Đào rừng xuống phố sớm

31/01/2010 23:42 GMT+7

Mọi năm, muốn ngắm và mua đào rừng, người Hà Nội phải chờ đến qua ngày ông Táo về trời. Nhưng năm nay, chưa tới rằm tháng Chạp, trên nhiều tuyến phố đã ấm sắc hồng phai của loại đào này.

Đào núi, đào rừng vẫn được người chơi hoa gọi là đào đá. Đây là loại đào sống trong vùng núi đá cao, là đào ăn quả, kích thước khá lớn, có cây hàng trăm năm tuổi nên được người chơi đào khá chuộng. Vì sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phải vươn lên để sinh tồn nên đào rừng có sức sống rất khỏe, lại có những cành đào tạo thành dáng, thế khá đẹp mắt. Thậm chí, có những cây đã hàng trăm năm tuổi, thân xù xì, bám đầy rêu mốc mà người dân vẫn gọi là “lộc”. Hoa của đào rừng có màu phớt hồng pha trắng nhạt, nhìn lạ mắt. Hơn nữa, so với đào thường, hoa của đào rừng lâu tàn hơn và khó rụng, nên có thể chơi lâu.

Năm nay, đào rừng về Hà Nội khá sớm. Đường Hoàng Minh Giám là điểm hẹn quen thuộc của người thủ đô với đào rừng. Ghé thăm vườn đào rừng hơn 20 gốc của anh Nguyễn Anh Tuấn (Sapa - Lào Cai), một người đã nhiều năm mang đào xuống Hà Nội bán, chúng tôi được anh cho biết: “Năm ngoái bán chạy quá! Mới qua 25 Tết đã “cháy” đào rừng nên năm nay chúng tôi quyết định xuống Hà Nội sớm”. Có mặt tại đây từ ngày 13 âm lịch, hơn 20 cành đào được anh cẩn thận trồng trên vỉa hè trong những bịch ni lông. Theo anh, cành đào sau khi chặt xuống phải được ngâm vào nước cho khỏi héo. Chỉ vào một cành đào to, anh nói: “Nếu cứ ngâm gốc vào nước thế này, có thể giữ tươi trong 3- 4 tháng”.

Không chỉ xuất hiện sớm, năm nay đào rừng có giá đắt hơn gấp rưỡi, gấp đôi năm ngoái. Theo những người lái đào, nguyên nhân giá tăng là do năm nay, thay vì chỉ có một thị trường là Hà Nội, đào rừng đã chiếm được thị hiếu của người dân Hải Phòng, miền Nam. Do đó, giá đào rừng mua tại gốc đã cao, cộng chi phí vận chuyển, xuống đến Hà Nội, giá cũng cao hơn là điều dễ hiểu. “Mang xuống Hải Phòng và miền Nam đào rừng được giá gấp đôi, gấp ba mang xuống đây”, anh Bùi Mạnh Hường, người bán đào rừng ở đường Cầu Giấy, chia sẻ. Nguồn cung ứng đào rừng ngày càng ít đi, trong khi nhu cầu chơi đào rừng lại tăng cao không ngừng, không dễ để tìm được một cành đào toàn bích. Đây cũng là lý do, giá đào cao hơn nhiều so với các năm trước.

Năm nay, anh Hường mang về Hà Nội 37 cành đào. Đào của anh là đào Yên Bái, dù không được đánh giá cao như đào ở các vùng Sapa (Lào Cai) hay Mộc Châu (Sơn La), nhưng vì chọn được những cành dáng đẹp, lại thêm rêu mốc bám đầy trên những thân cây đào hàng trăm năm tuổi nên rất đắt hàng. Chỉ hai ngày mang đào về phố, anh Hường cho biết đã bán được 5- 6 cành. “Giá cũng không rẻ tí nào. Ít thì 300.000- 500.000 đồng/cành, còn nhiều thì có khi lên đến 10 triệu đồng”, anh Bùi Quang Tuấn, em trai anh Hường, tiết lộ. Cũng theo anh Tuấn, khách hàng quen thuộc của những rừng đào giữa phố thường là các công ty, doanh nghiệp.

Chia sẻ kinh nghiệm chọn đào rừng đẹp, anh Tuấn tiết lộ: nên chọn những cây xù xì gân guốc, nhiều rêu mốc vì đó là những cây đào nhiều tuổi, hoa sẽ lâu tàn, có thể giữ được 15 - 20 ngày. “Ngoài ra, nếu như cành đào có đủ các yếu tố dáng đẹp, có nụ, hoa, lộc, chồi và quả thì càng tốt. Thế đào đẹp thường là thế Tình anh em, Phụ tử, Quần tụ gia đình...Vì theo một số người, cành đào như vậy mang nhiều “lộc” cho gia chủ”, anh Tuấn nói.

Lê Hồng Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.