“Nước tinh khiết” bẩn vào trường học

03/12/2009 23:50 GMT+7

Trong lúc chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nước tinh khiết nhãn hiệu Pavia vẫn sản xuất, cung cấp ra thị trường, trong đó có rất nhiều trường học sử dụng. Mời nghe đọc bài

Thời gian gần đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện nhiều sản phẩm “nước tinh khiết” được sản xuất trong điều kiện không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) bày bán trên thị trường. Nước “dỏm” được cung cấp từ nhiều nguồn, trong đó cả từ những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô, hoạt động ì xèo ngày đêm mà chính quyền địa phương không hề biết (?!).

Nước không bảo đảm vệ sinh vào trường học

Điển hình là Công ty TNHH Gia Huy (ở số 479/2D Tân Hòa Đông, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM), trong lúc chưa được cơ quan chức năng cấp phép vẫn sản xuất, cung cấp nước (nhãn hiệu nước Pavia) ra thị trường, trong đó có rất nhiều trường học sử dụng, bán ở các cửa hàng trước cổng bệnh viện...

Chúng tôi đến Công ty Gia Huy vào cuối tháng 10, thời điểm mà theo Sở Y tế TP.HCM, công ty này đang phải dừng hoạt động do chưa được cấp đầy đủ các giấy phép cần thiết. Thế nhưng nơi đây vẫn tổ chức sản xuất, mua bán, cung cấp “nước tinh khiết” ì xèo. Trong vai người muốn mở đại lý bán “nước tinh khiết”, chúng tôi được đại diện của Gia Huy giới thiệu: khoảng 50 - 60% trong số gần 3.000 bình nước (loại bình 20 lít) cơ sở sản xuất mỗi ngày được bán vào các trường học. Để kiểm chứng những gì công ty này tiếp thị, chúng tôi tìm hiểu và thấy đúng là nước Pavia có mặt tại nhiều trường học ở Q.1, Q.3, Q.11...

Trao đổi với chúng tôi, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.11 cho biết: mỗi tháng trường mua 300 - 400 bình nước Pavia loại 20 lít, giá 14.000 đồng/bình. Khi chúng tôi đề nghị được xem giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP của nhãn hiệu nước trên thì nhà trường không có. Điều này cho thấy chính các trường học mua nước cho học sinh uống cũng dễ dãi, không đòi hỏi cơ sở cung cấp nước phải chứng minh sản phẩm đảm bảo ATVSTP...

Ngoài việc chưa được cấp phép sản xuất, một cán bộ Thanh tra Sở Y tế sau khi xem đoạn hình ảnh PV ghi lại quy trình sản xuất của Công ty Gia Huy (vỏ bình đựng nước quăng lăn lóc ngoài trời; nhân viên sản xuất, vô nước không được trang bị đồ bảo hộ đảm bảo vệ sinh...), đã khẳng định “khâu vô nước như thế là không đảm bảo vệ sinh...”.

Mãi cho đến hôm qua, 3.12, khi chúng tôi kiểm tra lại một lần nữa từ phía Sở Y tế TP.HCM thì được biết, Công ty Gia Huy mới vừa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, tuy nhiên hồ sơ công bố sản phẩm vẫn còn đang chờ Sở Y tế duyệt. Theo một cán bộ phụ trách về VSATTP của Sở, khi mọi thủ tục chưa hoàn tất thì về nguyên tắc, công ty vẫn chưa được phép sản xuất, kinh doanh, lưu hành sản phẩm.

Phá niêm phong, tẩu tán nước bẩn

Ông Nguyễn Văn Tâm - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế Phú Yên) cho biết, việc công bố nhãn hiệu nước đóng chai, nước tinh khiết có mẫu nhiễm trực khuẩn mủ xanh là cần thiết để người tiêu dùng lựa chọn, đó là các nhãn hiệu OPY, Kimberly, Baron, Pita và Dywa.

Ngoài việc sản xuất khi chưa đủ điều kiện, không đảm bảo ATVSTP như trên, thời gian qua còn xuất hiện tình trạng cơ sở bị thanh kiểm tra, bị phát hiện nước thành phẩm không đảm bảo vệ sinh, buộc phải tạm dừng sản xuất, niêm phong sản phẩm... nhưng khi đoàn thanh tra đi rồi thì cơ sở tháo niêm phong, tuồn nước đem đi bán, tiếp tục sản xuất như không có gì...

Từ đầu năm 2009 đến nay, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã chuyển 5 vụ việc vi phạm nghiêm trọng về ATVSTP qua cơ quan điều tra để xử lý hình sự, trong đó có 2 vụ về nước uống đóng chai. Cụ thể, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm cho thấy sản phẩm nước hiệu Golf của Công ty sản xuất thương mại Tân Tấn Đức (P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM) bị nhiễm vi khuẩn, nhiễm trực trùng mủ xanh Pseudomonas aeruginosa (loại vi trùng có thể gây nhiễm trùng hệ hô hấp, nhiễm trùng huyết), sản xuất nước trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Thanh tra đã tạm đình chỉ hoạt động sản xuất nước của doanh nghiệp, niêm phong sản phẩm nhiễm khuẩn chờ xử lý. Thế nhưng, trong thời gian bị tạm đình chỉ, nơi đây vẫn tiếp tục sản xuất nước, thậm chí còn phá bỏ niêm phong để tẩu tán nước “bẩn” ra thị trường...

Tương tự là trường hợp của Công ty Kê Ba (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM). Sau khi phát hiện nước nhãn hiệu Ê Ba của doanh nghiệp này sản xuất - kinh doanh nhiễm vi sinh, thanh tra niêm phong lô hàng chờ xử lý, thì doanh nghiệp tự ý phá bỏ niêm phong, tẩu tán nước đóng chai không đảm bảo vệ sinh...

Thanh tra nửa vời, dân uống nước nhiễm khuẩn

Như Thanh Niên đã đưa tin, trong tháng 10.2009, đoàn thanh tra liên ngành Phú Yên do ông Trần Văn Nho, Chánh thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN), làm trưởng đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước tinh khiết thì phát hiện 5/6 mẫu nước có trực khuẩn mủ xanh. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Thanh tra Sở KH-CN Phú Yên xử phạt mỗi đơn vị vi phạm 6,5 triệu đồng, buộc thu hồi, tiêu hủy lô hàng không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Thế nhưng, làm việc với PV Thanh Niên sáng 1.12, ông Trần Văn Nho cho biết: “Đến nay chỉ mới có 1 đơn vị thu hồi, tiêu hủy và có báo cáo giải trình về kết quả xử lý cho thanh tra. Mặc dù chúng tôi đã liên tục điện thoại nhắc nhở những đơn vị còn lại thu hồi, tiêu hủy nhưng họ chưa có báo cáo về kết quả xử lý theo quyết định xử phạt hành chính. Một số lô hàng nhiễm trực khuẩn mủ xanh đã được tiêu thụ trên thị trường nên họ không thể thu hồi để tiêu hủy”.

Về nguyên tắc, khi yêu cầu doanh nghiệp thu hồi, tiêu hủy sản phẩm, nhất là với nước uống, thực phẩm “bẩn”... thì cơ quan chức năng phải tiến hành giám sát, lập hội đồng tiêu hủy... Thế nhưng, theo lời ông Trần Văn Nho: “Khi xử lý tiêu hủy, họ (công ty - PV) có gọi điện nhưng do lực lượng mỏng nên không thể nào đến chứng kiến được (?!)”. Hậu quả của cách làm của Thanh tra Sở KH-CN Phú Yên là đã có không biết bao nhiêu người tiêu dùng phải bỏ tiền ra mua những sản phẩm mang mầm bệnh.

Không chỉ xử lý nửa vời, dư luận còn thắc mắc vì sao Thanh tra Sở KH-CN Phú Yên không công bố công khai những đơn vị sản xuất, lô hàng nước “bẩn” để người tiêu dùng biết. Ông Đào Tứ Xuyên, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên, biện minh: “Các cơ sở này chỉ mới vi phạm lần đầu nên theo quy định thì thu hồi và tiêu hủy lô hàng đó, còn việc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thì phải thận trọng. Nếu sau 6-10 ngày kể từ ngày kiểm tra đợt đầu, đoàn lấy mẫu lại mà vẫn tiếp tục vi phạm thì mới công bố”.

Đức Huy

Nhóm PV Xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.