Bất ổn trong lòng tình báo Mỹ

29/05/2010 23:23 GMT+7

Sự kiện đô đốc về hưu Dennis C.Blair rời ghế Giám đốc Tình báo quốc gia đánh dấu một chặng đường khá gập ghềnh của tình báo Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Làng tình báo Mỹ là một mớ bòng bong rối rắm, với lớp lớp các cơ quan hoạt động chồng chéo, khiến người ngoài đôi khi cảm thấy bối rối trong nỗ lực phân biệt. Nổi tiếng nhất là Cơ quan Tình báo trung ương (CIA). Bên cạnh đó là nhiều bộ phận khác, như Cục Điều tra liên bang (FBI) của Bộ Tư pháp phụ trách điều tra và tình báo đối nội, Cục An ninh quốc gia (NSA) thuộc Bộ Quốc phòng phụ trách phân tích tín hiệu truyền thông và thông tin tình báo dạng khác.

Ở vị trí “thống lĩnh quần hùng” là Giám đốc Tình báo quốc gia. Mới đây, sự ra đi của ông Dennis C.Blair khỏi cương vị đứng đầu 16 cơ quan tình báo của Mỹ đánh dấu một bước chùng của lực lượng tình báo lớn nhất thế giới này.

Cộng đồng Tình báo

Trong 16 cơ quan thuộc cái gọi là Cộng đồng Tình báo Mỹ, CIA không hẳn là tổ chức tình báo có quy mô lớn nhất, nhưng có lẽ là cái tên được thế giới biết đến và quan tâm nhiều nhất. CIA không nằm dưới sự quản lý của bất kỳ bộ nào, mà trực thuộc chính phủ. Lực lượng này thực hiện các hoạt động bí mật theo lệnh tổng thống và cung cấp thông tin tình báo cho các nhà hoạch định chính sách cấp cao. CIA tham gia vào kế hoạch ám sát, xây dựng lực lượng chống các chính phủ thù địch, chống khủng bố và nhiều hoạt động khác. Lực lượng này gần đây thường được biết đến với chiến dịch sử dụng máy bay không người lái nã tên lửa vào các mục tiêu mà họ cho là căn cứ khủng bố ở Pakistan và nhiều nơi khác thuộc vùng Trung Đông, Nam Á.

Sau CIA là mạng lưới tình báo của Bộ Quốc phòng với 8 cơ quan chính. Hải - Lục - Không quân và Thủy quân lục chiến đều có cơ quan tình báo riêng của mình. Bên cạnh đó là các cơ quan tuần tiễu, do thám, phản gián, phân tích thông tin khác nằm dưới sự quản lý của Lầu Năm Góc.

Ở Mỹ, Bộ Năng lượng đóng một vai trò rất to lớn trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Loại trừ nhiệm vụ quản lý việc cung cấp năng lượng cho đất nước - vốn có vai trò quan trọng như ở bất kỳ quốc gia nào khác, bộ này còn phụ trách hệ thống vũ khí hạt nhân. Chính vì mối liên hệ mật thiết với an ninh, quốc phòng mà Bộ Năng lượng có Văn phòng Phản gián và tình báo với quy mô, phạm vi hoạt động rất lớn.

Từ sau sự kiện khủng bố 11.9.2001, Bộ An ninh nội địa ra đời với nhiệm vụ chính là bảo an trong nước. Như một hệ quả, hai cơ quan tình báo trực thuộc là Văn phòng Tình báo và phân tích cùng với Cục Điều tra tuần duyên đã ra đời, phụ trách mảng phân tích thông tin, đánh giá nguy cơ khủng bố, phát hiện mối đe dọa vũ khí sinh học, các xu hướng cực đoan trong nước, phân tích thông tin phục vụ cho điều tra liên quan đến vấn đề biên phòng, bảo vệ bờ biển.


m mưu khủng bố bất thành mới đây ở Quảng trường Thời Đại một lần nữa làm dấy lên lo ngại về năng lực của tình báo Mỹ - Ảnh: T L Miles

Bộ Tư pháp là nơi có hai cơ quan điều tra, tình báo nổi tiếng mà người ta thường biết đến qua các bộ phim của Hollywood, đó là Cục Điều tra liên bang (FBI) và Cơ quan Chống ma túy (DEA). Đây là hai lực lượng đặc biệt tinh nhuệ trong các chiến dịch chống băng nhóm tội phạm ma túy và khủng bố cũng như trong nhiệm vụ phản gián. Vì Mỹ không có cảnh sát liên bang (chỉ có cảnh sát tiểu bang), FBI và DEA có vai trò giống như một lực lượng cảnh sát liên bang.

Bộ Ngoại giao không hẳn chỉ phụ trách các vấn đề ngoại giao. Bộ này còn có Cục Tình báo và nghiên cứu chuyên trách về phân tích, đánh giá các chính sách của nước ngoài. Còn một bộ có vẻ hiền lành như Bộ Tài chính cũng có Văn phòng Chống khủng bố và tình báo tài chính. Thực ra “bộ tiền bạc” này chính là nơi đã “đẻ” ra lực lượng mật vụ chuyên trách bảo vệ tổng thống và các yếu nhân khác (sau này thuộc Bộ An ninh nội địa). Giai đoạn 1929 - 1931, chính từ bộ này, thanh tra Eliot Ness đã tổ chức một chiến dịch tiễu trừ mạng lưới tội phạm của ông trùm Al Capone khét tiếng vùng Chicago (mà sau này được kể lại trong phim The Untouchables).

Trên đây là các cơ quan tình báo chính, còn trên thực tế thì có vô số văn phòng có chức năng tình báo khác nữa. Nhưng việc một mạng lưới tình báo dày đặc như thế lại có những thất bại đáng kể trong thời gian qua là điều khó chấp nhận được. Và vào tuần trước, Giám đốc Tình báo quốc gia Dennis C.Blair đã phải tuyên bố từ chức.

Bị chỉ trích

Khi lên làm tổng thống vào đầu năm 2009, ông Barack Obama đã bày tỏ quyết tâm thực hiện một loạt biện pháp cải tổ trong chiến lược quân sự, an ninh, mà việc chuyển quân từ Iraq sang Afghanistan cũng như việc cắt bớt các chương trình quốc phòng tốn kém là những nét đổi mới dễ thấy nhất.

Đối với hệ thống tình báo, ông Obama cũng muốn “gội rửa” cho sạch những vấn đề của quá khứ, như việc bắt cóc và giam giữ nghi phạm bí mật ở nhà tù nước ngoài, sử dụng các biện pháp “thẩm vấn đặc biệt” vốn không khác gì tra tấn được thực thi dưới thời ông George W.Bush. Trong xu hướng đó, ông đã chọn cựu quân nhân Dennis Blair lên giữ chức Giám đốc Tình báo quốc gia và ông Leon Panetta lên đứng đầu CIA.

Điều đáng nói là trong khi nhiều người hoan nghênh các biện pháp “tẩy uế” cho tình báo Mỹ thì một số khác lại cho rằng bằng việc đoạn tuyệt với “thẩm vấn đặc biệt”, ông Obama đã vô hình trung tước đi một công cụ hữu hiệu để truy vấn các nghi can khủng bố. Cuộc tranh cãi này lúc bùng lên, lúc lặng xuống, nhưng chưa bao giờ dứt trong cộng đồng tình báo.

Và rồi cuộc cải tổ của ông Obama đã vấp phải nhiều “sự cố” mà những người chỉ trích đã không ngần ngại gọi đó là sự yếu kém của tình báo. Nổi cộm là vụ thảm sát tại căn cứ Fort Hood ở tiểu bang Texas, khi một thiếu tá quân y xả súng bắn chết 13 người và làm bị thương 30 người khác trong một doanh trại quân đội. Vụ việc này được đặt tên là “sự yếu kém trong khả năng phòng ngừa nguy cơ”, bởi từ trước đó rất lâu, hung thủ Nidal Malik Hasan đã có liên lạc với một giáo sĩ Hồi giáo cực đoan cũng như liên tục bộc lộ các tư tưởng bạo lực, hằn thù nhằm vào quân đội Mỹ. Tình báo Mỹ trong vụ này bị chỉ trích là quá chủ quan, bỏ qua một mối đe dọa to lớn và sát sườn.

Tiếp đó, vào dịp Giáng sinh năm rồi, sự kiện thanh niên Umar Farouk Abdulmutallab đến từ Nigeria âm mưu đánh bom trên chiếc máy bay của hãng Northwest Airlines như bồi tiếp một đòn vào danh tiếng của tình báo của Mỹ. Vụ đánh bom chưa xảy ra, nhưng việc để cho nghi phạm mang chất nổ lên máy bay và di chuyển khá tự do là một sai lầm chết người, nhất là từ trước đó rất lâu, tình báo Mỹ đã được cảnh báo về xu hướng cực đoan của Abdulmutallab cũng như mối quan hệ của người này với nhánh al-Qaeda ở Yemen. Một nhân vật như thế lẽ ra phải nằm trong danh sách cấm bay, bị theo dõi đặc biệt, thế nhưng Abdulmutallab vẫn ung dung lên máy bay như thường. Khả năng yếu kém trong việc ngăn chặn nguy cơ từ trong trứng nước đã dẫn tới thảm kịch 11.9.2001. Giờ đây, “phong độ” của tình báo Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng bi kịch ngày trước có thể lặp lại bất cứ lúc nào.

Sau hai sự kiện bẽ bàng trên là vụ đánh bom bất thành ở ngay Quảng trường Thời Đại tại New York mới đây. Kẻ đánh bom đã chở được chất nổ tới một khu vực đông người và cũng là biểu tượng phồn thịnh của nước Mỹ. May thay, bom chưa phát nổ thì bị phát hiện. Lần này, hệ thống tình báo Mỹ cũng bị chỉ trích là yếu kém trong khả năng ngăn chặn từ xa.

Ba vụ việc chính cùng nhiều vụ nhỏ khác đã làm suy giảm uy tín của cộng đồng tình báo Mỹ. Bên cạnh đó, ông Dennis Blair còn bị chỉ trích vì đã thất bại trong việc thành lập một nhóm thẩm vấn đặc biệt để chống khủng bố như ông từng cam kết. Những sự vụ xảy ra trong giai đoạn đầu của chính quyền Obama được giới quan sát gọi là “những thất bại có tính hệ thống” của tình báo Mỹ. Điều này phải được chấn chỉnh tức thời. Và sự ra đi của ông Blair có lẽ là dịp để chủ nhân Nhà Trắng ra tay chấn chỉnh.  

Châu Minh Linh
* Nguồn tham khảo: AP, Washington Post, BBC, AFP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.