Game show cải lương

09/11/2009 22:51 GMT+7

Đã có nhiều lời khen của khán giả dành cho game show Giọt nắng phù sa phát trên HTV9 - Đài truyền hình TP.HCM mỗi tháng một lần (vào thứ năm của tuần thứ 2).

Có thể nói, đây là cách “đãi cát tìm vàng” ở dạng ban sơ nhất, để từ đó biết đâu có những người phát triển lên, “đãi cát” thêm lần nữa trong giải Chuông vàng vọng cổ, rồi lại “đãi” tiếp trong giải Trần Hữu Trang, hoàn toàn mang tính chuyên nghiệp. Mà nói cho cùng, nếu người ta không có cơ hội đi thi nữa, thì đây đã là cơ hội để người ta “chơi” cải lương mà không sợ bị mấy cái giải chuyên nghiệp kia làm mất... tự tin. Bởi có thí sinh là chị nội trợ, là em sinh viên, là nhân viên nhà hàng, là anh bán mì gõ... thì làm sao họ dám đặt chân vào mấy giải ấy. Thành ra, Giọt nắng phù sa là nơi họ thể hiện thoải mái niềm đam mê âm nhạc dân tộc. Ít ra trong thời buổi game show mọc lên như nấm với nhiều chủ đề “tào lao”, thì game show này là một điểm son bổ ích, lành mạnh.

Thật sự thì xem cũng rất vui và cảm động nữa vì nó rất thật. Nó là đời sống, là dòng chảy của cải lương tài tử trong dòng chảy mưu sinh của người phương Nam. Chương trình không chỉ quay hình thí sinh trên sân khấu, mà còn “quay sống” những người dân bình thường vừa làm công việc của mình vừa nghêu ngao sáu câu vọng cổ. Anh tài xế vừa lau xe vừa hát. Chị thợ uốn tóc vừa chờ khách vừa xuống xề. Một cuộc “trình diễn” tập thể hỗ trợ cho nhau, chứng minh một điều cải lương không hề “chết”, mà vẫn bàng bạc sống trong lòng người Việt. Bên cạnh đó là những câu đố kiến thức cải lương thật bổ ích, chính điều này nâng tầm người chơi và người xem.

Chương trình đến nay đã là lần thứ 7, dự kiến sẽ có cuộc thi coi như tổng kết cuối năm, gồm 12 thí sinh đoạt giải trong 12 tháng, chọn ra giải 1, 2, 3 trong năm. Ngoài ra, với các thí sinh cao tuổi không được tham gia thì ban tổ chức sẽ có hình thức khác cho họ được “chơi”, chẳng hạn làm những clip câu đố, hoặc những bài hát kinh điển...

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.