Vảy nến bệnh mãn tính

20/11/2009 09:08 GMT+7

(TNTT>) Gọi là mãn tính vì bệnh thường xuyên tái phát. Cho tới nay, việc tìm kiếm những phương pháp mới điều trị bệnh vảy nến với hiệu quả cao và không có tác dụng phụ vẫn còn là một vấn đề bức xúc. Dưới đây là những phương pháp đông, tây y mới nhất giúp giảm sự tiến triển của bệnh.

Ngứa là triệu chứng đầu tiên của bệnh này. Đây là bệnh ngoài da không lây, tuy nhiên gây không ít phiền toái cho người bệnh, khiến họ mặc cảm và phiền toái trong mọi sinh hoạt.

Theo các bác sĩ da liễu, bệnh gây thương tổn da; rát; mảng đỏ với các đặc điểm: ranh giới rõ với da lành, có vẩy trắng khô dễ bong, hình dạng như vảy nến. Bệnh thường khu trú ở một vài nơi như khuỷu tay, đầu gối, rìa chân tóc ... nhưng cũng có thể xuất hiện toàn thân.

Bệnh chủ yếu do nguyên nhân di truyền. Một số trường hợp khác do mất cân bằng một số gien, nhiễm khuẩn, chấn thương, stress. Không loại trừ nguyên nhân từ một số loại dược phẩm như thuốc kháng sốt rét, chẹn beta, kháng viêm nonsteroid, ức chế men chuyển angiotensin, lithium, imiquimod. Có nhiều dạng vảy nến: vẩy nến mảng mãn tính, vẩy nến giọt, đỏ da toàn thân, vẩy nến mủ, vẩy nến khớp... Trường hợp nặng là vẩy nến viêm khớp với các biểu hiện lâm sàng như: viêm thiểu khớp không đối xứng, viêm đa khớp đối xứng, viêm cứng khớp đốt sống...

Đơn bì, Bạch linh
Đơn bì, Bạch linh

Đông y

PGS. TS. Nguyễn Thị Bay - Trưởng khoa Nội YHCT, trường ĐHYD TP.HCM khẳng định: những bệnh gây ngứa thường do nhiệt trong cơ thể như: nhiệt độc thịnh, âm hư hỏa vượng, tâm dương bất túc, khí tuệ huyết ứ. Cần dùng các loại thảo dược hoặc các loại thực phẩm chức năng có chứa các thành phần thảo dược giúp cơ thể thanh nhiệt và cân bằng như: hoàng liên, tê giác, hoàng bá, nhàu, thổ phục linh, sinh địa, đơn bì, bạch linh...

Tây y

Dưới đây là một số phương pháp điều trị tây y được cập nhật bởi TS. Lê Ngọc Diệp, hình thức nào cũng có phản ứng phụ, vì vậy bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng:

Điều trị tại chỗ

Corticosteroids: hiệu quả khi sử dụng trong thời gian ngắn. Thoa ngày 2 lần trong 2 - 4 tuần, sau đó sử dụng ngắt quãng (mỗi tuần thoa 2 -3 ngày). Tác dụng phụ: ức chế tuyến thượng thận, teo da, rạn da ...

Vitamin D3: có hiệu quả tốt với tác dụng phụ ít nhất khi sử dụng trong thời gian dài. Dạng kem, thoa ngày 2 lần.

Taztarotene: dạng gel và kem, thoa tối 1 lần. Có thể gây kích ứng da tại chỗ thoa, vì vậy tránh tiếp xúc với nắng.

Liệu pháp ánh sáng

Tia UVB: liều sử dụng tùy thuộc vào vảy nến nặng hay nhẹ.Điều trị cho tới khi có kết quả tốt nhất.

Tác dụng phụ là gây tác động hủy hoại do ánh sáng, lão hóa da, ung thư da ...

PUVA: điều trị 2 lần/tuần, hiệu quả cao hơn UVB. Tác dụng phụ là gây tổn thương mắt (vì vậy cần bảo vệ mắt khi đi ra ngoài nắng), lão hóa da...

Excimer laser: chiếu ánh sáng 2 lần/tuần. Sử dụng để điều trị các mảng vẩy nến mãn tính trên khuỷu tay và đầu gối.

Vảy nến là bệnh của sự kết hợp di truyền và tự miễn dịch

Vảy nến ở khuỷu tay
Vảy nến ở khuỷu tay



33 - 50% bệnh nhân di truyền từ người thân trong gia đình. Độ tuổi mắc bệnh phổ biến là từ 15 - 30. Tỷ lệ này ở châu u là 2 – 3 % dân số, riêng tại Mỹ mỗi năm có khoảng 150.000 ca. Châu Á thấp hơn: 0,4 % dân số. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ ngang nhau. Theo TS. Lê Ngọc Diệp (Bộ môn Da liễu, ĐHYD TP.HCM)

Tự miễn là bệnh do hệ miễn dịch tự phản ứng, chống lại các bộ phận chính của cơ thể. Theo TS. Nguyễn Tất Thắng – Chủ tịch Hội da liễu TP.HCM

Chi phí

Các trường hợp điều trị bằng liệu pháp ánh sáng được coi là hiện đại nhất hiện nay, cần được chỉ định bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm. Mỗi đợt điều trị tối thiểu 20 lần chiếu tia. Giá tham khảo (tại các bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài): chi phí 300.000 đồng/lần chiếu. Có thể mua phiếu điều trị trọn gói (20 buổi) để được hưởng giá ưu đãi.

Minh Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.