Quân Mỹ khó rời Okinawa

23/11/2009 22:48 GMT+7

Dù áp lực ngày càng tăng, nhưng khả năng Mỹ dời các căn cứ quân sự khỏi tỉnh Okinawa của Nhật Bản vẫn rất thấp.

Trước áp lực của dân chúng cũng như một số dấu hiệu về thay đổi chính sách của tân Chính phủ Nhật Bản, các căn cứ quân sự của Mỹ đóng tại quần đảo Okinawa, trong đó có căn cứ Futenma, đang đối mặt với khả năng phải cơ cấu lại. Đây thực sự là một bài toán đau đầu cho cả Washington lẫn Tokyo giữa lúc các vấn đề ở Tây Thái Bình Dương đang rất phức tạp.

Okinawa chỉ chiếm 0,6% diện tích nước Nhật, nhưng chiếm tới 75% số căn cứ quân sự và hơn phân nửa số binh lính của Mỹ đóng tại Nhật, theo tờ Guardian. Okinawa hiện có tới 14 khu căn cứ quân sự Mỹ, với tổng số hơn 23.000 binh sĩ. Các căn cứ quân sự ở đây rất quan trọng đối với Mỹ trong việc thực hiện chiến lược an ninh ở châu Á và khu vực Tây Thái Bình Dương. Các căn cứ quân sự này mang biệt danh "hàng không mẫu hạm không thể chìm của Mỹ", có vị trí chiến lược dễ dàng vươn tới Trung Quốc, Đài Loan, CHDCND Triều Tiên và có thể hoạt động như một bệ phóng tới Afghanistan và Trung Đông.

Hệ lụy

Tháng 9.1995, ba lính Mỹ đã cưỡng hiếp một nữ sinh 12 tuổi ở Okinawa, làm người dân địa phương nổi giận. Tháng 10 năm đó, khoảng 85.000 người trong tỉnh đã tham gia biểu tình kêu gọi cắt giảm căn cứ quân sự ở đây.

Gần 13 năm sau, vào ngày 27.2.2008, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Condoleezza Rice đã phải bay tới Tokyo để lên tiếng xin lỗi người dân Okinawa vì những tội ác do binh lính Mỹ gây ra, theo tờ Guardian. Lời xin lỗi này được đưa ra sau khi một lính Mỹ bị bắt do bị tình nghi cưỡng hiếp một cô bé 14 tuổi trong xe của anh ta trước đó gần 20 ngày. "Chúng tôi thật sự lấy làm tiếc vì vụ việc đã xảy ra. Thật là đau lòng khi phải chứng kiến một vụ như thế và càng đau đớn hơn khi người bị hại là một bé gái", bà Rice nói. Sau vụ đó, nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu tới quan hệ ngoại giao hai nước, giới chức quân sự Mỹ đã áp dụng lệnh giới nghiêm trong 24 giờ đối với binh sĩ và gia đình của họ.

Tuy nhiên, nỗ lực của người Mỹ đã không được dân địa phương và các nhà hoạt động tin tưởng. "Quân đội Mỹ xin lỗi và hứa với chúng tôi rằng các hành vi đó sẽ không xảy ra nữa nhưng nó luôn tái diễn", cô Chie Miyagi, một nhà hoạt động chống lại căn cứ Mỹ, cho hay. "Chính phủ và thành phần còn lại của nước Nhật thật sự không quan tâm đến cảm giác của chúng tôi. Nếu con gái của họ bị cưỡng hiếp, tôi chắc rằng họ sẽ phản ứng khác". Cô Sukuyo Takazato, trưởng nhóm phụ nữ theo dõi tội ác từ binh lính Mỹ ở Okinawa, nói: "Chúng tôi sống trong nỗi sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp. Lính Mỹ phạm tội bị xử rất nhẹ".

Cảnh sát Okinawa báo cáo rằng từ năm 1995 đến tháng 2.2008, họ đã phát hiện 14 vụ hiếp dâm do lính Mỹ gây ra, theo AFP. Ngoài việc đối mặt với nạn hiếp dâm, người dân Okinawa còn phải chịu đựng các tai nạn, ô nhiễm môi trường và tiếng ồn do các căn cứ quân sự Mỹ đóng tại đây gây ra.

Kế hoạch tranh cãi

Căn cứ Futenma là nơi đặt một đơn vị không quân của Thủy quân lục chiến Mỹ. Căn cứ này đóng ở trung tâm thành phố Ginowan, nơi có 90.000 người dân sinh sống, là một trong những căn cứ lớn nhất của Mỹ tại Okinawa với hơn 4.000 lính thủy đánh bộ. Nhằm hạn chế các vụ việc tiêu cực nói trên, năm 2006, chính phủ hai nước đã ký thỏa thuận di chuyển căn cứ Futenma đến vịnh Henoko, một khu vực ít dân hơn trên đảo chính Okinawa, trước năm 2014.

Phía Washington thì muốn Tokyo phải thực hiện ngay kế hoạch này, nhưng phần lớn người dân Okinawa không đồng ý việc di dời, mà muốn căn cứ quân sự này phải được chuyển ra khỏi đảo. "Người dân Okinawa đã bỏ phiếu bầu chính phủ mới, nghĩ rằng họ sẽ chuyển khu căn cứ quân sự này ra khỏi đảo. Tôi không muốn họ phản bội chúng tôi", AFP dẫn lời cụ Yoshiko Yonamine, 64 tuổi, người tham gia cuộc biểu tình vào ngày 8.11 nhằm phản đối sự có mặt khu căn cứ quân sự Mỹ. "Chúng tôi kiên nhẫn chịu đựng trong suốt 64 năm qua. Nếu căn cứ mới được xây, thì điều đó có nghĩa chúng tôi phải chịu đựng thêm từ 50 tới 60 năm nữa", bà Yonamine bày tỏ búc xúc.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, Thủ tướng Yukio Hatoyama đã đưa ra ý kiến rằng căn cứ Futenma nên được di chuyển ra khỏi đảo Okinawa, thậm chí cả nước Nhật. Ý kiến trên đã được hơn 70% người dân tỉnh Okinawa ủng hộ, theo một cuộc khảo sát vừa được đăng trên tờ Mainichi. Nhưng giáo sư Mikitaka Masuyama tại Viện Nghiên cứu chính trị quốc gia nhận định: "Dù (chính phủ mới của Nhật) đã hứa di dời căn cứ Futenma khỏi Okinawa, nhưng thực tế cho đến bây giờ phải nhận ra rằng vẫn không có lựa chọn như thế. Nếu có, chính phủ đảng Dân chủ Tự do đã làm trước đó rồi".

Tỉnh trưởng Okinawa Hirokazu Nakaima thì cho rằng Futenma vẫn có thể dời đến một vị trí nào đó ở trên đảo này, nhưng càng xa khu dân cư và càng sớm càng tốt, AFP trích lời các quan chức vào ngày 14.10 cho hay.

Trong khi đó, cũng có người bày tỏ sự lưu luyến. Một chủ tiệm hớt tóc tại Ginowan cho biết anh đang lo việc đóng cửa các căn cứ quân sự sẽ ảnh hưởng tới đời sống kinh tế người dân."Nhiều người ở đây sống dựa vào việc cho căn cứ quân sự Mỹ thuê đất. Hầu hết trong số họ đều già. Nếu họ lấy đất lại, thì họ cũng không thể canh tác", Reuters trích lời anh này.

Đầu tháng 11 vừa qua, Ngoại trưởng Katsuya Okada cho biết quyết định của Tokyo về việc di dời căn cứ Futenma có thể sẽ trì hoãn đến năm tới vì ông cho rằng các cuộc bầu cử tại Okinawa vào năm 2010 có thể sẽ có ảnh hưởng tới số phận của khu căn cứ. Vào ngày 11.11, ngoại trưởng hai nước đã có cuộc gặp tại Mỹ để bàn về kế hoạch đầy tranh cãi trên. Hai bên thống nhất sẽ giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng, có thể là trong vòng hai tháng, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay. Trong khi đó, AFP hôm 19.11 dẫn lời Thủ tướng Hatoyama cho biết ông cần thêm thời gian để đưa ra giải pháp và có thể sẽ đưa ra kết luận cuối cùng cho kế hoạch di dời vào cuối năm. Tuy nhiên, ông Okada lại cho rằng việc di dời căn cứ quân sự Mỹ khỏi Okinawa sẽ gặp khó khăn do có nhiều sự bất đồng trong nội các.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.