Bợm nhậu miền Tây

12/01/2010 17:20 GMT+7

Dân miền Tây Nam Bộ được biết đến với tính tình khẳng khái, thật thà và chơi thì “tới bến”. Và cái chuyện chơi ấy thể hiện rõ trong việc... nhậu, với không ít thanh niên đang ngâm đời vào những cơn say. >> Nhậu ở vùng đất gió Lào

Thị trấn... đông quán

Sáng sớm, quán nhậu B.T nằm gần con đường ra biển ở thị trấn Sông Đốc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau) vừa đóng cửa trước đó không bao lâu thì đã có người đến gõ cửa. Chủ quán gương mặt bơ phờ thiếu ngủ, gắng nở nụ cười đón khách. Một người nói: “Quán còn gì nhắm không? Chưa đi chợ thì cứ đem bia với vài con khô cũng được”. Trong tích tắc, trên bàn nhậu đã sóng sánh bia với dĩa mực nướng thơm phức. Trong nhóm thanh niên nam nữ kéo nhau “chào buổi sáng” tại quán nhậu này, có người giọng còn nhằn nhựa trong hơi men. Vừa ngồi vào bàn, họ liền “khai vị” bằng cuộc tranh luận đang dở dang của... chầu nhậu trước, vừa kết thúc chưa lâu. Thế là lại rôm rả, bia chảy ào ào, ly lại cụng bốp chát... quên đi tháng ngày, giờ giấc.

Cứ thế, không bao lâu, những bàn khác tại quán B.T lại có người đến ngồi đầy. Quan sát khách khởi đầu cho ngày mới tại quán nhậu này, thấy phần lớn là những người trẻ. Một cán bộ tại thị trấn Sông Đốc nói, dân ở đây “chịu nhậu” nên dù cái thị trấn chỉ trên 33 ngàn dân, đã có gần... 200 quán nhậu lớn nhỏ phục vụ cho nhiều đối tượng. Mật độ quán dày như thế, nhưng đâu có quán nào ế khách. Nhất là những ngày ghe vô, ngư dân nhiều thì đi tới đâu cũng gặp nhậu, từ trong nhà ra cả ngoài đường, toàn thanh niên cả. “Bởi vậy nên người ta gọi đây là thị trấn đông quán”, vị này bình luận.

Khách nhậu “máu” nhất là những người trẻ. “Mà nhậu xong rồi về ngủ thì đâu ai nói gì, đằng này lại thường xuyên gây gổ, đánh nhau”, một người dân ngán ngẩm. Sông Đốc là một trong những địa phương tình hình xã hội phức tạp nhất trong tỉnh Cà Mau. Và không ít những vụ gây gổ, đánh nhau xuất phát từ những cuộc nhậu.

Phân tích "Hiện trạng đói nghèo ở ĐBSCL" - do Chương trình hỗ trợ phát triển của Úc tài trợ - đánh giá: thói quen nhậu nhẹt là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo, thất nghiệp ở ĐBSCL. Theo đó, so với hộ có quê gốc miền Bắc hoặc miền Trung thì người dân gốc Nam Bộ có mức chi tiêu cho ăn nhậu, đám tiệc... lãng phí hơn.

“Đứt bóng” giữa đường

Trưa nắng. Một thanh niên bước xiêu vẹo trên con đường quốc lộ thuộc huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Được một đoạn, anh ta không thể đi tiếp, thế là nằm khuỵu xuống đám cỏ bên đường. Khách qua đường có người tốt bụng rề xe lại hô gọi chở đi cấp cứu. Bất kể đám đông vây quanh, người này vẫn nhắm nghiền mắt, miệng lẩm bẩm. Thấy vậy, vài người dân ở gần đó chạy ra, một người nói: “Nó không sao đâu. Hủ hèm đó, đừng lo!”. Nghe thế, có người đến “thu gọn” thân hình mềm nhũng vào sát trong lề để tránh rủi ro tai nạn xe cộ qua lại. Đám đông giải tán, để lại “con ma men” hồn nhiên đánh giấc bên đường. Nhiều người ngán ngẩm: “Mới bây lớn mà tệ hết chỗ nói!”.

Dọc theo các trục đường ở miền Tây, không hiếm hình ảnh những sòng nhậu được gầy lên ngay trên dạ cầu, vỉa hè... Không ít những bợm nhậu đánh chén xả láng đến không thấy đường về, đành “phơi thân” nơi lề đường. Đã có không ít những chuyện đáng tiếc xảy ra với những thanh niên sớm “làm bạn lưu linh” này. Ở miền Tây, thỉnh thoảng lại nghe ở đây đó có người yểu mệnh, với cơ man những nguyên do: ngộ độc do rượu dỏm, xỉn nên bị té sông té nước, tai nạn giao thông... 

Không nhậu là... thiếu hòa đồng (!)

Việc lãnh đạo một số tỉnh ở ĐBSCL  như Bến Tre, Cà Mau... ban hành lệnh cấm công chức uống rượu, bia trong giờ hành chính (trừ những trường hợp đặc biệt) một thời gian gây xôn xao cho những công chức có thói quen... nhậu. Có người nói đó là chuyện “khó xử”, bởi “văn hóa nhậu” đã thấm vào thói quen của nhiều người. Có 1.001 trường hợp đặc biệt để nhậu: lâu ngày không gặp - nhậu; bàn công chuyện - nhậu; buồn - nhậu; vui - nhậu; được khen thưởng - nhậu; bị kỷ luật - nhậu; trúng tôm - nhậu; thu hoạch cá - nhậu; bán lúa - nhậu... Đến mức một công chức trong ngành giáo dục tại một huyện vùng xa thừa nhận: Cái dở của anh là... không biết nhậu với đồng nghiệp. Có lẽ vì thế nên trong đợt họp kiểm điểm cuối năm, anh bị đánh giá là... chưa hòa đồng với tập thể.

Trở lại lệnh cấm công chức nhậu trong giờ hành chính tại tỉnh Cà Mau, một người lên diễn đàn trong website của UBND tỉnh bình luận: “Chỉ thị 17 của tỉnh ủy ban hành có nhiều anh em cán bộ công chức rất mừng vì có thể hạn chế nhậu nhẹt. Nhưng gần đây vẫn có nhiều công chức ngồi nhậu trong giờ hành chính. Nhiều anh nếu mặc đồng phục thì thay đồ, còn nếu mặc đồ thường thì bỏ áo ngoài quần cho giống với... bợm nhậu. Kiểu này chắc phải tổ chức kiểm tra, bắt quả tang mới được”. Nói thế, nhưng cũng chưa có một công chức nào bị kỷ luật vì bị bắt gặp quả tang đang nhậu cả.

Lạm dụng rượu bia gây tổn thương não

Theo thống kê của Viện Chiến lược chính sách y tế (Bộ Y tế), 4,4% người dân VN phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của các cuộc nhậu. Kèm theo đó, việc lạm dụng bia, rượu cũng gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội. Nhậu nhẹt là nguyên nhân của 60% số vụ bạo lực gia đình, của 10% số vụ tai nạn giao thông làm hơn 12.000 người tử vong mỗi năm. Tỷ lệ người có sử dụng rượu, bia chiếm 33,5% và 1/3 số người sử dụng bia, rượu đã bắt đầu uống trước tuổi 20. Lạm dụng rượu, bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu. Ước tính phí tổn do lạm dụng rượu, bia (bao gồm cả việc dung nạp và giải quyết hậu quả do rượu bia gây ra) chiếm từ 2-8% GDP của nhiều quốc gia. Đáng lo ngại là việc sử dụng nhiều rượu, bia của giới trẻ sẽ gây tổn thương phát triển của não, có nguy cơ phụ thuộc vào rượu bia sau này.

D.L

* Việc nhậu nhẹt ảnh hưởng đến giống nòi và phát sinh bệnh tật đã đành, nó còn gián tiếp gây ra những bạo lực gia đình. Cần lắm những quy định khắt khe về việc mở quán nhậu. Chẳng hạn cách xa khu dân cư, nhà thờ, nhà chùa, bệnh viện, trường học, trung tâm giáo dục. Thêm vào đó nên giới hạn việc uống rượu, bia của người dân. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước láng giềng như: Thái Lan, Singapore hay thậm chí Campuchia. (vieto...@yahoo.com)

* Hoan hô Báo Thanh Niên đã đăng loạt bài về tệ nhậu trong giới trẻ. Biết bao cảnh khổ sở vì nhậu quá đà. Rượu, bia không có tội, cái có tội là người ta lạm dụng nó gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trong cuộc sống. Tôi là người uống rượu, bia, thế nhưng mức độ uống rất chừng mực. Có những người rất kỳ cục ép nhau uống “không say không về” dẫn đến nhiều tệ nạn sau đó… Tôi nghĩ, mọi người cần phải hạn chế rượu, bia để không chỉ đảm bảo sức khỏe mà còn đảm bảo hạnh phúc gia đình và sự bình yên của xã hội. (
teni...@yahoo.com)

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.