Không đảm bảo chất lượng do thiếu trách nhiệm

11/11/2009 22:24 GMT+7

Kết quả kiểm định chất lượng của 20 trường ĐH vừa qua cho thấy tất cả 20 trường đều chưa đạt về chương trình đào tạo.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập VN) đã không khỏi rầu lòng khi nói ra những bất cập xung quanh vấn đề này. Ông Khuyến cho biết:

- Cách đây không lâu, Bộ GD- ĐT đã có một cuộc rà soát về các chương trình đào tạo. Sau khi kiểm tra hơn 4.200 chương trình do các trường gửi về, Bộ đã thấy rằng tình hình xây dựng chương trình của các trường rất “không ổn”. Không ít chương trình có nội dung không cập nhật, không phù hợp với tên ngành đào tạo, với trình độ đào tạo đã công bố trước xã hội và đã đăng ký với Nhà nước.

Ví dụ, có trường ĐH mở ngành đào tạo Quan hệ quốc tế nhưng nội dung chương trình lại về truyền thông, nội dung là kinh doanh (business) lại được gọi là kinh tế (economics), nội dung là kỹ thuật (engineering) lại được gọi là công nghệ (technology). 

Đáng lưu ý là nhiều chương trình của các trường đã sao chép của nhau. Sở dĩ tồn tại thực trạng này là do VN có rất ít các chuyên gia phát triển chương trình. Phần lớn giảng viên chỉ quen dạy học nhưng lại được giao nhiệm vụ thiết kế chương trình nên khó tránh khỏi những chương trình lộn xộn và kém chất lượng.

 
Nhiều trường hiện nay còn đi thuê thầy viết chương trình, hoặc đi nhặt môn này, môn kia ở các trường khác nhau để ghép lại thành chương trình cho mình kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Ông Lê Viết Khuyến
* Như vậy nghĩa là VN không thể làm được một chương trình tốt?

- Công bằng mà nói chúng ta cũng có những chương trình có chất lượng đạt đẳng cấp thế giới. Thí dụ như các chương trình thuộc Đề án Đào tạo kỹ sư chất lượng cao, do các giáo sư Pháp và VN cùng xây dựng và triển khai đã cho ra các sản phẩm được Ủy ban văn bằng kỹ sư của Pháp công nhận đạt tiêu chuẩn EU. Tuy nhiên những chương trình như vậy không nhiều. Nguyên nhân không phải là chúng ta không thể làm được mà do việc làm chương trình lâu nay đã không tuân theo quy định. 

Ở nhiều trường hiện nay việc xây dựng chương trình thường chỉ giao cho một vài người và làm rất nhanh. Nhiều chương trình được soạn thảo và thực thi kiểu “ăn đong”. Nhiều trường còn đi thuê thầy viết chương trình, hoặc đi nhặt môn này, môn kia ở các trường khác nhau để ghép lại thành chương trình cho mình kiểu “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Nhiều giảng viên chỉ có thể cầm đề cương hoặc bài giảng sao chép của người khác để giảng dạy, thì làm sao đảm bảo chất lượng!

* Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng chương trình ĐH hiện nay không cập nhật và  chất lượng thấp là do các trường bị Bộ GD-ĐT “áp đặt” chương trình khung. Các trường chỉ được tự chủ 30% chương trình thì làm sao mà đổi mới được?

- Hiểu như vậy không hoàn toàn chính xác. Chương trình khung (ở các nước thường gọi là chuẩn chương trình) do các chuyên gia đầu ngành từ các trường soạn thảo, được lấy ý kiến rộng rãi (theo quy trình 5 bước), sau đó mới được Bộ GD-ĐT ban hành. Theo quy định của Luật Giáo dục, trong chương trình khung chỉ quy định cấu trúc kiến thức và những nội dung cứng tối thiểu để giúp các trường dựa vào đó xây dựng chương trình cho mình. Việc thiết kế chương trình cụ thể là trách nhiệm của các trường. Nói rằng Bộ áp đặt tỷ lệ phần trăm trong chương trình là không đúng.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, hiện nay với xu hướng “sản xuất” chương trình khung kiểu “siêu tốc” cũng giống như việc cho ra các trường ĐH như... nấm, nếu không nâng được trách nhiệm của các thành viên trong các Hội đồng tư vấn thì chắc chắn sẽ có nhiều chương trình khung kém chất lượng. Nếu vội vàng ban hành những chương trình khung như vậy, thì tác hại còn lớn hơn nhiều so với trường hợp chưa có chúng.

* Thưa ông, chương trình học của nhiều trường hiện nay có cấu trúc không phù hợp. Ví dụ SV phải học quá nhiều môn học không liên quan đến ngành học và thiếu hẳn các môn học về kỹ năng. Có phải họ phải tuân theo quy định “cứng nhắc” của cơ quan quản lý?

- Tôi không nghĩ như vậy. Đã từ lâu Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu các trường dạy SVsao cho họ không phải chỉ có một nghề nghiệp cụ thể mà còn phải có những hiểu biết chung về xã hội, có các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý... Tuy nhiên nhiều trường do không có đủ giảng viên, nên đã không dạy cho SV các môn học cần thiết đó mà lại đưa vào một số môn không thiết thực để cho đủ khối lượng quy định. Như vậy, lỗi này là do các trường chứ không phải do áp đặt của cơ quan quản lý.

Vũ Thơ
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.