Bẫy của giới đầu cơ

27/03/2010 02:45 GMT+7

Thị trường đang có những uẩn khúc mà nếu không giải mã, sẽ có những nhà đầu tư (NĐT) bị sập bẫy mà không hiểu lý do vì sao.

Sự sụt giảm khó hiểu

Đang hồ hởi tăng giá bởi thông tin chia cổ phiếu thưởng, chia cổ tức, phát hành thêm... trước mùa đại hội cổ đông, chứng khoán đột nhiên quay đầu giảm liên tục. Không khí trên các sàn giao dịch trở nên nặng nề khi các NĐT truyền tai nhau khả năng lãi suất cơ bản sẽ tăng 0,5% trong tháng 4 tới. Ngân hàng HSBC "bồi" thêm một đòn khá mạnh khi dự báo lãi suất cơ bản sẽ tăng gấp đôi mức này, lên tới 1%... Và chứng khoán liên tục sụt giảm, NĐT hối hả xả hàng vì sợ chậm chân... Chiều ngày 25.3, Ngân hàng Nhà nước chính thức lên tiếng về việc giữ nguyên lãi suất cơ bản 8% trong tháng 4 này. "Câu chuyện lãi suất" đã được hóa giải nhưng thị trường vẫn không thoát lên được dù có tăng nhẹ.

Trên thực tế, việc tăng lãi suất cơ bản không mấy ảnh hưởng đến thị trường. Căn nguyên của nỗi sợ hãi này là tăng lãi suất cơ bản sẽ dẫn đến tăng chi phí vay vốn của doanh nghiệp niêm yết, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh. Nặng hơn là doanh nghiệp sẽ không dám vay vốn để triển khai dự án vì lãi suất cao hơn mức sinh lời từ hoạt động kinh doanh...

Có thể nói, nỗi lo này là thừa vì lãi suất vay trung và dài hạn đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thỏa thuận nên mức lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện nay cũng lên tới 15 - 18%... Thậm chí, ngay cả trước khi được phép thỏa thuận lãi suất trung, dài hạn thì việc cộng thêm các loại phí, lãi suất cho vay thực tế ở các ngân hàng cũng đã lên tới mức 15 - 18%. Vì vậy, dù không tăng thì lãi suất cơ bản hiện nay cũng đã cao hơn mức 8%. Thế nên, nỗi lo sợ của NĐT về lãi suất cơ bản là hoàn toàn vô căn cớ vì thực tế thị trường đã áp dụng mức lãi suất này trong cả tháng qua.

Bỏ quên thông tin tốt

Trong khi rất dễ hoảng hốt vì những điều không thực tế như câu chuyện lãi suất kể trên, thì NĐT lại "bỏ quên" hàng loạt các thông tin tích cực khác. Nếu xét về các yếu tố nền tảng, tháng 3 năm nay là thời điểm thị trường tích lũy rất nhiều thông tin tốt. Đầu tiên, áp lực về lạm phát (CPI), nỗi lo lớn nhất của năm đã không còn nặng như tháng trước vì thời điểm công bố tăng giá điện, giá xăng, giá nước... đã qua. CPI tháng 3 đã được kiểm soát dưới 1%, nghĩa là áp lực về lạm phát cũng đã giảm mạnh.

Cuối tháng 3 là thời điểm các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 1, theo thống kê chưa đầy đủ thì rất nhiều các doanh nghiệp niêm yết đã khởi động rất tốt về lợi nhuận đạt được trong quý đầu tiên năm. Việc Bộ Tài chính cho phép giao dịch ký quỹ và rút ngắn thời gian thanh toán bù trừ từ T+4 xuống T+2, giúp NĐT quay vòng dòng tiền nhiều lần, thanh khoản sẽ được cải thiện... Còn nhớ thời điểm giữa và cuối tháng 3 năm trước, chứng khoán sôi động với thông tin ngày 31.3 các quỹ đầu tư sẽ "đẩy" thị trường lên để chốt NAV (giá trị tài sản ròng). Tuy nhiên năm nay, thông tin này cũng bị "lờ" đi...

Điều gì đang thực sự xảy ra? Tại sao bất chấp những thông tin tốt, thị trường lại rối ren vì các tin đồn, lao dốc bởi sự hoang mang vô căn cứ...?

Theo ông Lê Đạt Chí, chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, thị trường đang bị ghìm xuống bởi bàn tay của giới đầu cơ. Các thông tin bất lợi đang được tung ra, các thông tin tích cực bị ém đi với mục đích "ghìm" chứng khoán xuống. Khi giá cổ phiếu đã xuống tới ngưỡng kỳ vọng, giới đầu cơ sẽ gom hàng. Đến thời điểm "rộ" mùa công bố báo cáo tài chính, các thông tin tích cực sẽ được tung ra, chứng khoán tăng trưởng, họ hốt bạc. Phương pháp không mới nhưng vẫn hết sức hiệu nghiệm do tâm lý của nhiều NĐT quá yếu, dễ bị tác động và họ chính là đối tượng bị "làm thịt" đầu tiên trong phi vụ này.

Theo dự báo, tuần sau chứng khoán sẽ tăng trở lại vì tâm lý NĐT về việc tăng lãi suất cơ bản đã được giải tỏa. Thứ hai tuần tới cũng là ngày cuối tháng 3, thời điểm các quỹ đầu tư chốt NAV nên khả năng thị trường được đẩy lên để làm đẹp báo cáo đã được tung ra từ phiên giao dịch cuối cùng của tuần này... Nếu kịch bản xảy ra đúng như vậy, những NĐT đổ xô bán chứng khoán trong các phiên giao dịch vừa qua đã chính thức bị sập bẫy.

Tâm lý số đông, việc "thẩm thấu" thông tin thiếu phân tích... là những nhược điểm của nhiều NĐT cá nhân mà giới đầu cơ chuyên nghiệp tận dụng tối đa để thao túng thị trường theo ý đồ riêng của mình.

Nguyên Hằng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.