Chưa phân cấp cho bộ trưởng thành lập trường đại học

25/11/2009 10:26 GMT+7

(TNO) Với 62,07% tán thành, sáng 25.11, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Ủy ban Thường vụ QH cho biết, với những gì đã được sửa đổi, bổ sung, luật đã tập trung giải quyết được ở mức độ nhất định một số vấn đề bức xúc hiện nay như quy định việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư có hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng, đặc biệt ở vùng miền núi và các vùng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn.

Luật cũng bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn về việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, phải bảo đảm có đủ giáo trình giảng dạy, học tập; bổ sung các quy định về yêu cầu công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục và xác định rõ nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục; tách bạch hơn điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục…

Về thẩm quyền quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập trường đại học, luật giữ nguyên quy định như Luật Giáo dục hiện hành là Thủ tướng quyết định việc thành lập trường đại học nhưng tăng cường trách nhiệm thẩm định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện.

Trước đó, dự luật này đề nghị QH đồng ý cho phân cấp để Bộ trưởng Bộ GD-ĐT được quyền quyết định thành lập trường đại học; khi thảo luận tại tổ và hội trường cũng đã có ý kiến ủng hộ quan điểm này.

Theo Khoản 1 Điều 58 của Luật Giáo dục được sửa đổi, bổ sung, các trường phải: "công bố công khai mục tiêu, chương trình giáo dục, nguồn lực và tài chính, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục và hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nhà trường”.

Về kiểm định chất lượng giáo dục, luật quy định phải bảo đảm các nguyên tắc độc lập, khách quan, đúng pháp luật; trung thực, công khai, minh bạch. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục gồm tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do Nhà nước thành lập; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do tổ chức, cá nhân thành lập.

Về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (Điều 11), luật sửa đổi, bổ sung ghi rõ: “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước”. Như vậy so với hiện nay, đối tượng phổ cập giáo dục đã được mở rộng hơn (hiện tại chỉ phổ cập tiểu học và trung học cơ sở).

Đồng ý với ý kiến của một số đại biểu QH về việc phải làm rõ các quy định về học phí để tránh hiện tượng lạm dụng chủ trương về xã hội hóa giáo dục và quy định về các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục để thu các khoản ngoài quy định, gây bức xúc trong dư luận và thắc mắc trong nhân dân, luật sửa đổi, bổ sung giữ nguyên Điều 105 Luật Giáo dục: “Học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác” và bổ sung: “Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ để phát triển sự nghiệp giáo dục. Không được lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật”. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2010.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.