Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Những bảo vật của vua Hàm Nghi

28/12/2009 23:46 GMT+7

Những bảo vật của vua Hàm Nghi để lại trên đường xuất bôn khởi chiếu Cần Vương được người dân xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) gìn giữ hơn 100 năm nay. Nghe đọc bài

Giấc mộng trên đường bôn tẩu

Sử sách chép rằng vào đêm 23 tháng 5 Ất Dậu (tức ngày 5.7.1885), kinh thành Huế thất thủ. Vua Hàm Nghi (lúc đó mới 14 tuổi) cùng đoàn xa giá chạy ra Quảng Trị rồi vượt qua Lào, theo đường Trìm Trẹo tìm đến vùng đất Hương Khê. Tại đây, vua đã chọn thành Sơn Phòng làm căn cứ chống Pháp. Lãnh binh người Hà Tĩnh là Phan Mỹ, Lê Ninh liền đưa 500 quân đến canh phòng, bảo vệ nhà vua. Chí sĩ Phan Đình Phùng được vua mời lên yết kiến và giao nhiệm vụ. Vua Hàm Nghi đã ban chiếu Cần Vương lần hai tại đây để tố cáo mưu đồ xâm lược của thực dân Pháp, thể hiện rõ thái độ và ý chí quyết tâm kêu gọi nhân dân đứng dậy chống giặc.

Tương truyền đêm 20.9.1885, vua nằm ngủ tại thành Sơn Phòng thì thấy một nữ thần đến báo mộng: “Hãy nhanh chóng rời khỏi nơi này, bọn bạch quỷ (giặc Pháp) đang đến rất gần, cần phải định liệu ngay”. Tỉnh dậy, vua hỏi người dân địa phương, họ nói gần đó có đền Trầm Lâm thờ một nữ thần. Vua liền gọi cận thần đến thông báo giấc mộng và giao cho Tôn Thất Thuyết chuẩn bị các lễ vật đến ngôi đền tạ lễ. Năm ngày sau, vua đến đền Trầm Lâm, ban sắc phong cho nữ thần kèm theo những phẩm vật quý giá, gồm: vi bố (màn bằng gấm có gắn 35 lục lạc bằng đồng dành cho vua); 8 bộ áo mũ triều thần; 20 chiếc cờ lộng, tàn quạt; 2 con voi bằng vàng (một con đúc bằng 17 chỉ và một con 27 chỉ vàng ta); một con nghê và một con voi bằng đồng; 2 kiếm lệnh lưỡi thép cán gỗ chạm hình rồng phượng, sơn son thiếp vàng.

Hai con voi bằng vàng, con voi và con nghê bằng đồng - Ảnh: Minh Chiến

Hoàng bào của vua Hàm Nghi - Ảnh: K.Hoan

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, những bảo vật này còn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Hai con voi bằng vàng, con voi và con nghê bằng đồng sắc màu còn tươi mới. Hai lưỡi kiếm tuy hơi xỉn màu nhưng cán gỗ vẫn giữ nét sơn son. Tám bộ áo mũ triều thần, nhất là hai chiếc hoàng bào còn y nguyên những đường thêu rồng bay phượng múa.

Gìn giữ muôn đời

Bên trong một căn nhà cấp bốn nằm bên rìa làng, bàn thờ vua Hàm Nghi được lập trang trọng ở ngay gian chính. Trước linh ảnh đức vua là một bát hương cắm đầy chân nhang. Những bảo vật quý báu của vua được đựng trong két sắt và hai cái tủ để ngay cạnh bàn thờ. Ngoài sắc phong của vua Hàm Nghi, còn có 37 đạo sắc khác của các vua triều Nguyễn phong cho các vị thần ở đền Trầm Lâm và đền Công Đồng ở cạnh thành Sơn Phòng. Chủ nhân căn nhà là cụ Lê Khắc Tùng, mà dân địa phương gọi là cụ đạo Tùng. Cụ Tùng là người thứ 14 được dân làng giao nhiệm vụ gìn giữ những bảo vật của vua ban. “Bảo vật không chỉ của riêng xã Phú Gia này mà là của giang sơn. Chúng tôi tự hào vì mình cũng góp công gìn giữ và bảo vệ những bảo vật quý cho đất nước”, cụ Tùng bảo.

 Các bảo vật của vua Hàm Nghi cũng đã từng được trưng bày lần đầu tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 7.2007. Sau đó, chúng tôi lại trả về cho người dân địa phương bảo quản, gìn giữ vì với họ những bảo vật này khó có thể tách rời làng

Ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh

Việc cử người thờ phụng vua, gìn giữ bảo vật đã thành lệ từ lâu. Mỗi năm, làng chọn ra một người. Người được chọn phải có phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm và tinh thần hy sinh với cộng đồng. Cứ mỗi độ xuân về, trước khi chuyển bảo vật đến nhà cụ đạo mới (do dân đề cử), những bô lão trong làng đến làm lễ xin keo (gieo quẻ) để xin thánh ý vua. Nếu không được đồng ý thì bảo vật tiếp tục được lưu giữ lại nhà cụ đạo cũ. Lễ rước linh ảnh vua và bảo vật được dân làng tổ chức trang nghiêm, thành kính.

Từ nhiều đời nay, ở làng này ai được chọn làm cụ đạo là niềm tự hào, vinh dự lớn. Cụ Trần Văn Nhung, 82 tuổi, người từng giữ gìn bảo vật 31 tháng, vẫn còn rất tự hào kể về thời gian cụ được giao trọng trách giữ bảo vật. Căn nhà cụ lợp tranh, vách gỗ, sợ kẻ gian dòm ngó trộm mất bảo vật, mỗi ngày cụ phải nhiều lần thay đổi địa điểm cất giấu. Đêm đến, hễ nghe tiếng động lạ là cụ trở dậy, đề phòng có phải kẻ gian rình mò.

Trong làng, người có công gìn giữ bảo vật lâu nhất là cụ Dương với 16 năm. Cụ Dương từng phải khoét cột nhà cất giấu bảo vật đề phòng kẻ gian lấy trộm. Cụ mất, con cái nghèo, mới đây, một người hảo tâm đã góp tiền cùng dân làng xây cho cụ nấm mộ. Cụ Nhung kể: thời đói kém, nhiều người ngoài Bắc từng vào gạ gẫm đổi mua bảo vật nhưng bị dân làng đuổi đi. Ở làng hiện còn lưu truyền câu chuyện huyền bí liên quan đến bảo vật. Thời chống Pháp, có một anh trong làng vì nghèo đói, thấy bảo vật quý nên nổi lòng tham lấy trộm một con voi bằng vàng. Anh ta về nói với vợ rồi băng rừng sang Lào đổi lấy 9 con trâu. Trên đường lùa trâu về, bất ngờ anh ta bị một con trâu lồng lên húc chết. Người vợ ở nhà cũng tự nhiên nổi điên giết chết đứa con của mình. Dân làng đến thăm hỏi, biết chuyện thì sợ hãi, cử người sang Lào lần tìm đổi lại được bảo vật mang về. Những câu chuyện pha chút huyền bí liên quan đến bảo vật của vua Hàm Nghi, người dân ở Phú Gia ai cũng tỏ. Họ truyền tai nhau khiến kẻ gian cũng sợ không dám màng đến. 

Dấu tích còn lại hiện nay của thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm thờ Đức Thánh mẫu và đền Công Đồng vẫn còn được lưu giữ tại Phú Gia. Thành Sơn Phòng vốn được đắp bằng đất, hình vuông mỗi cạnh hơn hai trăm mét, cao hơn 2 mét, nằm ở vị trí hiểm yếu. Phía ngoài thành có hào sâu để ngăn địch, có đường thoát hiểm ra sông Tiêm vào rừng. Trong thành có điện của vua Hàm Nghi và các đại thần như Tôn Thất Thuyết, có hồ voi tắm, cột cờ. Trải qua hơn một thế kỷ với nhiều biến thiên, những công trình này hiện chỉ còn lại dấu vết. Năm 2001, quần thể di tích thành Sơn Phòng (gồm cả đền Trầm Lâm, đền Công Đồng) được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Hai ngôi đền nằm gần thành, thời gian đã làm cho hoang phế, hiện đang được người dân chung tay tôn tạo, giữ gìn.

Khánh Hoan - Trương Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.