Nghề giữa lưng trời

21/12/2009 11:32 GMT+7

Leo dừa là nghề khá phổ biến của nhiều người ở ĐBSCL, nhất là tại xứ dừa Bến Tre. Hầu như những người trẻ tuổi ở nông thôn đều có thể leo dừa, song để trở thành thợ chuyên nghiệp lại không hề đơn giản.

Có lẽ vì vậy mà khi đi tìm người hành nghề leo dừa thuê ở ĐBSCL, tôi chỉ gặp toàn những người đã trên dưới 50 tuổi. Dù không còn sung sức như thời thanh niên nhưng họ luôn được các chủ vườn tin cậy khi cần người hái dừa.

Mỗi ngày chinh phục 165 cây dừa

Ông Đặng Ngọc Gương (Hai Gương), ngụ tại ấp Hòa Thanh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành - Bến Tre, bảo rằng để trở thành thợ leo dừa chuyên nghiệp cần phải khổ luyện. Song, không phải ai khổ luyện cũng có thể trở thành thợ leo dừa được.

Ông Hai Gương bộc bạch: “Như tôi, từ 10 tuổi đã hay trốn mẹ đi leo dừa chỉ vì thích leo trèo. Việc đó đối với tôi đơn giản như đi bộ trên đường vậy. Hồi còn sung sức, tôi leo một mạch 165 cây dừa mỗi ngày mà vẫn không thấy mệt. Có khi trèo đến hơn 100 cây rồi mà tôi vẫn cứ nói chuyện vọng xuống với người dưới đất bình thường”.

Như để khẳng định điều vừa nói, ông Hai Gương ngó lên ngọn dừa cao chót vót gần 20 m, giắt cây câu liêm bên hông, xỏ hai chân vào cái nài bện bằng dây chuối rồi leo lên thoăn thoắt. Tôi chỉ kịp bấm xong một kiểu ảnh thì đã thấy ông ngồi vắt vẻo trên ngọn dừa.

Lễ hội Dừa lần thứ hai sẽ diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 15 đến 21-1-2010, tại Bến Tre, gồm các nội dung: Hội chợ triển lãm các sản phẩm từ dừa, hội thi thời trang dừa, hội thi ẩm thực xứ dừa...

Hái trái dừa tươi xuống mời khách, ông Hai Gương cười khề khà, một lần nữa thổ lộ: “Tôi rất thích leo dừa”. Trong lúc trò chuyện, ông luôn lặp đi lặp lại câu ấy cả chục lần như muốn khẳng định đó là công việc yêu thích chứ không phải cái nghề để nuôi thân. Nếu biết được điều kiện kinh tế của gia đình ông, ai cũng có thể thấy được điều đó.

“Nhiều lần, những người quen thấy tôi vác đồ nghề đi hái dừa thuê, họ vờ ngó đi chỗ khác vì sợ tôi mắc cỡ, song họ đã lầm vì tôi rất tự hào về cái nghề của mình” – ông Hai Gương tâm sự.

Nhiều người trong xóm thắc mắc không hiểu vì sao nhà ông Hai Gương cũng thuộc loại khá giả, các con đã có nghề nghiệp ổn định tại TPHCM, vậy mà ông cứ còng lưng đi hái dừa thuê kiếm tiền cho cực thân. Khi ấy, ông chỉ cười và đáp lại một câu quen thuộc: “Tôi rất thích leo dừa”.

Ông Hai Gương biểu diễn tài nghệ leo dừa ở tuổi 56
Ông Hai Gương biểu diễn tài nghệ leo dừa ở tuổi 56

Có người hỏi ông trong đời đã leo được bao nhiêu cây dừa, ông vui vẻ: “Tôi leo hơn 1 tỉ cây và kiếm được cỡ nửa tỉ đồng”.

Ông Hai Gương là người rất vui tính. Nếu không có việc gì, ông có thể ngồi chuyện trò với khách cả ngày không chán như chính cái nghề leo trèo của ông vậy. Năm nay ông đã 56 tuổi và có tới 34 năm leo dừa thuê. Với cỡ tuổi này, những người làm việc dưới đất đã tính đến chuyện nghỉ ngơi nhưng ông vẫn còn rất hăng với công việc chót vót giữa lưng trời của mình.

Các con ông rất lo ngại cho sức khỏe của cha nên khuyên ngăn và thuyết phục ông lên TPHCM sinh sống, song ông nhất định không chịu. Ông bảo mình còn rất khỏe, rất thích leo dừa và nhờ công việc này nên giờ ông vẫn mạnh như thanh niên trai tráng.

Ông Hai Gương sống một mình trong ngôi nhà xây khá rộng, hằng ngày vẫn lặng lẽ tham gia công tác từ thiện ở địa phương và... leo dừa thuê. Vài năm trước, vợ ông đã lên TPHCM sống với người con trai lớn.

Nuôi cả chồng, con

Ông Hai Gương là người hiếm hoi có điều kiện kinh tế khá giả nhưng vẫn đi leo dừa thuê, còn những người làm nghề này mà tôi gặp đều có cuộc sống khó nghèo.

Ngôi nhà lá tả tơi nằm sâu hút trong xứ vườn ở ấp Bờ Xe, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành - Tiền Giang là cơ ngơi gia đình 3 thế hệ của bà Nguyễn Thị Mười Hai, 47 tuổi, một phụ nữ leo dừa chuyên nghiệp với hơn 20 năm trong nghề.

Bà Mười Hai được rất nhiều người thuê hái dừa và vẫn thường qua lại xứ dừa Bến Tre để hành nghề. Ngồi tiếp chuyện tôi chưa được bao lâu, bà lại vội vã xách đồ nghề đi hái dừa cho người cùng xóm vì đã có hẹn trước.

Tôi theo chân bà Mười Hai và ái ngại nhìn những thân dừa cao gần 20 m, khẳng khiu đong đưa trước gió. Tuy nhiên, tôi lập tức yên tâm khi thấy nét mặt đầy tự tin của bà nhìn lên đọt dừa.

Vẫn như động tác chuẩn bị của những người leo dừa chuyên nghiệp mà tôi từng gặp - giắt lưỡi câu liêm bên hông, xỏ đôi chân vào cái nài bện bằng dây dù- chưa đầy 15 giây, bà Mười Hai đã chạm tay vào trái dừa.

Lấy dây buộc chặt vào buồng dừa, bà rút lưỡi câu liêm cắt ngang rồi  thong thả hạ xuống đất. Khi người bên dưới vừa đón nhận xong buồng dừa thì bà Mười Hai cũng đã xuống tới đất, chuẩn bị trèo lên cây khác.

Hồi năm 12 tuổi, bà Mười Hai phải nghỉ học vì nhà quá nghèo. Thấy thanh niên trong xóm đi hái dừa thuê kiếm được tiền, mỗi ngày bà lén mẹ ra vườn dừa tập leo. Sau 3 năm khổ luyện, bà trở thành thợ hái dừa chuyên nghiệp.

“Hồi đầu thấy con gái leo dừa kỳ cục quá nên mẹ tôi thường la rầy. Tuy nhiên, vì nhà nghèo quá, không có tiền đong gạo nên bà cũng làm ngơ cho con gái đi leo dừa kiếm sống” - bà Mười Hai tâm sự.

Năm 1984, bà Mười Hai lấy chồng. Ngày ngày, vợ chồng bà thay nhau làm thuê, làm mướn đủ nghề nhưng vẫn không đủ sống. Thế là bà xin chồng trở lại nghề leo dừa thuê. “Năm 1986, chồng tôi đi Bến Tre làm thuê, tôi ở nhà mang thai đứa con gái lớn gần 6 tháng vẫn đi leo dừa. Nhiều chủ vườn thấy tôi mang bụng bầu nên ngại, không dám thuê. Trong lúc họ do dự, tôi đã leo tuốt lên ngọn dừa. Thế là họ đành phải để cho tôi làm” - bà Mười Hai nhớ lại.

Đến giờ, bà Mười Hai vẫn đều đặn đi leo dừa thuê và chưa hề tính chuyện “nghỉ hưu”. “Tôi sẽ còn leo dừa cho tới khi nào kiếm đủ tiền cất lại ngôi nhà tươm tất hơn, có thể là 12, 13 năm nữa” – giọng bà chắc nịch.

Theo Phùng Duy Nhân / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.