Hủy diệt nội tạng

13/01/2010 22:23 GMT+7

Các bác sĩ luôn cảnh báo rằng lạm dụng bia rượu sẽ bị mắc các bệnh về gan, tim mạch, huyết áp, loét dạ dày... >> Nhậu ở vùng đất gió Lào \ Bợm nhậu miền Tây

Lạm dụng rượu bia cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần với biểu hiện cụ thể như: hoang tưởng, ảo thị, ảo giác, ảo thính, co giật/động kinh; viêm đa khoa thần kinh...

Tối 9.1, trên đường Nguyễn Thị Tú (gần KCN Vĩnh Lộc, TP.HCM), một nhóm công nhân đang nhậu thả cửa món vịt quay với bia. Một người tên U. (quê Kiên Giang) khề khà: “Cuối tuần mới được xả hơi mà. Dzô đi anh em!”.

Giữa những lần nâng ly, nhiều người rít thuốc liên tục. Thậm chí, có người không hút (hoặc chưa kịp hút) thì bị bạn ngửa cổ ra và gí điếu thuốc vào miệng. Lồng trong mấy câu chuyện tán gẫu là vô số câu chửi thề. Họ không nể nang gì một cô bạn đi cùng và những người ngồi bàn bên cạnh.

Tâm sự của một... đệ tử Lưu Linh

Trong đám nhậu ấy, chúng tôi để ý đến một thanh niên “tửu lượng” nổi trội. Đó là N.M, 29 tuổi, ngụ tại một xã vùng rừng núi phía bắc sông La Ngà thuộc huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, lên Sài Gòn có việc riêng và gặp “độ” nhậu.

Trong những cơn đau đớn, tui tự hứa ngày mai sẽ bỏ rượu. Nhưng ngày mai, tới cữ lại thấy thèm. Xung quanh, nhiều chiến hữu khác cũng đang trung thành với chai rượu, mình đâu dễ bỏ được?.
M., một “đệ tử Lưu Linh” ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận

M. kể, anh làm quen với rượu từ hồi học lớp 6. Lúc đó, M. mới đi học về và được mấy người bạn của cha mình đưa rượu cho uống thử. Dần dà, “đô” của M. tăng dần nhưng gia đình không ai hay biết. M. hiện làm nghề sửa chữa điện tử. Công việc bữa có bữa không, lại quen kiểu làm việc thủng thẳng nhà nông nên chiều chiều M. đi tìm bạn nhậu hoặc tự “gầy độ” tại nhà. Rượu cho 5 - 6 người như M. uống thường tính bằng can (10 lít/can). "Nhiều lúc đã thấy mệt trong người, đầu óc ê ẩm nhưng hễ có chiến hữu mới tới là một tay nâng ly, một tay bụm miệng cố nốc vào”, M. kể.

M. tâm sự tiếp: “Sáng nào tui uống rượu là coi như cả ngày đó không làm được việc gì. Còn nếu nhậu buổi chiều, tối nằm ngủ đầu nhức như búa bổ. Rượu hành đau đớn lắm!”. Khi được hỏi sao không bỏ rượu, M. đáp: “Bạn bè hầu như ai cũng uống. Uống rượu đã là một thói quen lâu năm ở đất này, cai rồi lại... hoàn nghiện thôi!”.

M. cho biết tại nơi anh sinh sống, có không ít người đã chết vì rượu. Thậm chí, có gia đình ba cha con lần lượt chết vì bị “trúng gió” sau khi uống rượu say. Bên cạnh đó, một số “đệ tử Lưu Linh” chết vì tai nạn giao thông hoặc bị ung thư, xơ gan... Còn những trận đánh nhau, cãi vã giữa vợ chồng, bạn bè liên quan đến rượu thì nhiều vô kể. Cũng có thầy giáo trẻ uống rượu say rượt vợ chạy khắp xóm. Người vợ đau khổ ấy đã mấy lần đưa đơn xin ly dị, nhưng rồi thương con thơ dại đành phải cắn răng tiếp tục chịu đựng...

M. bảo mình dù sao cũng thuộc dạng may mắn vì có nghề nghiệp. Còn nhiều thanh niên cùng làng, cùng xã chủ yếu làm nông hoặc thất nghiệp. Sáng sáng thường có không ít người “ngồi đồng” ở quán cà phê. Thậm chí, có những người như anh N. - hàng xóm của M. - có thói quen tìm đến rượu trước khi... đánh răng.

Tiêu tốn tiền của, tích tụ bệnh tật

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trung tâm thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc rượu.

Bệnh nhân lứa tuổi thanh niên chiếm đa số trong các trường hợp phải điều trị. Chi phí cho lạm dụng rượu bia chiếm một phần đáng kể trong thu nhập của người sử dụng. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế (VCL) - Bộ Y tế, 61% người được hỏi cho biết đã sử dụng tiền tiết kiệm chi trả cho rượu và gần 50% chi trả cho bia bằng tiền tiết kiệm.

Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, lạm dụng rượu bia còn khiến người sử dụng phải chịu những phí tổn cho việc điều trị những bệnh do lạm dụng rượu bia. Chi phí điều trị cho một ca ngộ độc cấp do rượu, bia từ vài trăm ngàn đồng đến 3-5 triệu đồng, tùy mức độ. Những phí tổn này do người đó phải tự chi trả, không được BHYT thanh toán. Chưa kể đến những phí tổn lớn hơn nhiều khi người lạm dụng bia rượu bị mắc các bệnh do lạm dụng rượu bia lâu ngày gây nên như bệnh về gan, tim mạch, huyết áp, loét dạ dày...

Lạm dụng rượu bia cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần với biểu hiện cụ thể như: hoang tưởng, ảo thị, ảo giác, ảo thính, co giật/động kinh; viêm đa khoa thần kinh. Theo số liệu từ một số cơ sở điều trị tâm thần, tỷ lệ bệnh nhân tâm thần do rượu chiếm 5-6% tổng số bệnh nhân tâm thần điều trị. 

Nhậu xong gây án

Theo các chuyên gia, khi lạm dụng rượu bia, các chức năng của một bộ phận vỏ não như sự phán đoán, tính tự chủ, ý thức về đạo đức hoàn toàn bị ức chế khiến người uống rượu không làm chủ bản thân, dễ dẫn đến những hành vi nguy hiểm. Dưới đây là các vụ án liên quan tới rượu:

* Ngày 20.9.2009, tại khu vực sân khấu của nhà hàng H.V trên đường số 5, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân (TP.HCM) đã xảy ra mâu thuẫn giữa hai nhóm thanh niên (khoảng 10 người, chưa rõ lai lịch) do tranh nhau ca hát trong đám cưới sau khi làm vài “ve”. Nhân viên bảo vệ của nhà hàng đã can ngăn và đuổi số thanh niên trên ra ngoài. Khi ra khỏi nhà hàng, số thanh niên này tiếp tục cãi nhau và dùng cây cừ tràm của nhà đang xây dựng gần đó hỗn chiến với nhau. Hậu quả Nguyễn Văn H. (24 tuổi, tạm trú Q.Bình Tân, bạn của chú rể) bị thương ở đầu và đã tử vong trên đường được đưa đi cấp cứu.

* Ngày 21.9.2009, tại nhà ở hẻm 32 Bùi Thế Mỹ, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú (TP.HCM), do mâu thuẫn trong lúc ăn nhậu, Nguyễn H. (42 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dùng vỏ chai bia đập bể đâm vào bụng anh Hồ Văn L. (25 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) gây thương tích nặng, khiến nạn nhân chết tại bệnh viện sau đó.

 
Cơ quan CSĐT đang lấy lời khai của Thành

* Tối 30.9.2009, Tạ Văn Thành (40 tuổi, tạm trú Q.Tân Bình, TP.HCM) đi làm về, sau đó ra quán thịt thỏ đầu hẻm đường Hoàng Hoa Thám, P.13, Q.Tân Bình, ngồi nhậu. Làm được “vài ve”, Thành về nhà. Tới nhà, thấy con ruột là Tạ Thị Thu T. (6 tuổi) đang ngồi xem tivi không chịu học bài, Thành lôi cháu ra đánh đập dã man, rồi lấy bếp gas ra châm lửa đốt chân cháu T. Cháu T. vùng bỏ chạy, Thành rượt theo bắt được, cầm vành tai con mình nhấc bổng lên cao, rồi quăng mạnh cháu T. xuống đường khiến cháu bất tỉnh… Tại trụ sở công an, Thành tỏ ra ăn năn nhưng đã quá muộn, phải chịu bắt giam với tội: “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình”.

 

Cháu T. bị bỏng ở chân do cha ruột của mình châm lửa đốt - Ảnh: Đ.Huy

* Ngày 24.10.2009, tại quán ăn lề đường trước số 59/6B ngã tư Lê Văn Thọ - Cây Trâm, P.11, Q.Gò Vấp (TP.HCM), Nguyễn Thanh T. bị Phạm Văn H. dùng dao đâm vào bụng gây thương tích và đã chết trên đường đi cấp cứu. Trước đó, T. ngồi nhậu tại quán trên thì xảy ra mâu thuẫn với H. ngồi bàn kế bên. Được chủ quán căn ngăn, T. bỏ về, khoảng 15 phút sau, T. quay lại đem theo 1 con dao cùng 1 dùi cui tiếp tục gọi bia uống và gây gổ với H., sau đó H. đã gây ra việc trên.

* Ngày 11.11.2009, trước nhà số 227/24 Nguyễn Văn Tăng, P.Long Thạnh Mỹ, Q.9 (TP.HCM), do mâu thuẫn trong lúc ăn nhậu, Lê Duy T. (21 tuổi, tạm trú Q.9) đã dùng dao đâm nhiều nhát vào người Nguyễn Minh T. (28 tuổi, ngụ Q.4) khiến T. bị trọng thương và đã tử vong không lâu sau đó.

* Ngày 13.11.2009, tại nhà số 2C, tổ 3, KP3, P.Tân Hưng Thuận, Q.12 (TP.HCM), Lương Phi H. (tạm trú nhà trên) bị một nhóm thanh niên khoảng 10 người dùng mã tấu chém nhiều nhát vào người gây thương tích nặng và H. đã chết trên đường đi cấp cứu.

Đàm Huy (tổng hợp)

Như Lịch - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.