Những “thai phụ” không có thai nhi

25/12/2009 23:34 GMT+7

Ngay sau khi thông tin về Ca “sinh nở” kỳ quặc được đăng tải trên Thanh Niên ngày 25.12, rất nhiều bạn đọc liên lạc với tòa soạn bày tỏ thắc mắc, đồng thời cung cấp thêm nhiều trường hợp “thai phụ” tương tự mà họ biết...

Không phải cá biệt

Để giải tỏa những thắc mắc của bạn đọc, trong ngày 25.12, PV Thanh Niên đã về xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, để tìm gặp “thai phụ” Nguyễn Thị L. (nhân vật trong bài Ca “sinh nở” kỳ quặc), theo địa chỉ người nhà khai mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị ghi lại trong hồ sơ bệnh án.

Thế nhưng khi đến nơi, dò hỏi rất nhiều người dân ở cả 6 thôn thuộc xã Vĩnh Tân mà không một người nào biết chị L. là ai. Ông Bùi Công Khoa, cán bộ phụ trách tư pháp hộ tịch của UBND xã Vĩnh Tân, cũng khẳng định: “Đây là một xã nhỏ, mọi người hầu hết đều biết nhau, tôi chắc chắn trong xã không có ai mang tên Nguyễn Thị L...”. Khi chúng tôi dẫn ra một số thông tin về ngoại hình, hoàn cảnh gia đình cũng như tuổi tác của chị L., ông Khoa vẫn lắc đầu và đặt nghi vấn: “Nhiều khả năng gia đình đã khai tại bệnh viện không đúng sự thật, để che giấu nhân thân”.

Tìm không ra “thai phụ”, chúng tôi trở lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị tìm hiểu thêm. Theo các y, bác sĩ, thông thường nhân viên bệnh viện ghi tên, tuổi, địa chỉ của người bệnh vào hồ sơ bệnh án theo người nhà (hoặc người bệnh) khai. Trong trường hợp chị L., vì gia đình nói là “ca sinh khẩn” nên người nhà khai địa chỉ ra sao thì nhân viên bệnh viện ghi lại như thế, không kịp kiểm tra...

Bác sĩ Hoàng Phước Quang, Phó khoa Sản của bệnh viện -  người trực chính trong hôm chị L. vào viện để “sinh nở” - phân tích: “Một số trường hợp như chị L. (hiếm muộn, sau đó đi “xin” có con - PV) thường có lòng tin rất lớn, ảnh hưởng đến tâm lý, dẫn đến ảnh hưởng lên hệ nội tiết, nên nhiều lúc việc hành kinh bị ngưng trệ. Nhiều khả năng họ còn mang bệnh hoang tưởng, lại được ăn uống bồi dưỡng, người béo lên, nếu có thêm chứng đầy hơi thì bụng càng to ra... Còn nói thật, về căn nguyên thì tôi cũng băn khoăn lắm, chỉ biết rằng hôm khám cho chị L. tôi thấy chị hoàn toàn không có dấu hiệu về bệnh tật ngoài thần kinh bất ổn định”.

Bác sĩ Quang cho biết thêm: “Cách đây không lâu, tôi cũng đã tiếp một ca tương tự tại phòng mạch của mình. Sáng nay, khi báo đăng, đồng nghiệp của tôi - trưởng khoa sản tại một bệnh viện ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - cũng điện thoại ra nói rằng ở trong ấy cũng gặp nhiều ca như chị L.!”.

“Mang thai” trên 12 tháng chưa sanh?

Chúng tôi cũng đã gặp một số bác sĩ của hai bệnh viện sản phụ khoa công lập lớn tại TP.HCM là Từ Dũ và Hùng Vương để tìm hiểu thêm thông tin về dạng “thai phụ” nói trên. Điều ngạc nhiên là các bác sĩ ở đây cho biết họ cũng đã từng tiếp nhận rất nhiều phụ nữ bụng to, đến bệnh viện và cả phòng mạch riêng “khám thai”, nhưng thực chất cũng không có thai nhi trong bụng như trường hợp chị L. ở Quảng Trị. “Có trường hợp bụng trông giống như mang thai ở tháng thứ 7, thứ 8; nhưng qua khám thai, siêu âm thì không hề có thai nhi trong buồng tử cung”, một bác sĩ kể.

Một bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương (có phòng mạch riêng ở quận 5, TP.HCM) kể, gần đây bà tiếp nhận hơn chục “thai phụ” đến yêu cầu được khám thai. Những người này cho biết họ “đi cầu có thai” ở một địa điểm thuộc Q.Thủ Đức, TP.HCM. Sau khi kiểm tra, siêu âm đều  không thấy thai nhi trong bụng, nhưng các “thai phụ” vẫn đòi cho thuốc bổ, thuốc dưỡng thai! Một phòng mạch khác ở Q.10, TP.HCM của một bác sĩ lâu năm trong ngành sản phụ khoa cũng tiếp nhận rất nhiều trường hợp tương tự như trên. “Họ cũng bụng to, cũng mặc áo bầu, có người còn cho biết họ mang thai đã trên 12 tháng, nhưng khi chúng tôi siêu âm thì không hề có thai nhi. Trong số họ có không ít người là trí thức. Thế nhưng, dù chúng tôi giải thích thế nào thì những phụ nữ này luôn nghĩ, luôn tin họ đang mang thai, chuẩn bị đến ngày sinh nở. Họ cũng cho biết kinh nguyệt vẫn có đều đặn trong lúc mang thai (?!)”, vị bác sĩ này nói.

Bất thường

Ở góc độ chuyên môn, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, cho biết: “Nói theo dân gian, thời gian mang thai ở người phụ nữ là 9 tháng 10 ngày. Còn tính theo khoa học, thời gian mang thai bình quân là 40 tuần tuổi, trễ tối đa là 42 tuần. Nếu trễ nữa, bánh nhau sẽ bị thoái hóa, không còn dinh dưỡng để nuôi thai nhi. Một số ít trường hợp thai quá ngày, phải can thiệp y khoa để cho thai phụ sanh. Vì để lâu sẽ nguy hiểm cho người mẹ”.

Tương tự, bác sĩ Dương Phương Mai, Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, nói: “Trường hợp thai phụ mang thai đến 42 tuần tuổi là rất ít gặp. Nếu thai già (quá tháng so với tự nhiên), khi ấy bào thai sẽ bị suy dinh dưỡng, thai chết lưu, phải can thiệp, xử trí ngay, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho thai phụ, thậm chí dẫn đến tử vong”.

Cũng theo các bác sĩ, một khi đã thụ thai thì khoảng thời gian sau đó đến lúc sinh nở người phụ nữ không có hành kinh. “Khi có thai thì không có kinh. Là vì, kinh kỳ là do bong tróc của nội mạc tử cung, khi tử cung đã có thai làm tổ, đã chứa em bé, thì không diễn ra kinh kỳ nữa”, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương giải thích. Bác sĩ Dương Phương Mai phân tích thêm: “Chỉ một số rất hiếm thai phụ có ra một ít máu trong 1 - 2 tháng đầu ở thai kỳ, giai đoạn thai mới làm tổ, thai đang bám vào tử cung. Nếu trong lúc có thai mà huyết ra nhiều là phải đi kiểm tra ngay. Bởi đó là dấu hiệu bệnh lý thai kỳ, là bất thường”.   

Thanh Tùng – Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.