Phá bỏ cơ chế xin - cho tinh thần

26/02/2010 11:11 GMT+7

Tôi 20 tuổi, trong chuyện vợ chồng tôi hoàn toàn phụ thuộc ý muốn của ông xã, còn bản thân không tài nào mở lời “yêu cầu” khi có nhu cầu. Việc này làm tôi rất bức bối. Tôi có “hiền lành” quá không? Xin bác sĩ lời khuyên? Ng.Thu (Cần Thơ)

- Không có hay dở trong chuyện này, vấn đề “giao tế” cung - cầu trong chăn gối có thể làm khó bất kỳ ai. Cái khó đầu tiên là ngôn từ, nhưng then chốt ở chỗ dù văn hay chữ tốt thế nào thì các bà các cô thường ngại bị cho là “đam mê sắc dục” dưới mắt chồng. Điều này cũng giải thích vì sao lòng sung cũng như lòng vả, chỉ cần nháy mắt là đủ hiểu lòng nhau, nhưng nhiều quý bà quý cô vẫn không tài nào “nhá máy” cho chồng hiểu.

Đã rõ chuyện khó này không khó vì thiếu phương tiện mà khó vì không chọn được cho mình một thái độ. Vì vậy nên mạnh dạn phá bỏ cơ chế xin - cho tinh thần nếu các cô muốn thoát cảnh ngồi chờ ngân sách từ trên rót xuống. Tin vui cho những quý cô rụt rè là lắm khi sự “dâng trào” của phụ nữ lại được các ông đánh giá cao.

Việc các bà các cô là người ra tay trước còn là cách làm mới chăn gối lợi hại. Cái sướng được người sử dụng lao động đánh giá đúng tài năng luôn là nguồn kích thích sáng tạo của mọi nhân tài.

Ở đây còn một vấn đề liên quan cần giải quyết. Với những ông chồng lười, quên trách nhiệm hay độc đoán thì “hạnh phúc là đấu tranh” của các bà các cô vô cùng cần thiết. Ngược lại, nếu mọi việc xuất phát từ sự chênh lệch nhu cầu quá lớn thì cách đề đạt của người nâng khăn sửa túi cần khéo léo, thông minh hơn; bằng không rất dễ dẫn các ông đến những suy nghĩ tiêu cực về chăn gối...

Tóm lại trong việc lên tiếng đòi quyền lợi này không có phụ nữ dở, chỉ có phụ nữ thiếu dũng cảm mà thôi.

Theo BS Đỗ Minh Tuấn / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.