Ân nhân của những vong hồn bất hạnh - Chuyện của hai người Việt xấu số

07/07/2010 23:00 GMT+7

Hơn 20 năm qua, hễ có một sinh linh về bên kia thế giới mà thi thể bị bỏ vô thừa nhận hoặc người thân nghèo đến mức không lo nổi tang ma, thì người ta lại gọi ông Roland Tay, chủ một dịch vụ chuyên lo hậu sự cho người quá cố ở Singapore. >> Bài 2: Mọi người đều bình đẳng >> Bài 3: Nghề mai táng ở Singapore

Ông Roland Tay chính là người lo hậu sự cho Nguyễn Tường Vân - người Úc gốc Việt bị Chính phủ Singapore treo cổ năm 2005, và một cô gái Việt xấu số.

Gặp nhau tại văn phòng chính của công ty gia đình ông trên phố Lavender, tôi nóng lòng muốn biết ngay câu chuyện về Nguyễn Tường Vân. Ông chậm rãi kể, cố nhớ lại từng chi tiết: "Có người ở một nhà thờ dành cho các sơ, à nhà thờ Good Shepherd Convent Marymount, đã gọi cho tôi. Người đó bảo rằng một thanh niên người Úc gốc Việt sắp bị treo cổ, mẹ và em cậu ta đã từ Úc bay sang đây, nhưng họ quá nghèo để có thể đưa thi thể con về nước, và hỏi liệu tôi có thể giúp họ. Tôi đồng ý ngay".

Sáng sớm ngày 2.12.2005, ông Roland Tay cùng người giúp việc, em trai Vân và nhiều người khác đã có mặt ở cổng chính nhà tù Changi, trong khi mẹ Vân cầu nguyện ở một nơi khác. Vân bị hành quyết lúc 6 giờ 7 phút. Sau 7 giờ, thi thể Vân được đưa ra ngoài. Ông Tay và mọi người đưa xác lên xe, chạy về phòng tẩm liệm của gia đình ông ở khu Geylang. Vợ ông, bà Sally Ho, lau rửa thi thể, mặc áo quần và làm các nghi thức nhập quan. Xong, ông đưa quan tài về nhà thờ nói trên. Hôm sau nữa, thi hài Vân được đưa về Úc...

Cái chết chấn động

Tôi hỏi ông Tay khi đồng ý lo tang ma miễn phí cho Vân, ông có biết lý do cậu ta bị hành quyết hay không. "Tôi có biết qua báo chí. Đó là một câu chuyện rất đau lòng", ông trả lời.

Vân sinh năm 1980 trong một trại tị nạn ở Thái Lan, bố mẹ đều là người Việt. Không lâu sau khi ra đời, Tường Vân cùng người em song sinh và mẹ sang Úc, định cư ở Melbourne, trong khi bố cậu sang Mỹ. Mẹ cậu sau đó tái hôn với một người Úc gốc Việt khác.

18 tuổi, Tường Vân rời ghế nhà trường đi làm, từ làm thuê cho công ty bán lẻ máy tính, nghiên cứu thị trường, đến tự mở cửa hàng máy tính của riêng mình vào năm 19 tuổi. Không may, cậu em song sinh dính vào một đường dây buôn ma túy và vướng vào các vấn đề pháp lý khiến gia đình rơi vào nợ nần. Để giúp gia đình, Vân quyết liều một chuyến, bằng cách nhận lời vận chuyển ma túy từ Campuchia quá cảnh Singapore về Úc cho một người Trung Quốc.

Ngày 2.12.2002, Vân bay từ Sydney sang Phnom Penh nhận heroin. Ngày 12.12, cậu rời Phnom Penh với những gói heroin nhỏ cột trong người và một gói khác trong hành lý. Hệ thống máy quét tại sân bay Changi của Singapore đã phát hiện ma túy trong người Vân. Tổng cộng, cậu mang 396,2g heroin, trong khi luật pháp Singapore cho phép treo cổ người mang hơn 15g heroin trái phép. Ngày 20.3.2004, Tòa án tối cao Singapore tuyên án tử hình đối với Nguyễn Tường Vân.

Ngày 20.10.2004, tòa phúc thẩm bác đơn kháng án của Vân. Hàng chục hội nhóm, tổ chức ở Singapore, Úc và cả thế giới phản đối án treo cổ, đồng thời gửi thư lên Tổng thống Singapore SR Nathan để xin khoan hồng cho Vân. Nhưng, bất chấp cả những thỉnh cầu từ các nghị sĩ Úc, và cả đề nghị trực tiếp của Thủ tướng Úc khi đó là ngài John Howard với Thủ tướng Lý Hiển Long tại Hội nghị APEC ở Hàn Quốc, Singapore vẫn quyết y án. Lời thỉnh cầu được ôm con trước ngày con bị hành quyết của mẹ Vân cũng bị từ chối.

Xót xa cho cô gái Việt

Khi tìm đến ông Tay, tôi chỉ biết ông là ân nhân của gia đình Nguyễn Tường Vân, chứ không biết ông cũng chính là người tiễn đưa Phạm Thị Trúc L., cô gái bán hoa mà Thanh Niên từng đề cập trong loạt phóng sự năm 2009 về nạn mại dâm ở Singapore. Sáng 17.3.2006, người ta tìm thấy thi thể Trúc L., 24 tuổi, với duy nhất chiếc váy xanh trên người, ngay chân tường một chung cư ở khu Toa Payoh. Đêm hôm trước, cô theo khách về nhà ông ta ở tầng 10 khu chung cư này. Khoảng 1 giờ rưỡi sáng, hàng xóm nghe tiếng hai người cãi nhau, rồi cô gái rơi từ cửa sổ căn hộ xuống đất, chết tại chỗ.

Cảnh sát Singapore đem thi thể Trúc L. về nhà xác quốc gia để giám định. Những cô bạn người Việt của Trúc L. đã gọi ông Tay. Ông đến nhận thi thể và đưa về quàn trang trọng tại khu Joo Chiat mà Trúc L. ở trọ, đồng thời tìm cách liên lạc với gia đình nạn nhân và tổ chức quyên góp. Giữa lúc đó thì chị Ý Thu, chủ quán ăn "Góc Việt" mà Thanh Niên từng viết bài năm 2008, nghe tin và tìm tới. Chị đã nhờ những người quen tại TP.HCM liên lạc với gia đình Trúc L. ở quận Bình Chánh. Tuy nhiên, khi những người này đến báo tin thì bị gia đình nghi ngờ, báo công an. Buộc lòng, chị Thu và vợ ông Tay phải tức tốc bay sang Việt Nam, trực tiếp gặp gia đình.

Bố Trúc L. ban đầu không nhận đó là con mình. Vì thế, gia đình ông Tay, chị Ý Thu cùng những người Việt ở Singapore đã tổ chức tang lễ và hỏa táng thi hài cô. Tro của cô được đem về văn phòng công ty ông Tay. "Cô biết không, lần đầu tiên ở Singapore có một đám ma mà những người khiêng quan tài là nữ, 8 cô gái người Việt. Họ đến rất đông để lo cho Trúc L. trong một tuần liền. Tôi rất xúc động. Trúc L. rất đẹp. Vợ tôi là người trang điểm cho thi thể. Bà ấy rất đau lòng", ông Tay nhớ lại.

Mấy hôm sau, mẹ Trúc L. sang nhận tro của con gái cùng số tiền 43.800 SGD mà ông Tay quyên góp được. Chị Ý Thu cho biết, khoảng 60% tiền quyên góp được là từ những người Việt, mà chủ yếu là từ các cô gái trẻ như Trúc L.

Tôi hỏi ông Tay người đàn ông Singapore liên can trong cái chết của Trúc L. có phải ra tòa hay bị hình phạt gì không. Ông nói không nghe gì hết. Chị Ý Thu cũng khẳng định như vậy. “Đó là chuyện của cảnh sát", ông Tay không muốn đi sâu vào vụ án, đồng thời nói thêm: "Khi giúp người, tôi không quan tâm họ là ai, từ đâu đến, chết vì lý do gì. Tôi chỉ nghĩ mình làm gì rồi cũng đối diện với luật nhân quả".

(Còn tiếp)

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.