Trắng đêm với “sa tặc”

24/04/2010 15:57 GMT+7

Sông Kiến Giang hiền hòa đoạn chảy qua xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) ngày càng trở nên “hung dữ”; người dân ở đó trắng đêm không ngủ vì tiếng máy ầm ầm và nỗi lo nhà cửa sắp trôi sông.

Thủ phạm chính là những con đò “khủng” khai thác cát sạn trái phép mà dân quê đã biết gọi là “sa tặc”. 

Người tuôn nước mắt, nhà trôi sông

Sáng sớm, điện thoại của tôi rung lên số lạ, trong máy là tiếng một phụ nữ, giọng thảng thốt: “Chúng tôi sống không nổi nữa em à, đêm qua nó lại phá, lại quần đảo…”. Người phụ nữ ấy là chị L.T.L, ở thôn Mỹ Trạch, xã Mỹ Thủy. Chúng tôi tìm gặp và chứng kiến sự bất lực và hoảng loạn hiện rõ trên khuôn mặt người phụ nữ này. Chị dẫn chúng tôi ra sau vườn nhà chỉ vào bờ tường rào xây bằng gạch bị sập rồi nói: “Trước đây đất vườn nhà chị cách xa ra 3m nữa nhưng giờ trôi sông hết rồi, đoạn tường rào cũng bị sập. Chúng tôi trồng tre, cây bụi lên để giảm sự sạt lở nhưng chẳng ăn thua, cứ đà này chỉ vài năm nữa thì nhà cũng bị trôi xuống sông. Cả cơ nghiệp, cả đời người mới làm được cái nhà, mất đi thì biết ở đâu”.

Các đò lấy cát thường tập trung hoạt động vào ban đêm, từ khoảng 0 giờ đến 4 giờ sáng để tránh sự truy bắt và phát hiện của chính quyền địa phương. Cứ đêm về, vừa chợp mắt là chị L. lại không ngủ được bởi tiếng máy hút cát đánh rầm rầm bên tai, vì tiếng máy đã đành, chị còn bồn chồn hơn với suy nghĩ ngôi nhà mình bị cuốn mất trong thời gian tới đây. Thế là chị lại vùng dậy ra vườn trong đêm tối dù mưa gió hay giá rét. Chị lấy hơi la, họ cũng mặc, nhiều khi những người dưới đò lại văng tục cho chị xấu hổ mà vào; chị tập kết đá vào vị trí rồi ném xuống sông nhưng sức phụ nữ có hạn, chỉ ném được gần, “mình ném để hù dọa mà”. Ở dưới sông cũng không vừa, các “sa tặc” dùng đá ném ngược trở lại. Có lần chị theo mấy chiếc đò về bãi đổ cát, tiến đến mấy người làm nhỏ nhẹ: “Tôi van xin mấy anh phải khai thác đúng quy định, đúng vị trí. Nhà tôi sắp sập rồi, nhà tôi cũng như nhà mấy anh mà”. Nhưng đâu có ai nghe.

Một đêm mưa rét, chị lại ra nhưng rồi tức tưởi trở vào khóc nức nở bên ống nghe máy điện thoại khi điện cầu cứu trực ban Công an huyện Lệ Thủy. Sau đó chị viết một mạch đến sáng bức thư thấm đẫm nước mắt dài 2 trang giấy A4 gửi lên UBND huyện. Thư có đoạn: “Không chỉ họ lấy cát ở khu vực nhà dân chúng tôi mà còn hút ngay dưới chân cầu Mỹ Trạch. Trước đây, nhân viên đường sắt cũng phải vác đá ném mới bớt, nhưng giờ lại như cũ”. Nếu xảy ra sự cố với cầu Mỹ Trạch thì hậu quả sẽ khôn lường vì ảnh hưởng đến đường sắt Bắc-Nam.

Chúng tôi xuôi về thôn Mỹ Hà, ghé thăm nhà ông bà T.Ngh ở ngay vị trí ngang với cồn Soi nổi giữa dòng Kiến Giang. Ông T.Ngh kể: “Trước đây cồn Soi rộng và dài lắm, khoảng 3 ha, dân địa phương trồng ngô, sắn, dưa... mang lại một nguồn thu nông sản không nhỏ. Nhưng mấy năm trở lại việc khai thác cát ồ ạt ngay tại đó đã khiến cồn mất dần với chiều dài đến 200m. Mất cồn đồng nghĩa với hơn 50 hộ dân mất đất sản xuất, và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy. Họ đúng là sa tặc, người dân sống ven bờ sông không thể nào ngủ nổi bởi tiếng máy hút cát ầm ầm suốt từ nửa đêm về sáng; ban ngày chúng cũng hút, chĩa ống hút ngay dưới chân cồn Soi nên đất lở nhanh hơn. Mới đây, UBND xã đưa một chiếc đò vào gửi ở nhà tôi để tác chiến, không hiểu sao họ biết thế là cứ nhằm giờ ngủ chúng lại gọi vào máy điện thoại bàn nhà tôi liên tục. Lúc thì đe dọa, hoặc mình nhấc máy lên là nó ngắt nên vợ chồng già tôi càng chết dở, để canh máy cũng không được vì có chuyện gì con cái điện về. Chịu hết nổi, tôi đành điện báo xã vào đưa đò đi, thế là họ hết quấy”.

Ông T.Ngh dẫn chúng tôi ra bờ sông, cảnh tượng nhìn thật xót xa. Đó là mũi cồn Soi lùi xa dần xuống dưới, bờ cồn nham nhở, đất lở từng mảng rớt bì bỏm xuống nước. Lòng sông rộng ra thêm, bến sông bây giờ là vực thẳm, dân làng phải góp tiền xây bậc bê tông trên mặt bến, nơi nào không có thì phải đóng cọc tre. Mấy năm nay đã có vài ba đứa trẻ phải vĩnh viễn ra đi vì những bến sông như cái bẫy này. Có em may mắn hơn thì được cứu sống trong gang tấc như con của anh H., nay em đã đi học đại học.

Đêm ấy, chúng tôi thức trắng chờ “sa tặc”. Thoáng cái đã thấy đồng hồ điểm 0 giờ, chờ thêm tí nữa, 3 chiếc đò lần lượt xuất hiện. Khi gần đến điểm khai thác, họ hạ ga chạy rà rà gần sát rồi dùng đèn pin soi quanh trên bờ, nhất là quanh các bụi tre. Mục đích dò tìm xem có lực lượng chức năng phục kích không. Thấy có vẻ yên ắng, họ bắt đầu chống sào, thả neo, quăng ống xuống sông. Tất cả thao tác nhanh gọn trong bóng đêm. Tiếng 3 máy công suất lớn phát nổ cộng hưởng rền cả khúc sông, vang ra xung quanh làng xóm. 15 phút, họ đã hút đầy đò từ 7-10 khối và nhổ neo rút đi cũng nhanh lẹ như khi đến. 30 phút sau, thêm 4 chiếc trờ đến và cũng “đánh” tương tự...

Cuộc chiến không cân sức

Theo quy định, khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sạn trên sông Kiến Giang là đoạn từ cống An Lạc, xã Lộc Thủy đến vị trí HTX Thống Nhất, xã Mỹ Thủy; khu vực được phép là từ HTX Thống Nhất đến thượng nguồn, điểm khai thác tính từ mép nước tự nhiên trở ra 25m về 2 phía tả hữu. Điều oái oăm là đoạn sông ngang vị trí thôn Mỹ Trạch và Mỹ Hà (không được phép khai thác) lại có cát tự nhiên đẹp và nhiều, nên vẫn bị “sa tặc” dai dẳng tấn công. Nếu nói UBND huyện Lệ Thủy thờ ơ trong việc chỉ đạo kiểm tra, truy quét thì cũng không hẳn đúng vì trong thời gian qua, UBND huyện đã ra nhiều kế hoạch, công văn, chỉ thị yêu cầu các ban ngành, địa phương cấp xã liên quan tăng cường quản lý; cũng có đoàn liên ngành được thành lập. Thế nhưng xem ra chẳng có hiệu quả vì đó chỉ là những con chữ trên mặt giấy và sự thực hiện của các đơn vị được yêu cầu cũng chưa sát sao.

Và khai thác cát trái phép vẫn diễn ra, người dân tiếp tục kêu cứu nhưng chính quyền xã bất lực. Mới đây nhất, cuối tháng 11.2009, UBND xã Mỹ Thủy lại có công văn gửi công an huyện về việc xin hỗ trợ lực lượng ngăn chặn “cát tặc” bởi sự chống trả quyết liệt của các đối tượng khai thác, đã 4 lần thuyền máy của lực lượng tuần tra xã và thôn bị đâm chìm.

Khi kể lại sự việc, trên gương mặt chai sạn của anh công an viên phụ trách địa bàn thôn Mỹ Trạch Trần Văn Thanh còn nguyên sự thất thần. “Tháng 4.2009, chúng tôi phát hiện ra đò của một người tên Phú ở xã Mai Thủy đang khai thác khu vực cầu Mỹ Trạch liền tập hợp anh em lên đò ra xử lý. Đối tượng nhất quyết không chấp hành, sau đó đã gọi điện thoại cho lái đò khác ra lao thẳng vào đò của chúng tôi. Quá bất ngờ trước sự liều lĩnh nên không ai kịp phản ứng, bị rơi xuống sông, đò mình nhỏ hơn nên cũng bị nhấn chìm. Tôi đã bị 3 vụ, nguyên nhân là đò họ to hơn, manh động hơn; hễ đò mình áp sát đò nó là nó dùng sào dài đẩy ra hoặc dùng xẻng, rựa đập, chặt vào thành đò nếu mình bám lên. Mấy lần trong đêm khuya, người dân kêu quá nên mình tôi phải mặc áo phản quang của công an cầm đèn ra soi để dọa, chúng chỉ sợ khi thấy bóng dáng công an huyện” - anh Thanh kể.


Các bãi tập kết cát sạn luôn sôi động - Ảnh: T.Q.Nam

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy Hà Thanh Khai thở dài: “Từ trước đến nay mới chỉ bắt được 7 vụ, trong khi số đò khai thác trái phép thì nhiều gấp mấy lần. Bây giờ máy chạy đò của nó được cải tiến, từ chế độ hút chuyển sang chế độ đẩy để chạy thoát trong tích tắc, chứ trước kia phải thay dây roăng mất thời gian hơn. Những anh em làm công tác tuần tra, khi có việc gì cũng không dám đến xã có đò khai thác vì đến là bị chặn đường hành hung liền. Đều là đò các xã khác đến, đò ai, ở đâu thì địa phương chắc chắn nắm rõ. Nếu UBND huyện và công an huyện tổ chức về từng xã, hoặc cụm xã gọi từng chủ đò lên tuyên truyền, viết cam kết, vi phạm phạt thật nặng, xử lý nghiêm và công an huyện tăng cường tuần tra đột xuất trên sông thì sẽ có hiệu quả”.

Rõ ràng trong cuộc chiến này, lực lượng chức năng xã Mỹ Thủy còn đơn độc lắm...  

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.