Bất ổn tiêu thụ nông sản: Bấp bênh thị trường xuất khẩu

27/03/2010 03:01 GMT+7

Đa số nông sản VN là để xuất khẩu. Chính vì vậy, khi thị trường nước ngoài không ổn định, nông dân trong nước lập tức gặp khó khăn.

Lúa gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN nhưng cũng gặp không ít khó khăn về thị trường. Trong khi đó, "số phận" của các nông sản khác càng lận đận hơn. Đơn cử như với thanh long. Tại Bình Thuận hiện có gần 12.000 ha thanh long với sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 220.000 tấn. 70% số này là xuất khẩu, trong đó xuất chính ngạch đi các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu u, Bắc Mỹ chỉ khoảng 30.000 tấn. Số còn lại được xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường bộ, chủ yếu giao hàng qua cửa khẩu Tân Thanh. Vì vậy, mỗi khi Trung Quốc “trở chứng” thì trái thanh long rớt giá khủng khiếp. Thị trường Đài Loan chiếm thị phần khá lớn đối với trái thanh long của VN, nhưng từ tháng 3.2009 đến nay vẫn tạm ngừng nhập thanh long với lý do được đưa ra là chưa xử lý dứt điểm ruồi đục quả...

Làm thế nào điều tiết giá?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng, để giải quyết tình trạng bị động về thị trường xuất khẩu, làm chủ giá nông sản, cách tốt nhất là dự trữ, canh giá lên. Giá trên thị trường thế giới phục thuộc vào hai yếu tố cung và cầu. Cầu thì có thể dự báo, nhưng cung rất khó. Chẳng hạn giá cà phê VN phụ thuộc vào việc trúng mùa hay mất mùa của cà phê Brazil. Họ mà mất mùa, cà phê VN sẽ trúng giá, còn không ngược lại. Trong trường hợp cung, cầu dự báo được, thì lại không dự báo được giá. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể giải quyết vấn đề bằng cách khác biệt hóa giống cây trồng.

Tiến sĩ Ngô Văn Hải đề xuất: "Để có thể thu hút và định hướng cho các doanh nghiệp trong nước kinh doanh nông sản trên thị trường nội địa, cần tập trung các giải pháp về quy hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ; tăng cường chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách hỗ trợ vốn và miễn giảm thuế, áp dụng các giải pháp về xúc tiến thương mại, tuyên truyền quảng bá và tôn vinh các doanh nghiệp gắn bó với hoạt động kinh doanh nông sản trên thị trường nội địa".

Để làm được điều này, chính phủ phải tham gia điều tiết giá nông sản. Nếu giá trên thị trường thế giới quá thấp thì cho doanh nghiệp vay vốn để dự trữ, không xuất đi. Về phía nông dân cũng phải biết điều tiết chứ không thể tái diễn cảnh trúng giá vỗ tay, rớt giá la làng. Một trong những phản ứng nguy hiểm của nông dân trong nước là phá bỏ vườn cây nếu mất giá. Cung giảm, giá sẽ tăng. Khi đó muốn trồng lại cũng không kịp.

Tiến sĩ Ngãi nhận xét: “Nhiều mặt hàng nông sản VN xuất thô, mang lại giá trị gia tăng rất thấp. Đáng tiếc là trong đó có cả mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của ta như mủ cao su. Cao su VN trồng nhưng Trung Quốc hưởng. VN xuất khẩu mủ cao su qua Trung Quốc, đa số bằng đường tiểu ngạch; các nhà máy của Trung Quốc sẽ chế biến, sản xuất vỏ ruột xe để xuất khẩu vào thị trường thế giới. Do đó, phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến. Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”.

Theo một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM, đối với hàng nông sản xuất khẩu, giá cả phụ thuộc vào thị trường thế giới, tỷ giá hối đoái và chính sách xuất khẩu. Vì vậy, Nhà nước cần xúc tiến mạnh hơn nữa mạng lưới thông tin thị trường đến với nông dân. Đẩy mạnh chế biến nông sản nhằm tiêu thụ nông sản tươi để sản xuất ra những sản phẩm có thể dự trữ và tiêu thụ trong thời gian dài. Điều tiết chính sách vĩ mô hết sức thận trọng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp như vấn đề tỷ giá hối đoái, kiểm soát lạm phát... những yếu tố có tác động đến giá cả nông sản. Bên cạnh đó, cần phát triển hợp đồng và bảo hiểm nông nghiệp nhằm hạn chế rủi ro cho nông dân. Ngoài ra, nên giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất.

Quay về nội địa

Ngoài việc xuất khẩu, thị trường nội địa là giải pháp hữu hiệu cho các mặt hàng nông sản hiện nay. Trên thực tế, hiện nay VN xuất khẩu đến 95% sản lượng hạt tiêu hằng năm, tiêu thụ tại thị trường nội địa chỉ khoảng 5%. Cà phê xuất khẩu cũng chiếm đến 90-95% tổng sản lượng trong nước. Sản xuất và chế biến hạt điều cũng chủ yếu để xuất khẩu, tiêu dùng nội địa chỉ khoảng 5%. Với sản phẩm chè, 2/3 sản phẩm chế biến tiêu thụ qua xuất khẩu.

Theo tiến sĩ Ngô Văn Hải (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), trong những năm 1980-1990, nền kinh tế của VN còn khó khăn, do vậy mục tiêu quan trọng lúc này là tạo nguồn ngoại tệ, Do đó suốt thời gian dài vừa qua, nền kinh tế tìm mọi nguồn hàng hóa dành cho xuất khẩu, thị trường trong nước còn bị bỏ ngỏ chưa được quan tâm. Đến thời điểm hiện nay, giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua, nguồn thu ngoại tệ không phải là mục tiêu tiên quyết, mặt khác thu nhập của một số tầng lớp dân cư đã được tăng lên, nhu cầu phải cải thiện mức sống của người dân trong nước. Như vậy đã đến lúc khi tổ chức tiêu thụ nông sản hàng hóa, các bên liên quan sẽ phải cân nhắc: xuất khẩu hay tiêu thụ tại thị trường trong nước khi có nhu cầu? Với dân số hiện tại trên 86 triệu dân chưa kể hàng triệu du khách vãng lai, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, nông sản rất lớn.

Mặt khác, chính sách của Nhà nước hiện nay đang khuyến khích lưu thông tiêu thụ nông sản hàng hóa trong nước thì được miễn thuế, đồng thời kinh doanh tiêu thụ nông sản ngay trong nước thì không bị các khoản thuế xuất nhập khẩu, bảo hiểm, chi phí thuê kho... Đây là lợi thế lớn nhất của DN trong nước ngay trên thị trường nội địa.

Quang Thuần - N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.