Khoa ơi!

03/12/2009 10:13 GMT+7

Tôi đã biết trước hàng tháng trời nay: rồi Đặng Ngọc Khoa sẽ ra đi, xa bè bạn, anh em. Và mới cách đây 4 ngày, tôi ra Đà Nẵng thăm Khoa tại Bệnh viện Hoàn Mỹ. Khoa cười và chìa tay cho tôi: Anh nắm chặt tay em một cái để truyền sức sống vào cho em. >> Tiễn Đặng Ngọc Khoa Mời nghe đọc bài

Tôi nắm tay Khoa và biết đây sẽ là lần cuối cùng đối với Khoa.

Từ khi tờ báo Thanh Niên ra đời đến nay, mới đó mà đã gần tròn 24 năm, thời gian đủ cho một người tuổi 20 thành tuổi 40, đủ cho một người tuổi 30 trở thành tuổi 50...

Lúc ấy tất cả chúng tôi đều trẻ. Trẻ từ nhiệt huyết đến tấm lòng và luôn khát khao vươn lên trở thành những người làm báo đầy lý tưởng. Chúng tôi không biết sợ gian khổ đối với những gì mà chúng tôi tin là mình đã làm được, đã làm một cách hết lòng cho đất nước, cho giới trẻ và phục vụ người đọc.

Vụ Nguyễn Mạnh Huy đã góp vào một tiếng nói chung cho sự nghiệp giáo dục, phát pháo đầu tiên từ chuyện đi học của Huy ở tận Nghĩa Bình, quan điểm của báo, rằng tất cả những người trẻ tuổi trưởng thành sau ngày Việt Nam thống nhất đều có cơ hội và quyền được vào đại học như nhau, bất kỳ lịch sử của gia đình họ như thế nào trong quá khứ chiến tranh.

Những ngày đầu tiên làm Báo Thanh Niên sôi nổi vẫn còn như ở trước mặt, những phong trào thanh niên sôi nổi luôn có mặt trên trang báo trong mấy chục năm qua.

Nhớ khi Thanh Niên mới ra đời, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh viết thư đến tòa soạn nhắc nhở: "Nên thêm các bài báo, phóng sự cụ thể sâu sát thực tế, ủng hộ cái mới tiến bộ, đả phá cái cũ trì trệ, lôi kéo sự chú ý và suy nghĩ hành động của thanh niên tới vấn đề này".

Những lời căn dặn tương tự như vậy, chúng tôi còn nhớ như in, như mới ngày hôm qua đây thôi.

Những ngày đó có rất nhiều anh em trẻ mà hôm nay có người tuổi đã trên 40, trên 50 và cả trên 60 nữa. Và nhiều người đã không còn ở Báo Thanh Niên nữa như

Thái Ngọc San, Thế Vũ, như Hồ Ngọc Thành, như Nhã Bình và hôm nay là Đặng Ngọc Khoa.

Đặng Ngọc Khoa là một nhà báo tận tụy với nghề, một nhà báo đúng nghĩa, thông minh và tìm tòi. Anh luôn đi đến tận cùng đối với bất cứ tin tức, vấn đề mới nào mà anh phát hiện được, dù đó chỉ là một mẩu tin về voi rừng, thời tiết hay về một nhân tài người Việt Nam mới xuất hiện ở đâu đó trong nước hay ở nước ngoài. Anh đau đáu trước những tin tức thời sự về tình hình đất nước, cả niềm vui lẫn những nỗi lo.

Tôi biết nhiều anh chị em Báo Thanh Niên đều chia sẻ những tâm huyết nghề nghiệp như Khoa, nên mới cùng nhau tạo được một thương hiệu Thanh Niên mà bạn đọc yêu mến cho đến tận ngày hôm nay, dù cuộc đời biết bao vật đổi sao dời.

Tôi nhớ một chi tiết về anh và lớp người như anh trưởng thành từ đô thị miền Nam và sau đó lên chiến khu. Sau khi phong trào SVHS các đô thị miền Nam bị đàn áp mạnh vào năm 1972, lớp chúng tôi bị ném vào tù và ra bưng biền gần hết.

Những Đặng Ngọc Khoa, Nguyễn Khoa Chiến, Huỳnh Kim Sánh, Mai Đức Lộc,... sau đó cũng bị lộ và lên chiến khu. Khi Khoa lên chiến khu, tổ chức hỏi (có lẽ người hỏi nói giọng Bắc): anh muốn tham gia lĩnh vực nào, anh nói anh có khiếu văn công, người nghe tưởng anh có nguyện vọng vào lính "đặc công", thế là anh được đưa vào đơn vị đặc công. Khi chuẩn bị giải phóng Đà Nẵng, đơn vị định đưa anh xuống đánh vào Đà Nẵng lại phát hiện lý lịch anh có cha làm liên gia trưởng phụ trách văn hóa của chế độ cũ, lại để anh ở lại tuyến sau. Anh vui vẻ nhận việc trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh và rất lạc quan - ngay trong cả những ngày gần đây nhất khi anh biết rằng mình sẽ chết vì căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối hiểm nghèo này...

Chia tay nhé Khoa, xin bắt tay Khoa một lần nữa để truyền một thứ sức sống mãnh liệt cho nhau, để cùng dắt tay nhau đi qua những thăng trầm của cuộc sống này. Người chết nối linh thiêng vào đời... phải không Khoa?

Nguyễn Công Khế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.