Hợp thức hóa nhà xây không phép

04/03/2010 01:01 GMT+7

TP.HCM đang khẩn trương hoàn chỉnh văn bản hướng dẫn các quận, huyện thực hiện việc hợp thức hóa nhà ở xây dựng không phép, sai phép.

Thời điểm phê duyệt quy hoạch

Dự thảo văn bản hướng dẫn do Sở Xây dựng soạn thảo nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà ở xây dựng không phép, sai phép, căn cứ vào các quy định của Nghị định 23 của Chính phủ, Thông tư 24 (Bộ Xây dựng) và Công văn 7136 ngày 17.11.2008 của UBND TP.HCM.

Theo dự thảo, nhà ở hoặc công trình xây dựng riêng lẻ không phép, sai phép trước ngày 1.5.2009 đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm xây dựng nhưng chưa thực hiện dứt điểm thì nay được xem xét cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ (hoặc một phần) diện tích phù hợp quy hoạch, phần diện tích không phù hợp quy hoạch sẽ được xử lý theo quy định tại điều 15 của Thông tư 24. Riêng các trường hợp xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1.5.2009, cơ quan có thẩm quyền chỉ xem xét cấp giấy chứng nhận đối với phần diện tích đúng giấy phép xây dựng sau khi chủ đầu tư đã tự phá dỡ phần công trình vi phạm và thực hiện việc xử lý theo quy định.

Điều 15 của Thông tư 24 quy định: “Nếu công trình xây dựng vi phạm nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư ổn định mà xây dựng sai phép về số tầng, về diện tích xây dựng nhưng không ảnh hưởng đến công trình lân cận thì cho phép chủ đầu tư được giữ nguyên công trình xây dựng với điều kiện khi thực hiện quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai phép mà không được bồi thường. Nếu công trình xây dựng vi phạm không nằm trong khu quy hoạch xây dựng khu dân cư, nhưng quy hoạch xây dựng khu vực này cũng chưa thực hiện ngay thì yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết tự phá dỡ và không được bồi thường khi thực hiện quy hoạch xây dựng khu vực này...”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Q.Tân Phú - cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là ở chỗ thời điểm phê duyệt quy hoạch, bởi căn cứ để cấp giấy chủ quyền nhà đất cho các trường hợp xây dựng không phép, sai phép đều yêu cầu là phải phù hợp quy hoạch. “Theo tôi, văn bản hướng dẫn cần phải đưa ra thật rõ ràng vấn đề nên cấp chủ quyền cho nhà xây dựng không phép, sai phép trước và sau thời điểm phê duyệt quy hoạch như thế nào. Chẳng hạn, nhà xây dựng trước ngày 1.5.2009 nhưng sau thời điểm phê duyệt quy hoạch 1/2000 của khu vực đó thì sẽ xử lý như thế nào. Hoặc nhà xây dựng không phép, sai phép trước thời điểm phê duyệt quy hoạch thì giải quyết ra sao”, bà Khuê nói.

Một cán bộ lãnh đạo Q.12 đặt vấn đề: Hiện có nhiều trường hợp nhà ở xây dựng không phép, sai phép trong diện không phù hợp quy hoạch 1/2000 trước đây (các đồ án quy hoạch cũ) nay chưa được điều chỉnh, nhưng có thể sau này phù hợp quy hoạch khi đồ án đó đã điều chỉnh xong và được cấp thẩm quyền phê duyệt thì sẽ xử lý ra sao? Đây cũng là băn khoăn của nhiều người bởi trên địa bàn TP.HCM quy hoạch chi tiết 1/2000 vẫn mới chỉ phủ kín được 50-60%. “Tôi cho rằng phải tính toán sao cho hợp lý vấn đề này, bởi có nhiều đồ án đang được thẩm định và chưa phê duyệt, nhưng nhiều căn nhà có thể phù hợp quy hoạch sau khi phê duyệt xong quy hoạch 1/2000. Nếu xử lý mạnh với các trường hợp này thì sẽ rất thiệt thòi cho người dân. Vì vậy, theo tôi văn bản hướng dẫn nên tạo một cơ chế mở cho các quận, huyện có thể vận dụng linh hoạt để cấp giấy chủ quyền cho người dân. Chẳng hạn, nếu căn cứ vào đồ án quy hoạch 1/2000, dù chưa được phê duyệt nhưng ở giai đoạn đã thẩm định xong nhiệm vụ quy hoạch, căn nhà đó là hoàn toàn phù hợp quy hoạch thì có thể cấp giấy chủ quyền”, vị cán bộ lãnh đạo Q.12 nói.

Ông Nguyễn Hồng Lam - Phó phòng TN-MT Q.8 - khẳng định: “Cần nhất là phải áp dụng linh hoạt trong những trường hợp vướng mắc. Nếu thấy có thể áp dụng điều khoản nào có lợi cho dân thì thực hiện theo điều khoản đó, bởi hiện nay các bộ luật vẫn chưa đồng bộ, thống nhất với nhau”. Ông Lam lấy ví dụ, với căn nhà được xây dựng trên đất không phù hợp quy hoạch vào thời điểm năm 2005, theo Nghị định 181 (có hiệu lực từ 1.7.2004) thì căn nhà đó không được cấp giấy chủ quyền nhưng nếu căn cứ theo Luật Nhà ở (có hiệu lực từ 1.7.2006) thì hoàn toàn có thể cấp giấy chủ quyền. Trong trường hợp này, cần phải vận dụng Luật Nhà ở để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Dân phạm luật vì quy hoạch “treo”

Ông Phạm Ngọc Liên - Giám đốc Trung tâm Thông tin TN-MT và đăng ký nhà đất - cho biết: “Văn bản hướng dẫn sắp tới sẽ do liên Sở TN-MT và Xây dựng ký ban hành. Chúng tôi sẽ có nhiều buổi làm việc để có một văn bản hướng dẫn thật chi tiết, đề cập đến nhiều dạng nhà xây dựng không phép, sai phép để các quận, huyện dễ dàng áp dụng”. Cũng theo ông Liên, để cấp giấy chủ quyền cho nhà ở không phép, sai phép theo tinh thần của Nghị định 23 và Thông tư 24, cơ chế phối hợp giữa Phòng TN-MT với Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) các quận, huyện phải rất chặt chẽ, bởi theo Nghị định 88, bắt đầu từ 10.12.2009, việc cấp chủ quyền nhà đất theo mẫu giấy mới được giao cho ngành TN-MT, nhưng về quản lý xây dựng lại do ngành QLĐT phụ trách. Với những căn nhà xây dựng vi phạm, khi cấp giấy chủ quyền nếu có vướng mắc mà không hỏi ý kiến của cơ quan cấp giấy phép xây dựng thì sẽ rất rắc rối về sau.

Hành trình hợp thức hóa

* Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg ngày 28.2.2005 hướng dẫn thi hành điều 121 của Luật Xây dựng quy định các trường hợp nhà ở, công trình xây dựng không phép, sai phép trước ngày 1.7.2004 mà hiện nay phù hợp quy hoạch, kiến trúc thì được xem xét cấp giấy chủ quyền cho toàn bộ (hoặc một phần) diện tích phù hợp quy hoạch và kiến trúc đó.

* Căn cứ vào Quyết định 39, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 207 cho phép tồn tại nhà ở vi phạm xây dựng và cấp chủ quyền cho hàng ngàn căn nhà vi phạm xây dựng. Sau đó, nội dung của Quyết định 207 được “lồng” vào Quyết định 54 do UBND TP ban hành (về việc cấp giấy chủ quyền nhà đất trên địa bàn TP) để khi cấp giấy chủ quyền, các quận, huyện sẽ xem xét luôn vấn đề vi phạm xây dựng và quyết định cấp giấy chủ quyền cho các căn nhà vi phạm xây dựng trên địa bàn các quận huyện.

* Nghị định 23 và Thông tư 24 giải quyết vấn đề nhà ở xây dựng không phép, sai phép từ ngày 1.7.2004 đến trước ngày 1.5.2009 quy định như trong bài viết đã nêu. Với nhiều lần ban hành các văn bản chính sách đối với nhà ở xây dựng không phép, sai phép từ năm 2005 đến nay, chỉ riêng TP.HCM đã hợp thức hóa cho hàng chục ngàn căn nhà xây dựng không phép, sai phép.

Về câu hỏi tại sao không có một phương thức nào để hạn chế việc xây dựng không phép, sai phép mà phải cứ “chạy” theo hợp thức hóa chủ quyền nhà đất hết đợt này đến đợt khác, một vị lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết: “Muốn hạn chế vấn đề xây dựng không phép, sai phép, có hai nội dung cần phải thúc đẩy nhanh, đó là công tác lập và phê duyệt quy hoạch phải xúc tiến nhanh hơn nữa, đồng thời hoạt động cải cách thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép xây dựng phải được cải tiến mạnh. Làm được hai việc đó, sẽ tạo điều kiện cho người dân thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm công dân, hạn chế được vi phạm trong lĩnh vực xây dựng”.

Lãnh đạo ở một quận ven cũng thừa nhận công tác lập và phê duyệt quy hoạch còn quá chậm, khiến cho người dân không thể ngồi chờ quy hoạch khi nhu cầu về nhà ở ngày càng thúc bách. “Vụ hơn 1.000 căn nhà xây dựng không phép, sai phép trên đất dự án Ga đường sắt ở P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) trong mấy năm qua là một ví dụ rõ ràng nhất trong công tác quy hoạch. Do quy hoạch “treo” quá lâu, kéo dài đến 9-10 năm nên người dân đành phải vi phạm để có nhà ở, mặc dù họ vẫn biết rõ rằng như vậy là phạm luật”.

Với văn bản hướng dẫn sẽ được ban hành sắp tới, tại TP.HCM sẽ có một số lượng lớn nhà được hợp thức hóa trong tổng số gần 50 ngàn căn xây dựng không phép, sai phép từ 1.7.2004 đến 31.12.2008. Trong số này, có rất nhiều trường hợp vẫn đang chờ quy hoạch chi tiết 1/2000 để biết căn nhà của mình có phù hợp quy hoạch hay không. Và điều mà người dân mong ngóng rốt cuộc vẫn là các đồ án quy hoạch được các cấp thẩm quyền phê duyệt.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.