Đua chó

12/11/2009 09:48 GMT+7

(TNTT>) Với cự ly 450m, một chú chó đua chỉ mất khoảng 28 giây đã về đến đích. Và trò đua chó ở Vũng Tàu ngày càng thu hút đông đảo du khách, người dân địa phương tham gia

Những khuyển thủ tranh tài

Hằng tuần vào tối thứ bảy, khi trời chạng vạng là lúc SVĐ Lam Sơn, ở P.1, TP. Vũng Tàu, sức chứa 5.000 người, rạng rỡ với những trụ đèn cao áp rực sáng chờ đợi du khách và dân địa phương đến xem đua chó. Đúng 19 giờ, nhộn nhịp từng đoàn xe du lịch, xe con biển số các nơi khác đặc biệt là TP.HCM dừng lại đổ khách vào SVĐ này.

Các màn hình tivi khắp sân thi đấu đăng tải những thông tin về vòng đua thứ nhất, danh sách các “VĐV” bốn chân với các tên gọi vô cùng mỹ miều: Ngọc Nga, Đại Vũ, Quách Tĩnh, Kiều Linh… Và làn sân thi đấu điền kinh của SVĐ Lam Sơn trở thành nơi tranh tài của các chú khuyển giống Greyhound, thân cao, chân dài, bụng thon, lông ngắn, vốn là giống chó săn lâu đời nổi tiếng.

Một chương trình đua chó thông thường  gồm 10 vòng đua, mỗi vòng khoảng 6 - 8 chú chó thi đấu. Trước khi mỗi vòng đua chính thức bắt đầu, các chú chó được mặc áo thi đấu màu sắc khác nhau, có đánh số, được HLV xếp hàng ngay ngắn rồi dẫn đi diễu hành, chào sân khắp lượt. Lúc này phát thanh viên qua hệ thống loa của SVĐ Lam Sơn liên tục cập nhật thông tin về thành tích thi đấu, cân nặng... từng chú “khuyển thủ” cho khán giả lựa chọn mà đặt cược.

Đúng 19 giờ 30, tiếng xè xè nổi lên khắp sân, một con “thú mồi”  bằng kim loại buộc nơ đỏ bắt đầu xuất phát từ phía bên kia sân. Khi con mồi lướt ngang qua các hộc thi đấu, cả đàn chó đua lao ra, kéo theo sau là cát bụi mù mịt. Với cự ly 450m, thông thường một chú chó đua chỉ cần trên dưới 28 giây để hoàn tất lộ trình, tốc độ trung bình có thể đạt gần 60km/giờ.

Không biết do được huấn luyện hay tinh khôn mà trong khi diễu hành, chú khuyển nào cũng tranh thủ làm “nhẹ” bụng… ngay trên sân đấu, khiến các HLV phải vất vả dọn sạch, còn khán giả được phen cười toe vì lạ lẫm, khoái chí.

Bí quyết nắm bắt cơ hội trúng thưởng

Có 5 nguyên tắc để nắm bắt cơ hội trúng thưởng: so sánh thời gian chó chạy tốt nhất và thời gian chó chạy gần nhất (yếu tố lịch sử); số hộc xuất phát của chó (ảnh hưởng đến việc ôm cua, vị trí số hộc là do bốc thăm ngẫu nhiên); trọng lượng thay đổi của chó; vị trí khi chạy và thứ hạng (xác định sở trường nước rút, tăng tốc… theo từng quãng đường đua); quan sát tình trạng sức khỏe và thể hình của chó (theo kinh nghiệm bản thân của bạn).

 

Theo kinh nghiệm, chó cao lớn chưa chắc chạy hay vì bản thân chúng ôm cua khó hơn các các chú “bé hạt tiêu”. Cũng có trường hợp có chú lại thích chạy bên ngoài hơn là ôm sát cua. Ôm cua giỏi cũng là một cách đánh giá tài năng của chó. Trên đường đua, chó va chạm nhau là bình thường và thường là khi đã chạm nhau, chó khó về nhất được.

Như đua ngựa, có 4 hình thức thông dụng: cá rời (chọn chó về nhất), cá cặp (chọn chó về 1-2), cá ba và cá tư. Phần lớn khán giả đi xem đua chó lần đầu bắt chước người xung quanh mua vé độ chó là để giải trí, chỉ từ 10.000 - 20.000 đồng/vé. Song những vé độ này cũng giúp cuộc vui thêm thích thú, cuồng nhiệt, hào hứng bội phần.

Thông tin thêm

Đua chó ở Vũng Tàu diễn ra mỗi tối thứ bảy hằng tuần, từ 19g30 -22g15 và các ngày lễ tại SVĐ Lam Sơn (đối diện bệnh viện Lê Lợi), phường 1, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Vé khán đài: 25.000 đồng/vé, phòng Vip máy lạnh: 55.000 đồng/vé.
Nếu chơi đua chó, thắng hạng D được 800.000 đồng/đợt; hạng C: 1.120.000 đồng; hạng B: 1.400.000 đồng; hạng A là 2.000.000 đồng.
Website: www.vietnamracing.net/sesracing/

Thăm “tổng hành dinh” của chó

Các chú chó tranh tài tối thứ bảy đều được Trung tâm sản xuất, nuôi dưỡng và huấn luyện chó đua đặt tại Bà Rịa chở đến. Đó là “ngôi nhà” rộng 10ha, hiện nuôi dưỡng 450 “VĐV”. Trong đó, mỗi chú chó đều có một phòng riêng và một chiếc giường bằng vải bố đặt bên cạnh, giúp “gia chủ” yên giấc trong những ngày lạnh lẽo. Trước giờ tập, chú nào cũng phải được rọ mõm cẩn thận như lời giải thích của ông Trần Văn Ngọc, quản đốc trung tâm: “Nếu không làm thế, khi ra ngoài, thấy bất kỳ mục tiêu di động nào trên đường, bản tính săn mồi chúng lại trỗi dậy, dí bắt mục tiêu đến nơi. Dù chúng có rách chân, chảy máu, vẫn theo đến cùng”.

Sân tập tốc độ của giống chó Greyhound là một vòng ôm cua nhỏ gọn, chỉ khoảng 25m. Một nhân viên huấn luyện phụ trách đứng xoay mục tiêu. Cửa chuồng bật mở, các chú tăng tốc bám theo con thỏ mồi giả (motor). Tốc độ vòng xoay càng lúc càng tăng, tỷ lệ thuận với tốc độ của chúng. Chúng tôi còn nhớ, ngày trước, trên các vòng đua, vì quá hăng máu, có chú va đầu vào đường chạy chết tươi, còn việc đụng nhau chảy máu, đứt đuôi, tét giò là bình thường. Buổi tập kết thúc cũng là lúc một chú bắt được mồi cắn xé dữ dội. Và ông Ngọc phải dùng chiêu thổi lỗ tai, nhột quá, chú chó này mới chịu buông tha mồi. Và đây chỉ là một trong những bài tập tốc độ trong lịch trình luyện tập dày đặc của một “VĐV”. Trước đó, buổi sáng,  mỗi con đi phải bộ khoảng 2,5km để duy trì thể lực, bằng nhiều cách: chạy bộ (theo xe đạp), bơi hồ tạo sóng, chạy đường tròn rượt mồi. Từ 14 giờ, chó lại bơi hồ, vừa để tắm vừa để duy trì thể lực…

Có thể xem ngôi nhà 10ha này giống như một trại tập trung mẫu mực, đầy tính kỷ luật nhưng cực kỳ tiện nghi. Hơn 70 nhân viên (văn phòng, huấn luyện, vệ sinh, thú y) phụ trách gần 450 chú chó Greyhound được chia làm nhiều nhóm. Các phương pháp huấn luyện chó liên tục được cải tiến thật khoa học và hiệu quả hơn. Thức ăn của chó  được nghiền nát và pha trộn theo công nghệ khép kín, có kho lạnh bảo quản. Các chú chó đều được chích ngừa vaccine từ lúc 6 tuần tuổi. Bệnh viện chó ở đây có đầy đủ giường mổ, dụng cụ massage (xoa bóp các cơ bắp) và máy chữa bệnh  bằng laser... Sau khi đua, chó được dưỡng một ngày và uống nước điện giải để hồi phục sức khỏe. 

Chuyện về chó đua greyhound:

Greyhound có từ thời vua Pharaohs Ai Cập. Chúng có khiếu săn mồi bẩm sinh và được các gia đình hoàng tộc thuần dưỡng. Tuổi thọ đua của chó là từ 4-5 năm. Sau thời gian này, chó hay sẽ được giữ lại phối giống, không thì đem thiến và đưa ra ngoài nuôi. Trọng lượng trung bình của chó đua (15 tháng tuổi trở lên) là 30kg/con.

Giống Greyhound tuy dữ với mồi nhưng rất yêu thương con người. Greyhound rất thích được ra khỏi chuồng để “bay nhảy”. Tuy nhiên, đến ngày đua, biết mình có cơ hội được “trổ tài” trước 5.000 khán giả, dù có thả rong, chúng vẫn quyết quay về xe để đến trường đua. Tiền ăn mỗi ngày khoảng 17.000 – 18.000 đồng/con.

Hiến Dân - Thy An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.