Tha hương... “tìm” con

13/01/2010 14:45 GMT+7

Bữa cơm của những cặp vợ chồng ở “xóm hiếm muộn” - tên gọi những khu nhà trọ trong hẻm A1 nằm đối diện Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, TP.HCM - bỗng chốc trở nên thân mật như một gia đình. Tha hương từ khắp nơi về đây, họ đang phập phồng chờ ngày có được hạnh phúc làm cha, làm mẹ...

Tối 4-1, chúng tôi như vui lây với hạnh phúc của chị Nguyễn Thị Hương ở “xóm hiếm muộn” vừa được tin cấy phôi thai thành công và đang mang thai tháng thứ hai. Niềm vui như lan tỏa khi chị Hương hồ hởi kể: “Trong xóm còn có mấy bà mẹ sắp tới ngày sinh, có cả sinh đôi luôn nhé! Vậy là tết này được nghe tiếng trẻ con khóc rồi...!”.

“Chân đất” mong con...

Nhưng không phải cặp vợ chồng nào cũng có được niềm vui như gia đình chị Hương... Hai bàn tay to với những móng tay cáu vàng vì ngâm ruộng lâu ngày của anh Trương Văn Hải cứ bối rối đan vào nhau khi kể lại mong ước nhà có trẻ con của vợ chồng anh suốt 22 năm nay. Anh nói: “Vợ chồng tui làm nông, cả đời quanh quẩn ở ruộng đồng. Mong một mụn con cho vui nhà cả mấy chục năm rồi. Chỉ hi vọng dịp tết này nữa thôi vì vợ tôi đã 42 tuổi”. Đoạn đường dài “tìm” con của vợ chồng anh Hải bắt đầu từ khi cưới nhau đến bây giờ.

" Đối với những người hiếm muộn như vợ chồng tôi, đứa con quý hơn bất cứ thứ gì quý giá nhất trên đời này! " anh Hoài tâm sự
Từ miền Trung vào Sài Gòn gần một năm nay, niềm hi vọng, thấp thỏm cứ ăm ắp trong câu chuyện của đôi vợ chồng nông dân này. Chị Nguyễn Thị Thủy, vợ anh, ngậm ngùi: “Hi vọng rồi thất vọng. Cứ có thai được vài tháng lại mất con. Ở quê nên có biết gì đâu, lại thêm đủ điều tiếng của làng xóm, có lúc tưởng như vợ chồng phải xa cách vì chuyện con cái...”.

Còn vợ chồng anh Phạm Trung Tình - 41 tuổi, quê ở xóm 4, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An ở trọ nhà A8/1 trong “xóm”, chữa bệnh hiếm muộn từ tháng 9-2008 - buồn bã tâm sự: “Cưới nhau được 13 năm nhưng đợi mãi vẫn chưa có mụn con nào. Vợ chồng nhiều lần đi khám tại nhiều bệnh viện và uống đủ loại thuốc nam, thuốc bắc vẫn không có kết quả. Cách đây sáu năm, vợ chồng tới bệnh viện tỉnh kiểm tra lần nữa, kết quả cho biết cả hai vợ chồng đều bình thường. Đợi mãi nhưng vẫn vô vọng, lần này hai vợ chồng quyết định vào Bệnh viện Từ Dũ chữa trị. Đây là lần thứ hai thực hiện cấy phôi. Lần trước không đạt. Lần cấy phôi gần đây nhất là ngày 24-12...”.

Anh Tình nhẩm tính từ lúc đưa vợ là chị Tuyến vào Sài Gòn cấy phôi đã tiêu tốn gần 100 triệu đồng. “Để có số tiền đó, trước lúc đi tui phải bán hết trâu bò, heo gà được gần 45 triệu đồng, vay mượn anh em rồi vay thêm ngân hàng mới đủ. Vợ chồng tha hương vào đây, ngoài quê nhà cửa, 5 sào ruộng, vườn đều gửi lại ông bà già trông nom”. Vậy nhưng vẫn thiếu. Thỉnh thoảng hết tiền anh lại tranh thủ chạy về quê ít ngày xoay tiền.

 

Anh Tình chăm sóc vợ. “Nếu phải bán nhà cửa, ruộng vườn đổi lại có con thì tui sẵn sàng bán hết, không kể thứ gì” - anh nói - Ảnh: H.L.

Gần hai năm trời sống tha hương, điều ước lớn nhất của vợ chồng anh là có được mụn con để được tự tay chăm sóc, dạy dỗ. Sau ngày cấy phôi hết hơn 10 triệu đồng, bây giờ vợ chồng anh lại thêm nỗi lo tiền thuốc dưỡng thai, tiền sinh hoạt, tiền thuê nhà... Anh Tình nói thật như đùa: “Ba lọ thuốc “ăn đứt” cái xe máy. Nhưng nếu phải bán nhà cửa ruộng vườn mà đổi lại có con thì tôi sẵn sàng không kể thứ gì!”.

Chị Tuyến nằm khó nhọc trên giường kể: “Khi chưa cấy phôi, chuyện sinh hoạt cá nhân tự tôi làm lấy. Cấy phôi rồi thì mọi việc từ giặt giũ, tắm rửa cho tôi đều phải nhờ chồng. Tội nghiệp ảnh, vừa lo cho tôi còn tranh thủ đi làm thợ đổ cốp pha bêtông, làm công ở xưởng inox, phụ hồ... để có thêm tiền xoay xở. Anh còn bảo bệnh thì bệnh chứ không dám nằm xuống vì sợ sẽ không gượng dậy được. Anh phải là chỗ dựa cho em... tìm con”.

Mơ ước đầu năm

Trên 38.000 lượt người khám hiếm muộn trong năm 2009

Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết - trưởng khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ - cho biết: số lượng bệnh nhân đến khám hiếm muộn tại khoa là 38.570 lượt khám trong năm 2009, tương đương các năm trước. Chi phí cho một lần chuyển phôi tươi 10,5 triệu đồng, chuyển phôi trữ lạnh 1,5 triệu đồng. Các chi phí trên chưa tính phí thuốc men (lớn gấp nhiều lần).

Bằng phương pháp này, tỉ lệ có thai đạt 32-40%. Điều quan trọng là tinh thần phải luôn lạc quan, thoải mái vì càng lo lắng thì khả năng có thai càng khó. Bác sĩ cũng cho biết những bệnh nhân thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thường chiếm 8-9% mang đa thai.

Đa thai có nguy cơ sinh non trước 36 tuần. Do đó trẻ sinh ra thường bị suy hô hấp do phổi thai nhi chưa đủ trưởng thành, hạ đường huyết, xuất huyết, nhiễm trùng và bệnh võng mạc... nên phải nuôi và chăm sóc theo chế độ đặc biệt.

Đêm. Trong căn phòng trọ ở “xóm hiếm muộn”, chị Nguyễn Thị Hoa Tím rạng ngời hạnh phúc, âu yếm ôm trên tay đứa con gái mới chào đời được hai tháng tuổi. Vợ chồng chị Tím, anh Hoài quê ở Trà Vinh, cưới nhau đã bốn năm nhưng vẫn không có con. Bỏ hết công việc buôn bán ngoài chợ, vợ chồng tay xách nách mang đến Bệnh viện Từ Dũ nhờ sự can thiệp của khoa học.

Anh Hoài kể: “Những ngày đến khám rồi cấy phôi vợ chồng vất vả lắm. Tiền bạc là vấn đề lớn nhưng nỗi lo luôn thường trực nếu không có con thì sao? Cấy phôi xong, một tháng sau có kết quả. Thật may mắn là đã thành công và vui hơn nữa là vợ tôi sinh đôi”. Hạnh phúc có con vơi đi một nửa khi bé trai không giữ được.

“Tôi sinh non khi mang thai mới hơn sáu tháng, lúc sinh cả hai bé chỉ bằng nắm tay đều được chăm sóc đặc biệt trong lồng kính. Được ba ngày thì bé trai qua đời...” - chị Tím ngậm ngùi nhớ lại. Còn bé Uyên mãi 16 ngày sau mới không phải nằm trong lồng kính. Lúc đó bé nặng chỉ hơn 700g, sau hai tháng tăng được 900g và đang phải chăm sóc đặc biệt.

Cạnh nhà trọ của vợ chồng anh Tình, chị Tuyến là chỗ trọ của vợ chồng anh Tống Văn Hiệu, 35 tuổi và chị Nguyễn Thị Tình, 28 tuổi, quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Năm 2004 anh chị cưới nhau, sau hai năm chung sống vẫn không có con dù đi khám thì cả hai đều bình thường. Năm 2006, anh chị quyết định vào Nam “tìm”... con. Anh làm thợ xây, chị vào làm trong công ty gỗ để dành tiền đến Bệnh viện Từ Dũ chữa trị.

Anh tâm sự: “Khi đủ tiền đến bệnh viện cấy phôi, chưa cấy thì thôi chứ cấy rồi ngày nào lo ngày đó, lo lắng lắm. Vừa mong tới ngày có kết quả, vừa không mong vì... sợ”. Niềm vui và sự may mắn đã đến với vợ chồng chị khi lần tái khám gần đây nhất bác sĩ thông báo chị đã có thai. “Lúc đó vợ chồng tui chỉ biết ôm nhau khóc vì hạnh phúc...” - anh Hiệu bộc bạch.

“Đã bốn cái tết xa nhà, tết năm nay dù đã có tin vui nhưng cũng không về được vì đường xa, sợ ảnh hưởng tới thai. Vợ chồng tui ở lại, ăn tết một năm xa nhà nữa cũng chẳng sao. Sang năm ăn tết ở nhà rồi, tết năm nay đã có niềm vui mới nơi đất khách!” - anh Hiệu hạnh phúc nhìn vợ nói.

Hôm chúng tôi đến “xóm hiếm muộn”, vợ chồng anh Tình, chị Tuyến bảo còn chờ hai ngày nữa mới biết kết quả thai có đậu hay không. Anh Tình nói đã mất ngủ mấy đêm vì hồi hộp chờ kết quả. Nơi vợ chồng anh trọ cũng là chỗ trọ của ba cặp vợ chồng khác cùng quê miền Trung cùng vào “tìm” con. Căn phòng bốn cặp vợ chồng thuê nằm ngay tầng trệt, kê vừa đủ bốn chiếc giường sát nhau. Mỗi chỗ như vậy giá 1,4 triệu đồng/tháng.

Năm nay tất cả đều ở lại Sài Gòn ăn tết tha hương... chờ con. Điều ước năm mới chung của các cặp vợ chồng ở “xóm” này đơn giản nhưng đã mòn mỏi cả chục năm rồi: tết này có “tìm” được con? 

Theo Lê Vân - Hoàng Lộc / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.