Mùa tát đìa ở Tịnh Biên

18/01/2010 11:24 GMT+7

(TNTT>) Mùa này, nếu có dịp về Tịnh Biên, An Giang, đi dọc theo dòng kinh Vĩnh Tế, bạn sẽ chứng kiến cảnh bà con tát đìa vô cùng lý thú.

Nhìn cảnh bắt cá đìa náo nhiệt lòng tôi không sao quên được những ngày thời thơ ấu. Năm nào đến mùa tát đìa, bạn bè cũng rủ nhau ra đồng bắt hôi, không khí thật sôi động và vô cùng hào hứng.

Nhớ mùa đìa xưa

Ngày trước, từ các tỉnh đầu nguồn sông Hậu cho đến miệt U Minh, mỗi năm bà con khai thác cá đìa thường chỉ có một lần vào khoảng tháng chạp cho đến tháng hai âm lịch.

Quê tôi ở Long Tuyền, Cần Thơ, hằng năm khi tiết trời vừa se  lạnh, những cây so đũa bắt đầu nở trắng vườn là đầu trên xóm dưới lại vang lên tiếng quết bánh phồng và cũng là thời điểm các chủ đìa rộn ràng chuẩn bị thùng, gàu, lu, khạp để tát cá. Cá bắt được dùng làm mắm, xẻ khô, một phần biếu tặng cho bà con. Số còn lại người ta rộng để dành ăn Tết cho tới ra giêng.

Có người còn quả quyết: “Một ký cá đìa đổi ba ký cá nuôi cũng không thèm”

Trước năm 1960 đa số bà con tát đìa bằng thùng hoặc gàu dai nên phải cần đến nhiều người đứng sòng. Đặc biệt ở vùng U Minh Hạ, hầu như gia đình khá giả nào cũng có một vài khẩu đìa (miệng đìa) nên họ thay phiên nhau tát theo kiểu "đổi công" cho nhau. Sau này, đa số đều dùng máy bơm nên đỡ vất vả và ít tốn nhân công.

Mỗi lần tát đìa, các thanh niên lực lưỡng, dẻo dai thường chia nhau đứng gàu. Trung bình cứ khoảng nửa tiếng là họ đổi tay để nghỉ ngơi lấy sức. Không khí diễn ra thật khẩn trương và rôm rả khác thường.

Khi mực nước đìa đã rút khoảng 2/3 là cá bắt đầu động đậy, ngoi lên ngớp táp bùm bụp, nhất là những con cá lóc “mọc râu” thường phơi mình trườn qua trườn lại tìm cách thoát thân làm mọi người hò reo vang dội.

Ăn cơm chiều xong, mọi người tiếp tục tát cho đến gần sáng lũ cá mới bắt đầu phơi lưng. Đàn ông xắn quần nhảy xuống đìa, giăng hàng ngang không cho con nào chạy thoát, nhưng do bùn tới gối, cá chúi sâu nên không cách nào bắt cho xuể.

Trên bờ, trẻ con và phụ nữ có nhiệm vụ đốt rơm un muỗi và rọi đèn khí đá đồng thời chuyền tay nhau chuyển cá liên tục lên bờ. Ngoài cá trê, rô, lóc, sặt… còn có lươn, rắn, rùa, ốc bươu, tha hồ mà chọn. Bắt xong, mọi người phân loại và dồn cá vào bao, vào giỏ chất đầy cộ cho trâu kéo về. Những người còn lại, đa phần là trẻ con, nhảy xuống bắt hôi, bùn văng tung tóe, cãi nhau inh ỏi nhưng đứa nào cũng vui mừng hí hửng.  

Đặc biệt ở vùng Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang, nơi nổi tiếng là xứ cá, đồng thời cũng là nơi xuất hiện nhiều thầy đìa giống như một huyền thoại. Theo dân gian, thầy đìa là những người có biệt tài về nghề đìa. Họ là những người mẫn cảm với sông nước, giống như một nhà ngoại cảm chỉ nhìn địa thế, đường sông, thế nước, hướng gió là có thể giúp cho chủ đìa định vị được những khẩu đìa mang nhiều ưu thế. Có người nói gặp được một thầy đìa giỏi, cùng với mưa thuận gió hòa, nhất định năm đó đìa sẽ đầy cá. 

Kể từ sau năm 1970, khi các phương tiện đánh bắt dần dần được cải tiến, các chủ đìa thường dùng lưới bao để bắt cá, gọi là chụp đìa. Cách bắt này nhanh, gọn và bảo quản cá tốt hơn.

Mùa đìa thời nay

Nhiều người nghĩ rằng cá đồng và cá sông đã cạn kiệt dần nên nghề đìa cũng mai một. Nhiều nơi bà con đã biến những miệng đìa thành ao, vuông nuôi cá đồng hoặc cá tra. Nhưng đáng mừng là dọc theo kinh Vĩnh Tế, nhất là ở ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc và các xã An Phú, An Nông, huyện Tịnh Biên, An Giang, lại là nơi còn duy trì nhiều miệng đìa, mỗi cái rộng từ vài trăm đến hàng ngàn mét vuông. Mỗi mùa, người ta thu hoạch từ 500kg đến 1 tấn cá đủ loại, từ cá trê, các lóc, cá sặt, mè vinh, thác lác cho đến cá chẻm và cá leo...

 
Một mẻ cá hoành tráng sau cả buổi trời hì hục tát đìa - Ảnh: Hoài Phương

Bà Tư Út, quê ở xã Xuân Tô cho biết, bà có tất cả ba miệng đìa, hằng năm khi con nước tháng chín vừa rút là bà chất chà để dụ cá và mướn người trông coi. Cá bắt được, bà bán cho bạn hàng hoặc các vựa mắm. Bà nói cá đìa là cá tự nhiên rất ngon nên ai cũng ưa thích. Có người còn quả quyết “một ký cá đìa đổi ba ký cá nuôi cũng không thèm”.

Tiệc đìa

Trước kia, mỗi lần tát đìa xong, chủ đìa huy động cả xóm đến giúp làm mắm. Kể cả lúc tát, mọi người cũng tất bật, vừa tát vừa bắt cá lên nướng, nấu cháo, cùng nhau trải lá chuối bày tiệc ngay bên bờ đìa, vui như một ngày hội làng. Ngày nay, tuy công việc bề bộn nhưng tát xong anh em cũng xúm xít nhau, kẻ mua rượu, người nướng cá, không khí trở nên nhộn nhịp sum vầy.

 

Người ngồi trên bờ nướng cá mở tiệc đãi cả xóm - Ảnh: Hoài Phương

Một anh trong nhóm bắt cá đìa mách nhỏ với tôi: cá đìa còn gọi là “cá xưa”, cá sạch vì nó không ăn thực phẩm hỗn hợp và không sống trong môi trường nước bẩn như cá nuôi nên thịt rất thơm ngon, ngọt, béo và đậm đà hương vị, làm món gì cũng khoái khẩu. Đúng vậy, cá trê vàng và cá rô mề đem nướng cho tươm mỡ hoặc cá lóc nướng trui, chấm nước mắm me, ăn với dưa leo nguyên trái, nhai nghe rào rạo nhất định sẽ làm mọi người chảy nước miếng.

Chính vị béo, ngọt của cá hòa quyện với vị chua, cay, ngọt, chát của chuối, khế và các loại rau vườn sẽ làm cho mọi người ngây ngất. Còn như cá mè vinh, cá trê trắng nấu canh chua cơm mẻ với bạc hà thì khỏi phải chê. Nếu có thêm chai rượu đế nữa càng “nhất xứ".

Giờ đây, ruộng đồng không còn hào phóng như xưa, bà mẹ thiên nhiên đã vắt kiệt sức mình nên nhiều người phải nuôi thêm cá tôm. Ta sẽ không còn dịp chứng kiến hai người đàn ông khỏe mạnh đứng hai bên bờ đìa tát nước bằng gàu dai với những động tác nhịp nhàng, mồ hôi đầm đìa mà vẫn nở nụ cười tươi rói.

Hoài Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.