Hội chứng bệnh văn phòng

25/04/2010 11:28 GMT+7

(TNTT>) Ngày nay, làm việc ở cao ốc văn phòng đã trở nên phổ biến và đi kèm theo đó là “Hội chứng bệnh văn phòng”(Sick Building Syndrome - SBS). Dù SBS không nghiêm trọng như nhiều chứng bệnh khác, nhưng đó cũng là vấn đề không thể xem thường.

SBS bao gồm một số triệu chứng mà các bệnh nhân hay gặp khi làm việc trong văn phòng và thường có xu hướng cải thiện khi chuyển sang môi trường làm việc khác. Tuy nhiên, với những cá nhân đặc biệt nhạy cảm, nó có thể để lại hệ lụy lâu dài.

Những mầm bệnh thường trực

Hội chứng bệnh văn phòng, SBS, thực chất là tổng hợp của nhiều loại bệnh khác nhau có nguyên nhân từ những điều kiện làm việc ở văn phòng như: sử dụng máy giữ độ ẩm không khí, thiết bị làm mát; tiếp xúc với bụi; sử dụng màn hình máy tính và sự hiện diện của các hóa chất gây ô nhiễm trong máy móc sử dụng, trong các loại thuốc xịt côn trùng hoặc thuốc tẩy rửa...

Các triệu chứng của SBS vì thế cũng mang tính “tổng hợp” nhưng thường bao gồm nhức đầu, nghẹt mũi, khô mắt, khô họng, khô da và thỉnh thoảng chảy nước mắt, nước mũi, hoặc làm nghiêm trọng hơn bệnh suyễn vốn có. Nhân viên bị các triệu chứng này cũng rất nhạy cảm về sự thiếu tiện nghi của môi trường, thường nhận xét môi trường làm việc nóng, khô hơn và ngột ngạt hơn so với các đồng nghiệp làm việc cùng một nơi.

Máy điều hòa: Thông thường các tòa nhà được điều hòa không khí dễ khiến người ta bệnh hơn những môi trường thông thoáng tự nhiên. PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội hô hấp TP.HCM, cho hay đường hô hấp vốn nhạy cảm với nhiệt độ nên cần được giữ ấm. Sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ thấp trong thời gian dài sẽ có thể khiến bạn nhiễm bệnh về hô hấp. Ngoài ra, các thiết bị này càng bị làm bẩn, các triệu chứng liên quan đến SBS sẽ càng đáng kể.

Máy giữ độ ẩm: Giới chuyên môn nghĩ rằng vấn đề với các thiết bị giữ độ ẩm không khí hoặc có thể liên quan đến vi khuẩn và nấm tăng trưởng trong điều kiện ẩm ướt, hoặc có liên quan đến việc phun xịt thuốc diệt vi sinh vật vốn được công ty điều hòa không khí sử dụng để khử trùng thiết bị giữ độ ẩm không khí. Thực tế cho thấy việc tăng độ ẩm lên hơn 40% thúc đẩy sự gia tăng bụi bặm trong nhà và sự lây lan các virus liên quan đến hô hấp.

Bụi: Các cao ốc văn phòng đầy bụi bặm và dơ bẩn, cùng sự hiện diện của khói thuốc lá đã làm gia tăng những triệu chứng bệnh. Mà theo BS. Tuyết Lan, bụi bặm là nơi tập trung nhiều con mạt nhà. Phân của chúng là dị nguyên gây bệnh suyễn đã được khẳng định.

Màn hình hiển thị: Các màn hình hiển thị của máy tính bị “quy trách nhiệm” cho một số triệu chứng nhất định, như nhức đầu, mỏi mắt. Nhân viên sử dụng máy tính hơn 7 tiếng đồng hồ có nhiều triệu chứng của SBS hơn.

Màn hình máy tính cũng có thể tích điện các vi hạt trong không khí và khi những vi hạt này được “ký gửi” trên mặt ở một số cá nhân nhạy cảm nhất định có thể gây mẩn ngứa. Ngoài ra, sử dụng màn hình máy tính nhiều cũng là nguyên nhân gây chứng mỏi mắt làm giảm năng suất làm việc của bạn.

Phòng và chữa bệnh

Ngay từ năm 1984, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo có đến 30% cao ốc mới và được nâng cấp trên thế giới có thể gây ra các triệu chứng SBS, trong đó phụ nữ là đối tượng dễ bị hơn. SBS khiến nền kinh tế Anh mất 24,6 triệu ngày làm việc mỗi năm do nghỉ bệnh.

Vì SBS là sự “tổng hợp” các loại bệnh nên khi thấy mình có những triệu chứng kéo dài, bạn cần đến khám tổng quát để được tư vấn bệnh cụ thể và sau đó điều trị ở các bác sĩ chuyên khoa. Nếu không thể thay đổi môi trường làm việc, bạn hãy thử một số biện pháp sau đây để phòng ngừa SBS:

* Giữ cho văn phòng của mình thông thoáng bằng cách thỉnh thoảng mở cửa sổ cho không khí lưu thông.

* Khi dùng máy điều hòa không nên để ở nhiệt độ quá thấp và cần vệ sinh máy 1 lần/tháng để tránh máy lạnh trở thành ổ nấm mốc, vi trùng.

* Cần quét dọn thường xuyên để bàn ghế không bị bụi bặm, có thể gây dị ứng và một số bệnh về hô hấp.

* Không nên ngồi trước máy tính quá lâu, mỗi tiếng làm việc nên nghỉ ngơi 5-10 phút, sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng và hạn chế chứng mỏi mắt.

Khang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.