Bộ trưởng y tế Đức sinh ở Sóc Trăng

03/11/2009 14:31 GMT+7

Con đường tìm về quá khứ của Philipp Roesler rất nhọc nhằn. Tôi hít bụi, đinh tai nhức óc vì còi xe gắn máy, trời nóng oi bức phủ khắp người tôi một lớp mồ hôi.

Cảm ơn trời, tôi đã tìm thấy xơ

Từ TP.HCM, chiếc taxi của tôi chạy gập ghềnh bảy giờ trên những con đường đầy ổ gà của miền Nam Việt Nam, qua những hàng thức ăn và những ngôi nhà được che bằng lá dừa nước. Khoảng 11g trưa, Bình (34 tuổi), người phiên dịch của tôi, và tôi đến thành phố Sóc Trăng. Ông tân bộ trưởng y tế đã sinh ra ở đây 36 năm trước. Một đứa bé trai ngày ấy còn chưa mang tên Philipp đã được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi lúc mới 9 tháng tuổi.

Chúng tôi bước vào ngôi nhà thờ Công giáo ở số 190 Tôn Đức Thắng. “Ở đây có xơ Maria Martha và xơ Sylvia không?” - người phiên dịch của tôi hỏi người trông nom nhà thờ. Ông Roesler mới chỉ về Việt Nam một lần (theo lời thúc giục của vợ ông hồi năm 2006), đã nêu tên của hai xơ trong một cuộc phỏng vấn. Ông chưa từng đến thăm các xơ.

Hình ảnh trên tờ Bild (Đức): gương mặt thời niên thiếu của Bộ trưởng Y tế Đức Philipp Roesler...

Người trông nom nhà thờ chỉ cho chúng tôi đến nơi cách đấy hai căn nhà nơi các xơ ở. Một phụ nữ già đi về phía chúng tôi. “Bà có biết các xơ ngày trước bây giờ ra sao không?”. “Xơ Sylvia qua đời rồi - bà nói - Chỉ còn tôi thôi, xơ Đỗ Thị Suốn”.

Còn xơ Maria Martha? Người phụ nữ già cười: “Đó chính là tôi, đó là tên thánh của tôi”.

Cảm ơn trời, cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy bà! Tôi kể về Philipp Roesler, người được nhận làm con nuôi trong tháng 11-1973 và bây giờ là một người đầy quyền lực ở Đức. Chúng tôi cho bà cụ 78 tuổi này xem một tấm ảnh của ông bộ trưởng. Bà cầm tấm ảnh gần như âu yếm trong đôi tay. “Philipp chắc chắn phải ở tại chỗ của chúng tôi - bà nói - Thời đó, xơ Sylvia và tôi đã chăm sóc nhiều trẻ mồ côi và tìm cha mẹ cho chúng thông qua Tổ chức Terre des Hommes. Đứa bé nào rồi cũng có người nhận. Phần lớn sang Pháp hay Mỹ, nhiều nhất cũng chỉ 30 trẻ sơ sinh sang Đức”.

Đó là một thời khó khăn

Chúng tôi đứng trước trại mồ côi thời ấy, một căn nhà màu vàng có cửa sổ trắng. “Chúng tôi chăm sóc trẻ ở đây - xơ Maria nói và giơ cao ngón tay run rẩy - Con trai ngủ ở tầng trệt, con gái ở lầu một”. Đó là một thời khó khăn, thời chiến tranh Việt Nam.

“Các bà mẹ chạy trốn từ những làng đang cháy đặt vào tay chúng tôi những đứa bé đang đói ăn của họ - xơ kể lại - Hoặc là những người lính mang đến cho chúng tôi những đứa bé sơ sinh mà họ tìm thấy được ở đâu đó”.

Ở đây, chỉ cách vài mét sau hàng rào, các xơ đã cố công nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi vì chiến tranh - ngay cả khi họ không thể cứu sống được tất cả.

“Mấy đứa bé nằm đầy trong phòng, nhiều đứa đau ốm, bị tiêu chảy, có giun sán hay viêm phổi - xơ Maria kể - Tất cả những gì mà chúng tôi có thể đem đến cho các cháu là một ít thức ăn, thỉnh thoảng có một ít thuốc men và tình thương của chúng tôi”.

 ... và gia đình Bộ trưởng Y tế Đức Philipp Roesler

Ngôi nhà của Hội đồng Chúa Quan Phòng ngày nay là một ký túc xá và một bệnh viện. Heo ụt ịt trong một cái chuồng nhỏ trong sân, chó chạy rông. “Chúng tôi ngày ấy nuôi heo và có một vườn rau - xơ Maria kể - Cho đến nay cũng vậy”.

Chúng tôi bước sang ngôi trường ở cạnh bên. Trên bàn ở cạnh cửa ra vào có một bình hoa giả màu vàng, bé gái tóc thắt bím cười khúc khích. Xơ Maria ngồi xuống. Xơ đã sang Pháp vài năm vào lúc 22 tuổi để học ngôn ngữ và nay là nhân chứng duy nhất từ thời Khánh Hưng để có thể kể lại về thời gian đó: “Xơ Sylvia bao giờ cũng tháp tùng theo những đứa bé về Sài Gòn đến các đại sứ quán để làm các thủ tục nhận con nuôi”.

Xơ Maria ở lại khi trẻ em được đưa lên Sài Gòn. “Tôi là cô giáo, phải dạy học” - bà nói, nhưng người ta có thể cảm nhận được lần từ biệt nào cũng gây nhiều cảm xúc cho bà. Bà lại nhìn vào tấm ảnh của Philipp Roesler: “Chúng tôi biết ở nơi khác những đứa bé này sẽ có cuộc sống tốt hơn”.

“Thành đạt và hạnh phúc” là điều duy nhất mà xơ Maria ước mong cho những đứa bé của xơ. “Tôi không còn muốn gì cho bản thân nữa - bà nói và cười - Hay là điều này - bà sực nhớ - Có lẽ là một điều rất nhỏ nhoi thôi: tôi có được phép giữ lại tấm hình của Philipp không?”.

Theo Phan Ba / Tuổi Trẻ
(Dịch từ bài báo của Jurgen Damsch - Marc André Russau / The Bild)

Về nơi nuôi dưỡng vị bộ trưởng

Thời gian gần đây các phương tiện truyền thông cho rằng tân Bộ trưởng Y tế Đức Philipp Roesler sinh ra ở tỉnh Khánh Hòa. Nhưng mới đây hai nhà báo Đức đã sang Việt Nam, mang theo những thông tin từ khai sinh của chính vị bộ trưởng này với dòng chữ Khánh Hưng - Ba Xuyên.

Tối 2-11, chúng tôi đã tìm đến tu viện của Hội đồng Chúa Quan Phòng ở số 190 Tôn Đức Thắng, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) để tìm lại dấu tích của 36 năm trước. Tiếp chúng tôi là một cụ bà 78 tuổi còn rất minh mẫn. Bà là Đỗ Thị Suốn, tên thánh là Maria Martha.

Bà Suốn cho biết vài ngày trước có hai nhà báo Đức đến với một xấp hình ảnh của tân Bộ trưởng Y tế Đức Philipp Roesler. Hai nhà báo này tìm bà Maria Martha và bà Sylvia (tu sĩ Giang Thị Hương) nhưng hiện nay chỉ bà Suốn còn sống. Theo bà Suốn, năm 1973 tu viện của Hội đồng Chúa Quan Phòng Sóc Trăng nằm cạnh một con đường nhỏ đầy đá thuộc làng Khánh Hưng, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Ba Xuyên, nay là phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Bà Đỗ Thị Suốn với tấm hình của tân Bộ trưởng Y tế Đức Philipp Roesler (ảnh chụp chiều 2-11) - Ảnh: Duy Khang

Bà Suốn nhớ lại 36 năm trước ngày nào làng Khánh Hưng cũng vang rền tiếng súng. Nhiều đứa trẻ còn đỏ hỏn mới sinh ra đã được gửi vào tu viện bởi nhiều lý do như: gia đình nghèo khó, ly tán vì chạy loạn hoặc người thân chết hết. Những đứa trẻ gửi vào đa số đều không có khai sinh nên tu viện không biết các bé sinh ra ở đâu.

Thường là ở các huyện lân cận làng Khánh Hưng nên trong lúc chạy loạn ngang qua tu viện, người thân các bé chỉ vội hôn con rồi nhanh tay gửi cho các nữ tu sĩ mà chẳng kịp dặn dò lời nào. Cũng có trẻ có khai sinh nhưng đó là những đứa trẻ đã được vài ba tuổi, khai sinh đôi khi chỉ có tên mẹ hoặc tên cha, có khi là tên của chính người bồng bé vào gửi được các tu sĩ ghi lại ở phần cha hoặc mẹ trong khai sinh.

Do tu viện nhỏ, chỉ bảo bọc khoảng 50-60 trẻ nên lúc có quá nhiều trẻ được gửi vào, tu viện đã liên hệ với Tổ chức Terre des Hommes để đưa trẻ đi tìm cha mẹ nuôi. Khi có nhiều trẻ bị bệnh nặng thì tu viện liên hệ Tổ chức Hồng thập tự đưa lên Sài Gòn điều trị rồi tiến hành tìm cha mẹ nuôi.

Bà Suốn quê ở Long Xuyên, An Giang, sau một thời gian đi tu đã được phân công về Trường Chúa Quan Phòng dạy học bởi bà rất giỏi ngoại ngữ. Chính vốn ngoại ngữ này nên bà được hiệu trưởng là bà Giang Thị Hương mời tham dự những buổi tiếp xúc với những người nước ngoài làm việc cho Tổ chức Terre des Hommes để tìm cha mẹ nuôi cho những đứa trẻ đang được bảo bọc, nuôi dưỡng tại tu viện.

Khi ấy, bà Suốn thường làm việc, trao đổi với một phụ nữ người Úc tên Taylor để đưa trẻ đi làm con nuôi cho một số vợ chồng người nước ngoài. Bà Suốn nói nếu khai sinh của Philipp Roesler ghi Khánh Hưng - Ba Xuyên thì chắc rằng ông ấy đã được gửi vào tu viện nơi bà sống, bởi làng Khánh Hưng của tỉnh Ba Xuyên từ trước đến nay chỉ có một tu viện của Hội đồng Chúa Quan Phòng.

Hiện nay tu viện đã trở thành khoa nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, cạnh đó là Trường Chúa Quan Phòng nay cũng đã được chính quyền địa phương chuyển đổi thành Trường tiểu học phường 8, TP Sóc Trăng nhưng kiến trúc cổ xưa ngày nào vẫn còn hiện hữu.

Theo Duy Khang / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.