Chuyện lạ kỳ về người 23 năm bị hôn mê

16/12/2009 15:37 GMT+7

(TNTS) Từ năm 1983 đến năm 2006, các bác sĩ đã tin rằng công dân người Bỉ - Rom Houben, hoàn toàn bị hôn mê sâu, mất khả năng giao tiếp với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, sau đó người ta biết được rằng trong suốt 23 năm qua, bệnh nhân này lại ở trong tình trạng hồi tỉnh.

Nỗi tuyệt vọng khủng khiếp

Vào cuối tháng 11 vừa qua, báo Daily Mail, Anh đăng tải thông tin về công dân Bỉ, Rom Houben – người đàn ông hôn mê nhưng trí não vẫn hoạt động bình thường. Theo báo này, sau 23 năm bị tách khỏi thế giới bên ngoài, Rom Houben cuối cùng cũng bắt đầu học cách giao tiếp, cho dù vẫn trong tình trạng bị bại liệt.    

Trong suốt 23 năm qua các bác sĩ chẩn đoán Rom Houben bị hôn mê sâu. Đây được coi là một trong những kỷ lục của các bệnh nhân hôn mê và hầu như mọi người đều tuyệt vọng khi nghĩ đến một lúc nào đó ông sẽ thức tỉnh lại. Nhưng mới đây, các bác sĩ và cả người thân của Rom Houben đều hết sức ngạc nhiên khi nhận ra trong suốt 23 năm qua, người đàn ông này dù bại liệt, nhưng lại luôn ở trong trạng thái có ý thức!

Rom Houben được đưa đến bệnh viện vào năm 1983. Vào thời điểm đó, ông còn là chàng trai 20 tuổi, bị tai nạn giao thông nghiêm trọng và các bác sĩ chẩn đoán bị hôn mê sâu, không thể chữa trị được. Người ta đã dùng các thiết bị y tế, kể cả các máy móc hiện đại nối vào cơ thể của Rom Houben để duy trì sự sống cho ông. Và quan trọng hơn, các bác sĩ không hề có ý nghĩ sẽ tìm cách chữa trị, giúp Rom Houben vượt qua căn bệnh này. 

 

Tom Houben năm 20 tuổi, trước khi bị tai nạn - Ảnh: AFP

Tuy nhiên số phận đã không bỏ rơi Rom Houben. Vào năm 2006, nhờ có thiết bị y học mới mà các bác sĩ biết được rằng, não bộ của người đàn ông này hoàn toàn bình thường và có thể hoạt động gần như 100%. Hóa ra, trong suốt 23 năm qua, dù bị bại liệt nhưng Rom Houben lại vẫn nghe, nhìn và hiểu được những gì diễn ra xung quanh mình.

- Tôi la hét, nhưng đã không có ai nghe tôi - Rom Houben nhớ lại, sau khi đã học cách tiếp xúc với thế giới bên ngoài bằng phương tiện trung gian là bàn phím đặc biệt được nối với máy vi tính.

Theo lời của người bệnh này, ông vẫn còn rất nhớ thời điểm mình đã tỉnh lại trong bệnh viện như thế nào. Rom Houben cho biết, khi tỉnh lại và biết rằng mình không thể đi lại, thậm chí không thể cử động ông đã vô cùng hoảng sợ. Nhưng điều đáng sợ nhất là ông không thể nào đưa ra tín hiệu báo cho các bác sĩ biết rằng, mình hoàn toàn có thể tiếp nhận và hiểu được các thông tin bên ngoài.

Trong ngần ấy năm trời nằm trên giường bệnh, Rom Houben luôn cố gắng để những người xung quanh nhận biết mình là người tỉnh táo, nhưng tất cả các nỗ lực ấy đều không đạt kết quả. Có thể hiểu được tâm trạng tuyệt vọng của người đàn ông này khi biết mình hoàn toàn bất lực và đã mất đi hy vọng một ngày nào đó sẽ được giao tiếp với mọi người. Tất cả giống như một giấc mơ cay đắng.

Lần thứ hai sinh ra

Các cấp độ của hôn mê

Hôn mê là tình trạng mà các bác sĩ xác định người bệnh mất phản xạ, không còn hay biết gì, còn các chức năng cơ bản của các cơ quan trong cơ thể vẫn hoạt động để duy trì sự sống cho người đó. Căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của hôn mê mà ngành y xác định, phân chia 3 mức độ như sau: Hôn mê nhẹ là trạng thái người bệnh chỉ lơ mơ, gọi có thể biết, cấu véo biết đau và phản ứng lại, nhưng trả lời các câu hỏi không được chính xác; Hôn mê vừa: không thể tiếp xúc được với những người bệnh khi gọi người bệnh không biết, cấu véo không còn phản ứng hoặc phản ứng lại rất ít nhưng vẫn còn phản xạ nuốt và phản xạ giác mạc; Hôn mê sâu: giống hôn mê vừa nhưng tình trạng nặng hơn, mất phản xạ nuốt và phản xạ giác mạc. Dù vậy, một số người thân của những người bệnh bị hôn mê sâu vẫn tin rằng, trong khi bị hôn mê, họ vẫn tiếp tục nghe, hiểu người thân và phản ứng có ý thức ở một cấp độ nào đó. Song, từ quan điểm khoa học, các chuyên gia của ngành y cho rằng điều này là không thể. Bởi với người bị bệnh hôn mê sâu thì não bộ không thể tiếp nhận và phân tích các thông tin nên không thể có phản ứng dù ở cấp độ này hay cấp độ khác.

Vị cứu tinh của Rom Houben là bác sĩ Steven Laureys, giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học tổng hợp Liege, Bỉ. Mẹ của Rom Houben là bà Fina Houben đã đến và thỉnh cầu Laureys chữa bệnh cho con mình. Fina Houben khẳng định, bà tin rằng, con trai mình có thể nghe và hiểu được bà trong suốt 23 năm qua và đề nghị Steven Laureys khám cho Rom Houben. Là một trong những chuyên gia hàng đầu về thần kinh học của Bỉ, sau khi nghe câu chuyện, Steven Laureys đồng ý khám cho Rom Houben. Sau lần khám thứ nhất, vị bác sĩ nghi ngờ về sự chẩn đoán trước đây của bệnh viện, nên ông đề nghị kiểm tra sự hoạt động của não bằng một thiết bị y tế đặc biệt.

“Tôi không bao giờ quên, ngày mà các bác sĩ phát hiện ra tôi vẫn là người có ý thức. Đây là lần sinh ra thứ hai của tôi” - Hãng BBC dẫn lại lời của Rom Houben. Theo lời bác sĩ Steven Laureys, kết quả như nêu trên đối với ông hoàn toàn không có gì bất ngờ. Ông nói: Hầu như 40% những người bệnh hôn mê, trên thực tế vẫn ở trong tình trạng có ý thức toàn phần, hay một phần.  

Nhận định của Steven Laureys là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, trong nhiều năm qua, có một số người bệnh bị hôn mê, tưởng như vô phương chữa trị, nhưng bằng một phép mầu nhiệm nào đó họ đã trở lại với cuộc sống bình thường. Trường hợp mới đây nhất là vào tháng 5.2009, cô bé Layla Towsey, 3 tuổi, bị hôn mê sâu do nhồi máu cơ tim và viêm màng não phải cấp cứu vào một bệnh viện ở London, Anh. Các bác sĩ buộc phải nối các máy chuyên dụng để duy trì sự sống cho Layla. Còn người thân của cô bé đã nghĩ đến khả năng xấu nhất. Tuy nhiên sau đó Layla lại hồi tỉnh. Katy, 23 tuổi, mẹ của cô bé kể lại với các phóng viên rằng, vào ngày chủ nhật cô ngồi cạnh giường của con gái và nghe thấy Layla hát khe khẽ bài Mamma Mia của ban nhạc lừng danh ABBA. “Tôi lập tức hiểu ngay rằng, mọi chuyện sẽ trở lại bình thường với Layla”, Katy nói. Quả thực, hiện Layla hầu như đã hồi phục hoàn toàn.

Trường hợp của Rom Houben có thể sẽ buộc những người có quan điểm ủng hộ “cái chết êm ái” sẽ phải nghĩ lại. Bởi những người bệnh bị cho là “sống thực vật” khi bị sử dụng “cái chết êm ái” dù biết được chuyện nhưng lại không thể chống lại. Hiện trên toàn thế giới có 4 nơi mà luật pháp cho phép các bác sĩ và người nhà của bệnh nhân sử dụng “cái chết êm ái”: Hà Lan (từ tháng 4.2002); Bỉ (từ tháng 9.2002); bang Oregon (Mỹ, từ 1997) và Luxembourg (từ tháng 2.2008). Cho dù không có luật, nhưng Mexico là nước mà “cái chết êm ái” được áp dụng khá phổ biến. Tại đây, loại thuốc Nambutal dùng cho “cái chết êm ái” được bày bán tự do.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.