An Giang mùa nước nổi

13/11/2009 15:31 GMT+7

(TNTS) Về An Giang mùa này, tứ bề nước, mênh mông nước, vồn vã, hào phóng. Một cảm giác sảng khoái tuyệt vời, tròng trành hư ảo…

Về An Giang mùa này gần như không thấy đất, chỉ thấy trời - mây - nước - gió . Trước cửa, sau nhà, bốn bề nước. Những chùm bông điên điển be bé vàng rực, nom yếu ớt mà kiêu hãnh như đang cười với gió. Rải rác khắp nơi – nông dân chèo thuyền như trẩy hội. Chỗ thì cất vó, chỗ thì đặt lờ, đặt lọp; chỗ thì giăng lưới thả câu… í ới gọi nhau đi “nhặt của trời”, gặp khách lạ cũng như quen  là vẫy tay chào cười niềm nở. Chẳng có đâu như ở nơi đây.

Tại rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo huyện Tịnh Biên) là nơi hội tụ cơ man nào là dơi, quạ, con nào con đó nặng từ nửa ký trở lên và con lớn sải cánh thường dài gần cả mét. Nào là diệc (còn gọi là sếu), nào là cồng lộc, bìm bịp, nhan sen… đủ mặt anh tài của họ nhà cò. Mỗi cây có hàng chục tổ chim. Với diện tích 845 ha, Trà Sư được xem là thủ phủ của dơi, cò và ong mật của vùng tứ giác Long Xuyên. Thuyền chèo nhẹ nhàng đưa bạn đến với từng khu “dân cư bản địa của Trà Sư” để thăm thú, tìm hiểu đời sống hoang dã. Bèo xanh phủ kín mặt nước – đen do trầm tích của lá tràm lưu cữu – chụp ảnh ngược nắng cứ ngỡ mùa đông ở châu u. Có về đây mới hiểu tại sao cây cừ tràm được gọi là tràm nước. Đây là loại tràm có thể sống quanh năm dưới nước, hoa nở bốn mùa và hương thơm nhẹ nhàng quấn quýt. Vào mùa trăng, chèo thuyền vào rừng xem chim ngủ (trừ loài dơi thường đi kiếm ăn vào ban đêm) là cái thú chỉ ở đây mới có. Khách có thể lênh đênh bồng bềnh với mùa nước nổi trên các house boat (nhà nổi) khá tiện nghi. Hay xuống thuyền giăng lưới, thả câu, hái bông súng, bông điên điển, băng qua những ruộng năn cao tới 2m mà nước ngập lút ngọn và hiểu hơn loài cỏ đặc trưng này...

Trước khi tạm biệt vùng nước nổi, nên ghé chợ Tịnh Biên mua ít côn trùng về ngâm rượu làm thuốc như mối chúa, bò cạp, nhện núi, rít rừng (có con lớn bằng ngón tay trỏ, dài tới 25 cm), bửa củi, tắc kè, tắc kè bay… Hoặc vào siêu thị miễn thuế rinh ít hàng về, giá cũng rẻ hơn Sài Gòn kha khá. Rồi lên thẳng núi Cấm còn gọi là Thiên Cấm Sơn, cao 716m, ngọn núi cao nhất của dãy Thất Sơn. Ngoài Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), 6 núi còn lại là: Ngọa Long Sơn (núi Dài Lớn), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài 5 Giếng), Sinh Vũ Sơn (núi Két), Thùy Đài Sơn (núi Nước), Phụng Hoàng Sơn (Núi Cô Tô – nơi có Đồi Tức Dụp), Liên Hoa Sơn (núi Tượng). Lên núi Cấm viếng chùa Vạn Linh và chiêm ngắm tượng phật Di Lặc cao 33,60m với nụ cười bao dung mà sống động...

Ở đây có món bánh xèo núi Cấm độc nhất vô nhị. Bột bánh được pha với trứng đà điểu. Nhân bánh ngoài giá, đậu xanh, tôm… còn có thêm thịt ếch mùa nước nổi. Đặc biệt rau ăn kèm toàn là lộc của rừng: lá điều, lá xoài, lá tàu bay, lá dứa, lá sợp, lá ngành ngạch, lá chòi mòi, lá cát lòi, lá sung… chấm với mắm nêm chua ngọt. Ăn một lần là nhớ. Ẩm  thực An Giang có nhiều món lạ. cảnh đẹp An Giang rất nhiều nơi hấp dẫn, chỉ tiếc đường đi vẫn còn vất vả. Quốc lộ 80 đoạn từ cầu Mỹ Thuận đến bắc Vàm Cống – từng được mệnh danh là con đường xấu nhất Nam Bộ - được báo giới điểm mặt thường xuyên, thi công từ thế kỷ trước đến nay vẫn thách thức lòng kiên nhẫn và sự chịu đựng của cả người dân lẫn du khách.

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.