châu Thổ) bảo rằng ý tưởng phim giống nhau là do bi kịch cuộc sống luôn có mẫu số chung...

Tương tự, Sắc đẹp và danh vọng (M&T Pictures sản xuất, do nhóm biên kịch của hãng này viết) cũng được cho là phim được làm khá tốt, vì câu chuyện chặt chẽ, diễn viên nhập vai... Nhưng phim này cũng bị khán giả, báo giới phát hiện giống với Sắc đẹp vĩnh cửu của Hồng Kông, còn nhà sản xuất thì không phản hồi gì!

Giờ lại đến Ở lại thế gian! Quả thật, không khó để nhận ra sự na ná nhau giữa phim này và Người cha vô hình (chỉ khác là phim VN có thêm bà mẹ). Thậm chí, trên một số diễn đàn có đề tài “giống nhau” này, không ít người đã khen nhân vật chính Hạ Vy (Bê La đóng) còn hay hơn cả cô gái trong phim Người cha vô hình. Điều đó chẳng khác nào, nếu đây là phim được Việt hóa, thì cả đạo diễn và biên kịch cũng đã nhận được lời khen!

“Các phim nước ngoài mà phim Việt lấy ý tưởng hoặc làm theo đều được phát trên truyền hình nên khán giả rất dễ phát hiện khi thấy giống nhau. Nếu ngay từ đầu, nhà sản xuất trung thực và mạnh dạn giới thiệu đấy là phim Việt hóa, thì khán giả sẽ đón nhận và ủng hộ vì các tác phẩm Việt hóa này thực sự tạo cho họ những niềm hứng khởi khi xem. Nhưng bức xúc hơn, vì phát hiện, mọi thắc mắc... của người xem đều không có lời giải đáp thỏa đáng”.

Khán giả Nguyễn Thị Khánh Linh - Q.1, TP.HCM

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.