Một kiểu làm khó doanh nghiệp?

18/04/2010 22:54 GMT+7

Sau hơn 3 tháng đồng loạt kiểm tra, đến nay cơ quan quản lý thị trường (QLTT) chỉ có căn cứ xử phạt hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu một vài sai phạm.

Theo đơn kêu cứu của bà Lê Thị Mỹ Châu, đại diện cho Công ty CP dược phẩm Minh Phúc và chuỗi hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu (gọi tắt là nhà thuốc Mỹ Châu), vào ngày 7.1.2010, Chi cục QLTT TP.HCM đồng loạt tổ chức kiểm tra hệ thống 13 nhà thuốc Mỹ Châu và kho của Công ty CP dược phẩm Minh Phúc. Cuộc kiểm tra không có sự tham gia của cơ quan quản lý y tế.

Qua kiểm tra, QLTT đã lập biên bản, thu giữ một lượng lớn thuốc cận hạn, hết hạn dùng được lưu giữ tại “kho biệt trữ”. Mặc dù đã được DN trình bày, giải thích, kho biệt trữ là nơi để lưu giữ những thuốc cận hạn dùng, hàng vận chuyển bị hư, kém chất lượng... trước khi phân loại trả lại cho từng nhà cung cấp, hay đem đi tiêu hủy theo quy định của ngành y tế, nhưng phía QLTT không ghi nhận. Từ thông tin QLTT kiểm tra, phát hiện một lượng thuốc rất lớn hết “date” tại nhà thuốc Mỹ Châu, khiến DN gặp nhiều khó khăn suốt mấy tháng qua.

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, bà Châu kể: Trước thời điểm QLTT đến kiểm tra, công ty đã mua lại chuỗi nhà thuốc Y Đức - hệ thống đạt chuẩn GPP của Công ty CP dược phẩm Minh Phúc, trong số đó có cả một số mặt hàng cận date, công ty đưa vào lưu giữ ở kho biệt trữ chờ phân loại, xử lý. “Chúng tôi có lập danh sách các mặt hàng đưa vào kho biệt trữ theo quy định của ngành y tế. Những thuốc này không hề có trên các quầy hàng đang bán.

Thực tế, qua kiểm tra cả một hệ thống nhà thuốc lớn như vậy, với mấy chục ngàn mặt hàng, kết quả chỉ có sai phạm nhỏ ở hai nhà thuốc. Cụ thể, có hai lọ thuốc hạ sốt acemol do VN sản xuất, giá 3.000 đồng/lọ ở nhà thuốc Mỹ Châu 4, và 6 viên trị đau bao tử pantonim-kit tại nhà thuốc Mỹ Châu 10 (hạn dùng trễ 7 ngày so với lúc kiểm tra), do buôn bán bận rộn, nhà thuốc chưa đưa vào kho hai loại này, chứ không ai lại đi đánh đổi cả một hệ thống nhà thuốc tên tuổi đã 23 năm chỉ với hai loại thuốc có giá trị và số lượng nhỏ như vậy”, bà Châu bức xúc.

Đáng nói hơn, có một số loại hàng hóa, mỹ phẩm có số đăng ký đàng hoàng nhưng QLTT vẫn kết luận không có và niêm phong chở hết đi. “Trong số đó, khi chúng tôi trình bày thì đội QLTT 2A có trả lại 60 thùng hàng. Nhưng, cũng là những mặt hàng đó, đội QLTT 5A không trả lại, vẫn giam giữ hàng. Thậm chí, QLTT nhầm lẫn tưởng tên logo công ty trên hộp thuốc là tên thuốc và đòi DN đưa hóa đơn loại thuốc này...”, bà Châu kể.

Và mới đây, hơn 3 tháng sau ngày kiểm tra, QLTT mời DN lên để ra quyết định xử phạt cũng chỉ dựa chính trên chi tiết sai phạm về 2 lọ thuốc acemol và 6 viên thuốc trị đau bao tử nói trên (?!).

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.