Vì sao sổ liên lạc điện tử chưa phổ biến?

03/12/2009 11:43 GMT+7

Nhờ có sổ liên lạc điện tử, ngày nào cũng vậy, cứ vào giờ tan trường phụ huynh nhận được tin nhắn thông báo từ nhà trường qua tổng đài về tình hình của con mình trong thời gian ở trường. >> Thêm cầu nối giữa nhà trường và gia đình

Chị Lê (khu đô thị Mỹ Đình I, Hà Nội) cho biết: từ khi trường học của con chị (trường tiểu học Dịch Vọng A) áp dụng dịch vụ sổ liên lạc điện tử chị đỡ phải gọi điện cho cô mỗi ngày để hỏi về tình hình học tập và sinh hoạt của con tại trường. Hơn nữa, khi nhà trường có những thông báo đột xuất thì gia đình cũng nắm thông tin kịp thời. Ví dụ, “ngày mai các con được nghỉ học vì trường có hội nghị công nhân viên chức” hoặc “hôm nay phụ huynh cho con nghỉ ở nhà vì trời rét dưới 10oC...”. Đặc biệt, khi các cháu ở trường xảy ra ốm đau bất thường hoặc nghỉ học không rõ lý do thì nhà trường thông qua sổ liên lạc điện tử cũng kịp thời thông tin đến phụ huynh để phối hợp giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du, trường học đầu tiên của Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội áp dụng hình thức sổ liên lạc điện tử cho biết: bắt đầu từ năm học này, trên cơ sở đồng thuận của đa số phụ huynh, nhà trường đã phối hợp với một công ty tin học có uy tín để thực hiện dịch vụ sổ liên lạc điện tử. Công ty này có trách nhiệm trang bị máy tính và cử nhân viên của mình đến trực tại trường từ đầu đến cuối giờ học để cập nhật thông tin mà nhà trường cung cấp và gửi đến từng phụ huynh. Bà Tuyết cho hay: thông tin cung cấp đến phụ huynh được tổng hợp từ các nguồn: cán bộ lớp; giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn, các tổ chức, đoàn thể, tổng giám thị... của nhà trường. Những thông tin liên lạc này bao gồm: học tập, sức khỏe, khen thưởng, kỷ luật...

Bà Cao Thị Hồng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mai Dịch (Cầu Giấy) chia sẻ: Trường Tiểu học Mai Dịch đã thực hiện phương thức liên lạc điện tử 2 năm nay. Phụ huynh được cung cấp đầy đủ, thường xuyên về ý thức học tập, điểm số, việc ăn ngủ của học sinh.

Tiện ích của sổ liên lạc điện tử là không thể phủ nhận, tuy nhiên, do chưa có một phần mềm thống nhất, các trường sử dụng mô hình sổ liên lạc điện tử đều trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh học sinh để thuê một công ty tin học thực hiện nên không phải trường hợp nào khi đi vào “vận hành” cũng thuận lợi.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thái Thịnh cho biết, nhà trường đã phải dừng hình thức này sau một thời gian áp dụng, do không có cán bộ chuyên trách để cập nhật thông tin. "Chúng tôi chỉ cung cấp dữ liệu cho công ty cung cấp dịch vụ, họ xử lý, cập nhật. Có nhiều lần, người cập nhật sổ liên lạc chỉ dựa vào thông tin cũ để cập nhật khiến nhiều vấn đề liên quan đến việc học tập, giáo dục học sinh không được chuyển đến phụ huynh kịp thời nên họ khiếu nại", ông Bình nói.

Việc sử dụng sổ liên lạc điện tử cũng đồng nghĩa với việc các trường phải thu phí từ phía phụ huynh. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên thì ngoài trường THCS Nguyễn Du hiện thu mức phí là 35.000 đồng/học sinh/tháng thì hầu hết các trường khác đều thu mức phí là 50.000 đồng. Một bộ phận phụ huynh không có nhu cầu sử dụng dịch vụ này và cho rằng không có khả năng đóng góp.

Ông Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cát Linh cũng cho biết: Chúng tôi thử nghiệm được một tháng với hơn 300 phụ huynh tự nguyện đăng ký sử dụng sổ liên lạc điện tử. Nhưng được vài tháng phải ngừng vì có ý kiến lo ngại việc “loạn thu” trong trường học.

Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay: Mặc dù biết rõ lợi thế của việc dùng sổ liên lạc điện tử, nhưng Sở chưa có văn bản nào yêu cầu các trường phải áp dụng hình thức này mà chỉ nhắc nhở các trường, nếu sử dụng phải trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh học sinh và phải cân nhắc, tránh việc các công ty lợi dụng việc này để kinh doanh trong khi hiệu quả của việc phối hợp giáo dục không được như mong muốn.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.