Xôn xao chợ cá

16/03/2010 14:48 GMT+7

Một...h...ai...i..., ba! Luồng âm thanh mạnh mẽ, đanh chắc... phát ra từ những lồng ngực căng phồng, cuồn cuộn - khắc ứng, hầm cá bật mở! Mười mấy người đàn ông đánh trần với cuộn dây tời suốt mấy giờ đồng hồ mới chuyển hết cá từ thuyền lên bến.

Mùi biển thấm đẫm sương đêm lẫn mồ hôi ngư phủ. Tiếng cười rộ lên, ai đó hô giòn: "Hăm hai tấn!". Thuyền trưởng Phạm Minh Hải mừng rơn: "Chuyến biển đi giữa 2 năm bình yên, may mắn... Rằm tháng giêng, làng biển vui hơn tết!". Tôi nhìn thấy vô số nụ cười lấp lánh, tràn lan... Được mùa, chợ cá nôn nao và xôn xao... từ nửa đêm đến chiều tối.

Trời thương!

Ánh đèn pha vén ngược bóng đêm sau tiếng máy giòn tan của đoàn thuyền đánh cá. Mấy mươi con người nhấp nhỏm đợi chờ, tiếng nói -cười... phả hơi ấm, râm ran cầu cảng. Thuyền trưởng ung dung đưa thuyền cập sát bờ để xe tải có thể ghé đít tận... bàn cân, nhận cá. Ngay lập tức, trên bến, dưới thuyền... tấp nập “dây chuyền” bốc xếp. Nhập hải sản, người bán cũng như người mua tiết kiệm từng phút để bảo quản sản phẩm tươi nguyên khi ra chợ.

Thêm một bóng đèn chiếu thẳng xuống hầm cá, hơi lạnh bốc nghi ngút, đám ngư phủ cởi phăng áo, thay phiên nhau đánh đu quanh ròng rọc. Thuyền trưởng Phạm Minh Hải cho hay: “Chuyến này, gặp toàn là cá lớn, nhiều nhất là cá nạng, cá cờ, cá sọc dưa, cá thu... Có mấy con cá nạng nặng khoảng 5-6 tạ, phải rã thành 7-8 miếng mới đưa được xuống hầm”. Hải vừa dứt lời, tôi nhìn thấy 4 người đàn ông nín thở... gỡ móc, ì ạch khiêng lên bàn cân con cá cờ to... vật vã, rồi lại hè nhau chuyển qua xe cút kít, đẩy thật nhanh đến phía vựa cá.

Thì ra, trước khi “lên bờ”, tất thảy sản phẩm đều phải cân 2 lần - lần thứ nhất để chủ thuyền tổng kiểm tra sản phẩm, lần thứ hai là chủ vựa xác nhận số lượng mua - bán, đồng thời giao hàng trực tiếp cho xe đông lạnh chở về nhà máy. Theo lời kể của thuyền trưởng Phạm Minh Hải, chiếc thuyền đánh cá mang số hiệu KH 90235TS vừa cập cảng Hòn Rớ có công suất máy 670CV; đó là gia tài của ông Lê Văn Toàn - ngư dân phường Vĩnh Phước, TP.Nha Trang.


Xe tải ghé sát cầu cảng nhận cá. Ảnh: Bảo Chân

Suốt mấy đời “cha truyền, con nối” làm nghề đánh cá, gia đình ông Toàn tích cóp được một khoản tiền kha khá; 5 năm trước, hưởng ứng chủ trương “đánh bắt xa bờ” của ngành thủy sản địa phương, ông Toàn vay mượn thêm, đầu tư tổng cộng hơn 4,5 tỉ đồng đóng mới và mua sắm giàn nghề hiện đại. Vài năm gần đây, ông Toàn thuê nhân công rồi giao “quyền” đi biển cho thuyền trưởng Phạm Minh Hải.

Tất nhiên, việc “ăn, chia” dựa theo sản phẩm, “lời ăn, lỗ chịu” trên nguyên tắc chủ bỏ vốn, bạn góp công; sau mỗi chuyến đi biển, trừ khấu hao cộng với “đầu vào”, lãi chia làm 3 - bạn nhận 1 phần, chủ được 2. Ra khơi, “may nhờ, rủi chịu”..., mỗi chuyến biển kéo dài từ 3 tuần đến 1 tháng, chuyến nào gặp may, trúng lớn, thuyền trưởng nhận được khoảng 12-15 triệu đồng, bạn thì thấp hơn.

Thuyền trưởng Phạm Minh Hải kể: “Những người đi biển lâu năm có thể ngửi mùi nước, nhìn màu trời... đoán xem thời tiết. Chuyến biển này, chủ tàu quyết định khởi hành từ đêm 19 tháng chạp năm Kỷ Sửu. “Trời yên, biển lặng”, ra khơi xa, vừa giăng lưới, lũ tui gặp ngay đàn cá lớn. Đến tuần thứ ba, hầm cá đầy nhóc, anh em rủ nhau thu lưới, quay mũi..., cho máy nổ suốt 3 ngày đêm, đến Hòn Rớ vừa kịp Tết Nguyên tiêu!”.

Ăn tết giữa trùng khơi, nhóm bạn đi trên tàu KH 90235TS được chủ tàu chuẩn bị không thiếu thứ gì, đêm giao thừa mở radio nghe Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết chúc tết, nhớ nhà khủng khiếp... Tài công Hai Tấn hớn hở cảm ơn... trời: “Năm ngoái bão lớn, năm nay trời thương, ngay sau giao thừa, gặp đàn cá sọc dưa nhiều vô kể. Mấy chục chiếc thuyền đánh cá của ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ dàn hàng ngang... gỡ lưới, mệt nghỉ! Một số thuyền về chợ bán cá từ hôm mùng 7 đã kịp quay trở ra. Đầu năm trúng lớn, hỉ hả quá chừng...!”.

Làm ăn lớn!

Chợ cá Nam Trung Bộ được Nhà nước đầu tư xây dựng quy mô kiên cố sát bên cầu cảng Hòn Rớ. Cứ đến vụ cá Nam, tàu câu khơi lại tụ tập vào Hòn Rớ bán cá ngừ đại dương cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở Khu công nghiệp Suối Dầu. Hiện có 10 chủ vựa, chuyên thu mua, bảo quản và phân phối sản phẩm về các chợ đầu mối trong thành phố. Bà Hai - chủ vựa cá Phúc Hải - vồn vã tiếp chuyện, nhưng vẫn không ngừng tay... đếm tiền. Cũng phải thôi, cân cá xong, chủ tàu nhận tiền ngay tại bến để thanh toán cho “bạn” và kịp chuẩn bị chuyến ra khơi kế tiếp.

Tôi nhẩm tính, giá cá tại bến chỉ bằng khoảng một nửa giá bán lẻ trên thị trường - cá sọc dưa: 18.000-19.000 đồng/kg, cá cờ: 30.000 đồng/kg, cá thu: 75.000 đồng/kg. Từ nửa đêm đến gà gáy, tổng cộng 7 chiếc tàu lớn cập cảng Hòn Rớ, bình quân mỗi tàu bán khoảng 20 tấn cá, thu về không dưới 300 triệu đồng. “Tiền tươi, thóc thật”, rằm tháng giêng năm nay làng biển ở miền Trung vui hơn tết.

Chủ vựa cá Phúc Hải cho biết: “Mỗi chủ vựa có khoảng 20-30 đầu mối. Cá được phân thành 3 loại ngay trên bàn cân, toàn bộ cá lớn nguyên con, đảm bảo chất lượng được chuyển lên xe đưa vào nhà máy chế biến hàng xuất khẩu, loại 2 điều chuyển về kho lạnh của chủ vựa để dự trữ trong vòng 2-3 ngày, loại nhỏ hơn và không nguyên con thì bán bán sỉ ngay tại chỗ cho bạn hàng.


Làm cá giữa chợ. Ảnh: Bảo Chân

Bán cá tại Hòn Rớ, chủ tàu ung dung cân cá, đếm tiền; không sợ rổi hôi (người đi mót cá - TG) cướp giật, không bị quịt nợ và tuyệt đối không có chuyện ngâm tẩm hoá chất. Đón cá về chợ, chủ vựa phải trải thảm...  nhựa và tổng vệ sinh hằng ngày. Ban quản lý chợ cá Nam Trung Bộ làm việc 24/24h, phát hiện người lạ hay chuyện lạ... liền kiểm tra, ngăn chặn hoặc xử phạt rất nghiêm khắc. Làm ăn lớn, chủ thuyền cũng như chủ vựa không chỉ giữ “nồi cơm”, mà còn “nuôi” chữ tín!”.

Vâng, theo lời kể của các chủ tàu chuyên làm nghề câu khơi thì vào Hòn Rớ bán cá ngừ đại dương “được giá” mà không bị “làm giá”, hơn nữa các dịch vụ phụ trợ khá đầy đủ. Thuyền câu của ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận... đánh bắt tại ngư trường xung quanh quần đảo Trường Sa, về đây bán cá, chỉ trong 1 đêm neo tàu tại cảng, mua thêm xăng dầu, lương thực, thực phẩm... rồi tiếp tục hành trình xa khơi.

Hòn Rớ là đầu mối hình thành “đường dây” dịch vụ hậu cần, nhiều thương lái chuyên vận chuyển nguyên liệu, nước ngọt, gạo, muối, rau tươi... đưa ra biển tiếp tế cho ngư phủ, đồng thời thu gom hải sản vận chuyển vào bờ. Chính vụ, tàu đánh cá cắm chốt giữa đại dương hàng tháng trời, ở trên bờ đại diện của chủ tàu chỉ cần đối chiếu sản lượng thu mua của chủ vựa rồi nhận tiền đến từng nhà trả công cho bạn. Vậy nên, sau rằm tháng giêng, chợ cá Nam Trung Bộ tấp nập tàu thuyền vào, ra...

Dạo một vòng khoảng hơn cây số mới bao quát hết chợ cá, ông Võ Hồng Hà - PGĐ BQL cảng Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung Bộ - phấn chấn giới thiệu: “Khuôn viên chợ và cảng cá rộng khoảng 25.000 m2, tổng số vốn đầu tư trên 26 tỉ đồng, huy động từ nguồn vốn Chương trình biển Đông và kinh phí sự nghiệp ngành thủy sản.

Chính thức hoạt động từ năm 2003, đây là mô hình kết nối hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá tuyến biển, đảo và ven bờ. Riêng chợ cá gồm 3 tòa nhà 2 tầng khang trang, kiên cố; cầu cảng dài hơn 200m, có thể đón một lúc gần 100 tàu cá lớn, nhỏ... cập sát bờ. Mùa bão, vùng vịnh kín gió và rộng lớn này là nơi trú ngụ bình yên của hàng ngàn ngư dân trên đường đi biển”.

Vâng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cùng lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần thị sát tại đây và tận mắt nhìn thấy cả ngàn chiếc thuyền đánh cá vào Hòn Rớ tránh bão an toàn. Theo lời PGĐ Võ Hồng Hà, để Hòn Rớ thực sự xứng tầm là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ, Ban quản lý cảng và chợ cá đặc biệt chú trọng bảo vệ hành lang an toàn cho chủ tàu cũng như thương lái; mọi thành viên đăng ký vào Hòn Rớ đều cam kết thực hiện các quy định chống gian lận thương mại và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

* * *

Gà gáy ran bên kia làng muối, phía đàng đông, mặt trời vẫn ngủ yên sau màn mây loang loáng. Tàu KH 90235TS của thuyền trưởng Phạm Minh Hải đã “thu quân”, bến cảng đông hơn bởi cánh xe thồ bắt đầu “ra chợ”. Dưới bến lại có thêm 3 chiếc tàu mới cập bờ. Đội bốc vác tha hồ phát huy hết... “công suất”. Nghe nói, đoàn thuyền câu khơi vừa đi qua Trường Sa, vài ngày tới cá ngừ đại dương sẽ về đến Hòn Rớ. Thật dễ chịu, không khí như lắng dịu dưới ánh sáng đèn huỳnh quang, duy cái nhìn của mọi người vẫn nao nức, háo hức... mỗi khi chạm bàn cân đầy ắp cá.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.