Vô lý khi buộc người tiêu dùng phải chịu án phí khi khởi kiện

17/04/2010 15:21 GMT+7

(TNO) Đó là nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu khi góp ý về dự Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVNTD), vốn lần đầu tiên trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) vào sáng nay (17.4).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên & Nhi đồng của QH, ông Đào Trọng Thi, nếu chỉ quy định “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NTD là trách nhiệm chung của toàn xã hội; Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo vệ NTD”, như vậy thì dự Luật BVNTD đã thiếu hẳn vai trò quản lý của nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi NTD. Theo ông Thi, hiện có rất nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt cần vai trò kiểm soát, quản lý của nhà nước để đảm bảo quyền lợi NTD, ví như dịch vụ y tế, giáo dục, các dịch vụ công. Vì vậy, cần thiết phải quy định thêm vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi NTD vào dự luật.

Về quy định giải quyết tranh chấp bằng thủ tục xét xử rút gọn tại tòa án cấp huyện như dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Nguyễn Văn Thuận, cho rằng như thế là vi hiến. “Ra tòa là công dân có quyền kháng cáo theo quy định của Hiến pháp, không thể nói chỉ giải quyết một lần, công dân có quyền kháng nghị”, ông Thuận phản biện.

 Luật BVNTD do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo gồm 8 chương, 68 điều, chưa đưa ra thời hạn dự kiến có hiệu lực thi hành của luật. Dự luật sẽ trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào giữa tháng 5 tới.

Liên quan đến giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính đối với những giá trị hàng hóa, dịch vụ tranh chấp dưới 10 triệu như quy định của dự luật, ông Thuận cho biết: “Vấn đề này là tranh chấp dân sự hai bên, không đúng thẩm quyền cơ quan nhà nước, nếu người được giải quyết không đồng ý sẽ lại tiếp tục khiếu nại lên cấp trên, làm phức tạp tình hình. Bản chất tranh chấp này không liên quan quản lý hành chính, giải quyết hành chính là không ổn”.

Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thì sở dĩ quy định như vậy trong dự luật là vì xuất phát từ thực tế các thủ tục, quy trình tố tụng hiện hành qua nhiều khâu phức tạp, gây tâm lý e ngại cho NTD. Cũng vì lý do này mà dự luật quy định thêm việc cơ quan hành chính nhà nước giải quyết tranh chấp các hàng hóa, dịch vụ có giá trị dưới 10 triệu đồng. Cách làm này sẽ giúp NTD hạn chế được tâm lý e ngại, mạnh dạn, chủ động hơn trong bảo vệ quyền lợi của mình.

Một nội dung khác thu hút sự quan tâm đặc biệt của các thành viên Ủy ban TVQH tại phiên thảo luận là quy định những vụ án bảo vệ quyền lợi NTD do tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD khởi kiện hay bản thân NTD tự khởi kiện đều phải tự chi trả các chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng quy định như vậy là vô lý, vì theo ông Lưu, pháp luật hiện hành quy định ai thua kiện người đó phải chịu án phí. Tuy nhiên, ông lại tán thành với quy định của dự Luật là NTD và tổ chức bảo vệ NTD tham gia vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD được miễn tạm ứng án phí, lệ phí tại tòa án.

Về quy định NTD và tổ chức bảo vệ NTD không phải đưa ra chứng cứ để chứng minh sản phẩm có lỗi mà nghĩa vụ chứng minh sản phẩm có lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân kinh doanh, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, quy định như vậy là không phù hợp với Bộ luật Dân sự hiện hành vì nếu là tranh chấp dân sự thì cả hai bên, NTD và DN đều phải có trách nhiệm chứng minh sản phẩm có lỗi khi tranh chấp. 

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.