Hành trình đến thiên đường ảo - Kỳ 1: Dưới những cánh rừng Calais

25/12/2009 11:37 GMT+7

Câu chuyện kinh hoàng của những người Việt đã lén lút ra nước ngoài tìm kiếm một cơ hội đổi đời nhanh chóng. Nhiều người trong số họ rơi vào những bẫy rập của bọn đầu gấu và bọn buôn người xuyên biên giới. Tường trình nhiều kỳ của Tuổi Trẻ từ rừng Calais trên nước Pháp...

Đó là câu chuyện của những người Việt trên con đường tìm một cuộc “đổi đời” nhanh chóng ở những quốc gia phát triển. Họ đã phải trả giá bằng những bi kịch và thảm cảnh nơi xứ lạ quê người. Tuổi Trẻ đã tìm đến những cánh rừng nước Pháp và những làng quê ở miền Trung VN ghi nhận những hành trình cay đắng trên xứ người.

Những phụ nữ Việt trú ngụ trong rừng Téteghem, miền bắc nước Pháp - Ảnh: Võ Trung Dung

Ở cửa ngõ đường hầm dưới biển Manche, bên phía Pháp, từ Calais hướng sang Douves (Anh) lâu nay vẫn đầy người nhập cư lậu mơ giấc mơ sang Anh. Họ đến từ Afghanistan, Iraq, châu Phi, Trung Quốc...

Ngỡ ngàng ở Calais

Nói một cách công bằng, nhóm nhập cư lậu sống chui nhủi trong các khu rừng lúp xúp ở khu vực này chỉ bắt đầu xuất hiện vào năm 2006 với vài chục người. Đến nay đã trở thành một hiện tượng gây đau đầu cho nước Pháp với hàng trăm người “gia nhập” mỗi tháng. Tháng 9-2009, hơn 1.000 cảnh sát Pháp, với những đơn vị đặc nhiệm, đã bao vây khu tạm cư của người nhập cư lậu tại vùng Calais. Đích thân bộ trưởng nhập cư và bản sắc quốc gia có mặt chỉ huy chiến dịch. Giới truyền thông cũng bổ nhào tới. Vị bộ trưởng không e dè.

Ông bày tỏ công khai mong muốn của chính quyền giải quyết vấn đề rất “nhạy cảm về chính trị” nhưng rất khó khăn trên phương diện nhân đạo. Hàng trăm người nhập cư lậu đã bị cầm giữ, nhiều trung tâm tiếp nhận nhân đạo bị đóng cửa. Chính quyền muốn sớm gạt bỏ mọi mơ mộng của người nhập cư trái phép.

Chiến dịch của cảnh sát Pháp đã phát hiện trong số những người nhập cư lậu có cả người Việt Nam. Trước đây họ vẫn tưởng lầm ấy là người Trung Quốc. Những người Việt nhập cư lậu tạm cư ở hai địa điểm tại Calais là khu Grande Synthe (gần thành phố Dunkerque) và khu Angres cách đó 100km. Thái độ nhã nhặn của người Việt nhập cư mau chóng được cả cư dân địa phương lẫn chính quyền thương cảm và tìm đến giúp đỡ.

Ông Dupret, cảnh sát trưởng ở Téteghem, nói về những người Việt nhập cư lậu: “Họ là những người kín đáo nhất trong số những người nhập cư lậu mà tôi gặp ở đây. Họ nhã nhặn và không gây rối trật tự trị an, chẳng gây ra vấn đề gì cho chúng tôi!”. “Thế sao ông lại bắt giữ họ?” - tôi vờ cật vấn viên chỉ huy cảnh sát.

“Thật tình mà nói về mặt cá nhân thì tôi chẳng có gì để phiền trách họ - ông cò Dupret trả lời - Nhưng tôi đại diện luật pháp và phải áp dụng luật chống nhập cư lậu và nạn buôn người. Trong vụ này có tình trạng buôn người”.

Đến nay có 22 người bị tạm giam trong thời hạn 30 ngày. Một tình cảnh cơ cực đang chờ đón họ: 17 người trong số đó có nguy cơ bị trả về lại Nga, nơi họ đặt chân lên châu u để từ đó đi vào Liên minh châu u. Tôi quyết định tiếp cận những “người rừng” tại vùng Calais. Một máy ảnh, một máy quay phim và hành lý đơn giản, tôi nhanh chóng có mặt ở vùng rừng thưa.

 

Hai người đàn ông này phải tách từng thanh ván đốt để sưởi ấm - Ảnh: Trung Dung

“Đòn phủ đầu” ở Angres

Khu rừng nhỏ Grande Synthe, khu rừng thưa Angres hay ở khu rừng thông Téteghem không khí lạnh, ẩm thấp như nhau. Những con đường đầy bùn. Giữa chốn đó là những chiếc lều tạm. Thấp thoáng những bếp lửa đun bằng thứ gỗ ván của mấy cái thùng xin từ siêu thị. Thấp thoáng những bóng đàn ông và phụ nữ...

“Mày làm gì ở đây? Mày là ai? Tại sao mày lại vào đây chụp ảnh? Đưa máy ảnh đây, không thì tao đập vỡ mặt!”, bất ngờ một gã nhảy ra hét vào mặt tôi bằng thứ tiếng Anh rất chuẩn. Hắn không to con nhưng trông khá hung hăng dù gương mặt che giấu sau cái khăn quàng cổ.

Tôi hiểu khó đối địch nổi khi đứng bên cạnh hắn là hai gã to con cũng che mặt với khăn quàng cổ. Đáng sợ hơn là cả hai lăm lăm trong tay cây sắt dài. Những người Việt đang ngồi nói chuyện với tôi vội cúi mặt xuống. Rõ ràng là tôi không thể trông cậy vào những người đồng hương đang tỏ vẻ sợ hãi.

Tôi đứng bật dậy, chọn cách nhũn nhặn nhưng phải dùng luật ra để che giấu nỗi lo sợ đang xâm chiếm trong lòng. “Hay nhỉ, ông là ai mà lại có quyền nói tôi được làm gì hay không làm gì”. Tên bé con dịch lại câu đáp trả của tôi cho hai tên côn đồ to con đứng cạnh. Chúng nói tiếng Nga xen lẫn vài tiếng Ả Rập. Hóa ra chúng là người Chechnya.

Tên nhỏ con quay lại hù dọa: “Tao là cảnh sát. Tao bắt mày!”. Tôi hiểu ngay chúng chưa dám manh động nên tiếp tục dùng luật pháp: “Tôi là nhà báo. Tôi quen hết cảnh sát vùng này. Họ không xa đây đâu. Nếu ông muốn gặp cảnh sát thứ thiệt thì tôi chỉ gọi 5 phút là họ tới ngay!”. Tên nhỏ con dịch lại cho đồng bọn.

Tôi đoán thấy vẻ do dự của chúng. Cách đối đầu cứng rắn của tôi có vẻ hiệu quả. Vốn quen kiểu dùng sức bắt nạt người khác nên khi thấy tôi đối mặt bằng lý lẽ thì chúng nói càn. “Cảnh sát hay không thì cũng vậy. Đây là lãnh thổ của tụi tao. Tụi tao muốn làm gì thì làm. Tụi tao làm luật riêng, luật Hồi giáo. Mày cút khỏi đây ngay, không thì mất mạng” - tên nhỏ con giở giọng đe dọa trở lại nhưng không còn cứng rắn như lúc đầu.

Tôi hiểu đã đến lúc tung ra đòn quyết định: “Tôi biết các ông đến từ đâu. Grozny phải không? Tôi biết đất nước các ông. Nhưng đây là đất Pháp. Tôi là người Pháp và tôi có quyền đi đâu thì tùy. Tôi không chụp hình các ông nên các ông chẳng dính dáng gì với tôi cả. Đi hay ở lại đây là chuyện của tôi”. Quả là lập luận có hiệu quả khi hai tên to con nghe dịch lại xong thì chúng quyết định rút đi, không nói thêm câu nào nữa.

Những cuộc đụng độ với bọn đầu gấu trong khu rừng hoang này xảy ra đến bốn lần như vậy trong năm ngày tôi đi tìm gặp người Việt sống tại đây. Thường thì những đồng bào người Việt đều cắt cử người đứng canh quanh khu lều trại của mình, và cảnh báo cho tôi khi thấy bọn đầu gấu tìm đến.

Họ chỉ cho tôi lối thoát, nhưng cũng có những lần tôi phải chạy thục mạng vì bọn đầu gấu phát hiện và truy đuổi. Thông thường bọn đầu gấu đến thu tiền “phí cư ngụ” của người Việt vào khoảng 14g. Chúng đòi 5-10 USD mỗi người, tùy theo ngày. Chúng đến cũng để tìm xem có người mới hay không, nhất là phụ nữ. Và cũng để tìm xem có ai muốn lên xe tải ra đi vào tối hôm đó hay không...

Võ Trung Dung/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.