“Thiên đường nhiếp ảnh” Hà Giang

26/01/2010 09:54 GMT+7

(TNTT>) Núi đá, sông suối, hoa đào, hoa cải… và những phiên chợ mùa xuân rực rỡ sắc màu là sức hút diệu kỳ của cao nguyên đá Hà Giang đối với các nhà nhiếp ảnh từ Nam ra Bắc…

Ra ngõ gặp nhiếp ảnh gia

Buổi tối đầu tiên đến Đồng Văn, tôi tới quán ăn cô Lan Béo như thường lệ. Mới đầu tuần, quán vắng, thấy một người đang ngồi ăn trông rất quen. Hóa ra là Hoàng Thế Nhiệm. Anh đã ở đây từ vài ngày và sẽ còn ở lại cả tuần nữa. Nhiếp ảnh gia này đi xe máy từ Hà Nội lên và theo anh thì “cứ sáng sớm hoặc chiều muộn là mình chụp”. Còn khi trời nắng đẹp, Hoàng Thế Nhiệm… ở nhà.

Sáng sớm, trời đầy sương mù, đã thấy anh lượn lờ trên đèo Mã Pì Lèng. Đến sẩm tối, lại thấy anh lang thang ở Lũng Táo. Một chiếc kính lọc gì đó đen thui thường trực trong túi áo; lúc nào cũng mang theo chân, máy ảnh thường và máy hồng ngoại gắn ống kính siêu rộng - đó là công cụ hành nghề của Hoàng Thế Nhiệm.

Ở Đồng Văn đến cuối tuần, tôi gặp nhiếp ảnh gia Minh Nhật cùng ăn tối ở quán cô Lan Béo. Ông Nhật đã đến Hà Giang một số lần để chụp hình ruộng bậc thang. Nhưng đây là lần đầu tiên Minh Nhật đến cao nguyên đá Đồng Văn. Ông đi bằng ô-tô khách lên Đồng Văn và đã có hai ngày chụp ảnh ở đây. Phương tiện đi lại là một chiếc xe máy thuê tại chỗ. Hỏi ông còn ở lại chụp chợ Đồng Văn nữa không, Minh Nhật bảo: “Muốn ở lại lắm, nhưng mai phải về thôi. Hình nhiều lắm, thẻ nhớ không còn chỗ trống nữa rồi”.

Cảm hứng bất tận

Tạm biệt Minh Nhật, tôi trở ra và lại gặp người quen là nghệ sĩ nhiếp ảnh Cao Trương Vĩnh. Ông Vĩnh đi từ Hà Nội lên cùng hai người bạn trên một ô-tô Suzuki. Tội nghiệp cho các ông là vào buổi tối hôm đó, Đồng Văn đã hết sạch phòng nghỉ. “Không sao, chúng tớ sẽ ngủ trên xe, mấy hôm rồi toàn như thế!”. Ông Vĩnh vui vẻ. Nhờ ngủ ngay trên xe, các ông có thể “mai phục” ở bất cứ nơi nào mà không lệ thuộc sự đi lại. Mở máy ảnh của các ông ra, thấy một cao nguyên đá rất lộng lẫy và kỳ vĩ, bí ẩn. Dù cho đó có thể chỉ là một đóa hoa mận. Một cành đào. Hay một mái nhà. Hoặc một chiếc cổng xếp đá…

Từ chiếc máy ảnh Sony A900 và điện thoại iPhone, Hoàng Thế Nhiệm cho tôi xem ảnh của anh: Là mây. Là núi. Là những thân cây trơ trọi. Và những tảng đá mồ côi… Không một bóng người như những bức ảnh ta vẫn thấy trong các cuộc thi. Nhưng ảnh của Hoàng Thế Nhiệm là những góc ảnh đầy kỹ thuật với mây đang trôi, suối đang chảy, cây cối đang đong đưa trước gió.

Hoàng Thế Nhiệm đã đến cao nguyên đá Đồng Văn nhiều lần. Anh sắp sửa thuộc nơi này như thể Sa Pa, nơi anh bước nhẵn từng viên đá. Nhưng khác với Sa Pa, ở Hà Giang Hoàng Thế Nhiệm không chụp hoa đào, hoa mận như nhiều người. Anh chỉ chụp cây và núi để làm ra những bức ảnh không giống ai và đích đến của anh là triển lãm cá nhân và ra sách ảnh; hướng đến công chúng nước ngoài.

Với Minh Nhật, nghe nói trở về Hải Phòng ông đã chọn được vài chục tác phẩm ưng ý và phóng lớn, nói theo cách của ông là những tác phẩm “để đời”.  Trong đó đủ cả phong cảnh, hoa lá, đồng bào dân tộc lẫn bộ đội biên phòng. Nói như vậy để thấy vùng núi đá Hà Giang tuyệt vời như thế nào đối với các nghệ sĩ sáng tác.

Cao nguyên đá “thế chỗ” Sa Pa

Có vẻ như Sa Pa đã đi vào quá khứ trong phong trào sáng tác ảnh nghệ thuật. Phong cảnh Hà Giang đẹp mê hồn, từng đem lại nhiều tác phẩm có thể đoạt giải trong các cuộc thi nên giới nghệ sĩ đến Hà Giang để tìm kiếm cơ hội là một lẽ đương nhiên.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Khắc Hường, sau khi đi Hà Giang nhiều lần từ thập niên 80 - 90, khi trở về Hà Nội đã đặt tên con gái là Hà Giang để ghi nhớ một vùng đất nhiều kỷ niệm…

Tôi chợt nhớ đến quán cơm cô Lan Béo. Nó như là điểm hẹn có duyên của các nhà nhiếp ảnh. Đeo máy ảnh bước vào đây, có thể coi nhau như bạn bè.

Thế nhưng cũng ở đây, người viết bài từng chứng kiến một chuyện hài hước: Đó là vào một buổi tối, một người yêu ảnh là ông Nguyễn Văn Sửu (Hà Nội) đang tự phục vụ vì khách đông, bỗng từ ngoài cửa xuất hiện hai người cũng có vẻ là nghệ sĩ nhiếp ảnh. Một vị hất hàm “sai” ông Sửu: “Cho đoàn nhà báo Hà Nội hai suất cơm!”. Ông Sửu tròn mắt trước sự cao ngạo đó. Còn tôi thì không thể nhịn được cười.

Nếu đã đến Đồng Văn nhiều lần, ai cũng biết rằng dù là nhà báo, nhiếp ảnh gia, dân thường hay quan chức gì nữa thì vào đến quán này đều được cô Lan Béo đối xử như nhau; nghĩa là cứ ngồi đó mà chờ đến lượt!

 
1. Làm đất trồng ngô ở Phố Bảng, Đồng Văn

 
2. Đường về Lũng Pù, Mèo Vạc

 
3. Cô gái Mông ở chợ Mèo Vạc

 
4. Mùa hoa cải ở Phố Là, Đồng Văn

Kỳ Thanh, một kiến trúc sư nhưng yêu nhiếp ảnh đến cùng cực, phát biểu rằng: “Hà Giang đẹp và bí ẩn chẳng khác gì Tây Tạng. Đó chính là đệ nhất thiên đường của ảnh phong cảnh Việt Nam”.

Ngoài ra, còn có cả nghìn, cả vạn lượt khách du lịch đã đến và mê mẩn với vùng núi cao mệnh danh là cao nguyên đá Đồng Văn này.

Chỉ tiếc rằng, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, phong cảnh cao nguyên đá Đồng Văn ngày càng mai một, rõ nhất là những mái ngói âm dương nay đã và đang thay bằng những mái nhà lợp tôn lạc lõng. Những ngôi nhà trình tường ở Đồng Văn, Phố Cáo, Phố Bảng đang biến thành những ngôi nhà bê tông và làm mất dần đi vẻ u hoài, nét thâm trầm của cao nguyên đá! 

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.