Đồ chơi trẻ em: Cần quy chuẩn nhưng khó khả thi

29/05/2010 10:02 GMT+7

Kể từ ngày 15-4-2010, các loại đồ chơi trẻ em (ĐCTE) sản xuất trong nước và nhập khẩu sẽ được kiểm soát chặt chẽ, phải có chứng nhận công bố và gắn dấu CR theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi. Nhưng đến nay hơn 90% số đồ chơi trên thị trường vẫn chưa có dấu CR, chưa hợp quy chuẩn.

Lúng túng

Theo bà Phạm Thị Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 2 thuộc Trung tâm Kỹ thuật 3 (TT3), tính đến ngày 20-5, TT3 đã đánh giá chứng nhận hợp quy và cấp dấu hợp quy (CR) cho 10 lô hàng đồ chơi nhập khẩu đầu tiên theo quy định. Trong đó, Công ty TNHH TM-DV Phương Nga là doanh nghiệp đầu tiên được nhận dấu CR cho 2 lô hàng là Megabloks (nhập khẩu từ Canada và Trung Quốc), với số lượng 2.704 cái.

Theo Công ty Phương Nga, mặc dù đã nhận được dấu CR ngay từ ngày 15-4, nhưng cho đến nay công ty mới hoàn tất việc triển khai in và dán dấu CR trên các sản phẩm, đồng thời thống kê xong số lượng hàng tồn.

Đối với sản xuất trong nước, Công ty Nhựa Chợ Lớn là doanh nghiệp đầu tiên tại TPHCM được cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho hơn 100 loại sản phẩm ĐCTE. Tại các doanh nghiệp khác đã được cấp dấu CR, nhưng vẫn còn lúng túng trong việc sẽ in ấn tem ở đâu để tránh tình trạng tem giả, tem nhái; rồi dán dấu CR ở vị trí nào để người tiêu dùng dễ nhìn thấy… Theo kế hoạch, sớm nhất vào đầu tháng 6, các doanh nghiệp này mới có thể tung ra thị trường những sản phẩm đầu tiên có dán dấu CR. Đây là lý do khiến nhiều người tiêu dùng băn khoăn, vì sao cho đến nay các sản phẩm hợp quy chuẩn chưa có nhiều trên thị trường.

Trong khi doanh nghiệp tuân thủ khá tốt các quy định về kiểm định vừa mất thời gian, vừa tốn chi phí nhưng lại gặp sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng trôi nổi và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Chưa hết, sắp tới trên thị trường sẽ xuất hiện tình trạng in giả dấu CR để đối phó, làm thế nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bà Phạm Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Phương Nga cho rằng, để đối phó với các vấn đề nêu trên, trước hết doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình bằng cách photo các văn bản được cơ quan chức năng cấp dấu CR cho các cửa hàng đối tác để người tiêu dùng tự đối chiếu và so sánh sản phẩm hợp chuẩn và chưa hợp chuẩn…

Ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc TT3 cho rằng, về lâu dài, TT3 sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xác định danh mục đồ chơi cụ thể và thống nhất cách thức hợp quy để đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp. Với những lô hàng nhập khẩu và sản xuất trước ngày 15-5, nếu có hồ sơ được đánh giá ở các chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng địa phương sẽ được TT3 nhanh chóng cấp dấu CR. Trong trường hợp hàng hóa không có hồ sơ rõ ràng sẽ được xử lý theo quy định.

Khó khả thi

ĐCTE nhằm hỗ trợ phát triển tư duy của trẻ nên rất cần thiết cho trẻ. Thế nhưng, do những yếu tố đặc thù, nếu đồ chơi được sản xuất từ những nguyên vật liệu độc hại, không an toàn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ… Do vậy, ngay từ năm 1996, Bộ KHCN đã ban hành một quy chuẩn về danh mục các đồ chơi trẻ em. Theo đó, các loại đồ chơi dành cho trẻ em trên 36 tháng tuổi phải được kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý.

Đến tháng 4-2006, có thêm một quy định đối với đồ chơi dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phải được kiểm tra 8 nguyên tố thôi nhiễm (do trẻ em thường cho đồ chơi vào miệng hay ngậm, cắn, mút...). Và mãi đến năm 2009, việc kiểm soát chất lượng ĐCTE mới được cụ thể hóa bằng những văn bản nêu trên. Với quy định mới, tất cảû các loại đồ chơi (kể cả sản xuất trong nước và nhập khẩu) đều phải được kiểm tra các chất ô nhiễm, độ pH, dung dịch, formaldehyde trong các vật liệu bằng gỗ, vải, nhựa... Theo các chuyên gia, đây là bước tiến lớn trong việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, độ an toàn của ĐCTE vốn được bày bán tràn lan trên thị trường từ nhiều năm qua.

Cũng theo ông Hoàng Lâm, để triển khai theo ý muốn của các cơ quan chức năng trong thời điểm này vô cùng khó khăn, nếu không nói là khó khả thi. Nếu so sánh với việc triển khai và dán dấu CR trên nón bảo hiểm đã khó thì ở mặt hàng ĐCTE công việc này khó gấp nhiều lần bởi ĐCTE muôn hình, vạn trạng, ở mỗi sản phẩm lại có hàng chục chi tiết khác nhau và được sử dụng từ các loại nguyên vật liệu cũng rất khác nhau.

Do vậy, để kiểm định sản phẩm (đối với sản xuất trong nước) phải bắt đầu đánh giá từ nguồn nguyên liệu rồi dây chuyền sản xuất, các chi tiết sản phẩm và các chỉ tiêu bắt buộc… Nói như ông Lâm, việc kiểm định và giám sát chất lượng ĐCTE hiện nay là một câu chuyện dài. Một cán bộ quản lý thị trường cho rằng, đồ chơi có nhiều kích cỡ nên việc lấy mẫu đi kiểm tra rất khó khăn.

Tuy vậy, để các văn bản pháp quy đạt hiệu quả cao nhất, cần có thời gian và lộ trình cụ thể. Bên cạnh đó, kêu gọi sự đồng thuận của toàn xã hội, từ nhà sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng và sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng thì mới có thể triển khai thành công. 

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.