Ông Hoàng Kiều và hoa hậu - Kỳ 1: Tuổi thơ một chiếc quần tà lỏn

02/11/2009 23:48 GMT+7

Sự kiện vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới (HHTG) năm 2010 không diễn ra ở Nha Trang như dự kiến ban đầu, một lần nữa lại khiến dư luận “nóng” lên với ông Hoàng Kiều. Hàng loạt những câu hỏi lại được đặt ra. Ông là ai? Đưa HHTG về VN thì bản thân ông và Tập đoàn RAAS được lợi gì? Ông lấy đâu ra nhiều tiền để chi cho các hoạt động từ thiện... và liệu đây có phải là câu chuyện “đại gia với người đẹp?”.

Trước Tết Nguyên đán năm ngoái, sau cuộc hành trình xuyên Việt theo chân đoàn HHTG và Tập đoàn RAAS đi lì xì cho người nghèo trở về TP.HCM, ông Hoàng Hữu Hạch - Nhà giáo Ưu tú - là chú ruột của ông Hoàng Kiều, dành cho tôi một cuộc hẹn buổi chiều ở nhà riêng tại P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM.

Ông Hoàng Hữu Hạch nay đã 74 tuổi, nhưng “đẹp trai” và minh mẫn khiến người mới quen phải bất ngờ. Thành thật mà nói, lúc đầu tôi không nghĩ ông cao tuổi như vậy, vì hầu hết những chuyến đi tặng quà từ thiện của ông Hoàng Kiều đến các vùng nông thôn xa xôi, lầy lội, ông đều có mặt. Ông chẳng những ngồi xe giỏi, không thua gì lớp thanh niên tráng kiện, mà khi cần cũng đi bộ và lội sình như ai.

Hôm ấy tôi được ông Hoàng Hữu Hạch kể nhiều chuyện về ông Hoàng Kiều, từ lúc còn lẫm chẫm tuổi thơ, mồ côi cả cha lẫn mẹ đến lúc phát tài, trở thành doanh nhân tầm cỡ quốc tế. Trong số những chuyện ấy có chuyện tôi đã biết và cũng có tài liệu kiểm chứng. Có chuyện chỉ là lời tâm sự riêng của ông Hoàng Kiều với chú ruột của mình. Với tư cách là “đại diện họ Hoàng tại TP.HCM”, ông Hạch giữ cả kho tư liệu cùng hình ảnh tư liệu của họ Hoàng, trong đó có ông Hoàng Kiều.

Tại cuốn gia phả, ở trang đầu tiên, lời “cáo trình về việc tu chỉnh và ấn hành” có đoạn: “Họ Hoàng Bích Khê chúng ta đã tồn tại gần nửa thiên niên kỷ và đã phát triển phồn thịnh trên quê hương Quảng Trị vào giữa thế kỷ 20. Nhưng ngày nay, theo với sự phát triển của dòng họ và biến đổi thăng trầm của Tổ quốc, con cháu đã tản đi khắp đất nước và thế giới...”.

Tiếp cận tư liệu gia tộc, tôi bắt gặp câu chuyện thất thủ thành Hà Nội ngày 25.4.1882, với sự kiện lịch sử về Tổng đốc Hoàng Diệu và bi kịch tuyệt thực của quan Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng. Quan Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng chính là thành viên đời thứ 13 của họ Hoàng làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Và cũng là người đã chấp bút biên soạn gia phả dòng họ từ năm Tự Đức thứ 15 (1862). Phải chăng vì lẽ đó mà trong nhiều chuyến ra Hà Nội thời gian vừa qua, mọi người đều thấy ông Hoàng Kiều tỏ ra rất quan tâm tới sự kiện 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội?

Ông Hoàng Hữu Hạch (phải) trong chuyến từ thiện cùng ông Hoàng Kiều tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long hồi tháng 9.2007 - ảnh: V.K

Ông Hạch bảo Hoàng Kiều đóng góp rất nhiều tiền của, công sức cho việc tôn tạo di tích, xây dựng nơi thờ phụng... tổ tiên. Ở Quảng Trị và Huế, Hoàng Kiều đã góp chi phí trùng tu lại một số di tích liên quan đến lịch sử dòng họ, trong đó có di tích Nghĩa Trũng nổi tiếng nằm bên bờ sông Thạch Hãn. Tại di tích này cách đây 13 năm, đích thân nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, với tư cách là hậu duệ đời thứ 16, đã viết văn bia nói rõ: “Vị sáng lập Nghĩa Trũng là ngài Hoàng Hữu Lợi, tước Trung Nghị Đại Phu Phó Đô Ngự Sử, tiền nhân đời 12 của Hoàng tộc làng Bích Khê, Quảng Trị. Nguyên thường năm chứng kiến nhiều mộ phần vô chủ dọc sông Thạch Hãn bị lũ lụt xói lở rất thương tâm, Ngài cùng phu nhân liền phát nguyện, mua khu đất này của làng Thạch Hãn làm nơi quy táng. Nghĩa Trũng được kiến lập năm Tự Đức thứ 25 (1872).

Trưởng nam ngài Hữu Lợi là Hiệp Biện Đại Học Sĩ Hoàng Hữu Xứng, thời làm Tuần phủ Hà Nội, nhân thấy nhiều di chỉ mộ hoang ở vùng quản hạt hỏi kỳ lão được biết đều là của nghĩa quân Tây Sơn hồi chinh phạt quân Thanh. Thiết nghĩ, đến xương tàn của giặc còn được quy táng thành gò, huống đây là di hài của các chiến sĩ vì nước quên mình, bèn thu tập đưa về an táng ở Nghĩa Trũng này. Trước sau, Nghĩa Trũng là nơi yên nghỉ của hơn nghìn vong linh vốn dĩ bơ vơ trong trời đất, hơn phân nửa lại là liệt sĩ vô danh của đoàn quân áo vải cờ đào”.

 Trong lớp hậu duệ đời sau tôi còn gặp một người ơn nghĩa của làng báo Sài Gòn là ông Hoàng Ngọc Biên. Ông là người mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan nhận định: “Có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy thay đổi hình thức của báo chí, tạp chí thành phố kể từ những năm 1980...”.

Tôi cũng gặp ở đây những tài năng trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X như Hoàng Thanh Trang (đời thứ 16), đạt danh hiệu đại kiện tướng quốc tế môn cờ vua năm 12 tuổi; hay Hoàng Dạ Thi, nữ thi sĩ “nhí” từng xuất bản tập thơ khi mới 10 tuổi...

Riêng đối với ông Hoàng Kiều, trong rất nhiều lần tặng quà cho trẻ em nghèo ở các địa phương vùng sâu ai nấy đều nghe ông tâm sự thành thật: “Tuổi thơ của anh chỉ có một chiếc quần tà lỏn để mặc, không bằng các em bây giờ”. Theo gia phả, cha ông là Hoàng Hữu Nam (đời thứ 14), sinh năm 1919, tham gia cách mạng, là cán bộ tuyên truyền xung phong huyện Triệu Phong trước khi mất vào năm 1947. Lúc đó ông chỉ mới 3 tuổi. Còn mẹ ông là bà Võ Thị Yêm, con gái của Bà mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Trữ ở làng Thi Ông, thuộc huyện Hải Lăng, cũng tỉnh Quảng Trị.

Sau khi ông Nam chết, bà Yêm lâm vào cảnh nghèo túng, một nách 4 con nhỏ, phải lần lượt gửi đi từng đứa. Ông Hoàng Kiều may mắn được gửi vào Sài Gòn cho chú là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nuôi dưỡng và một thời gian sau thì ở quê nhà mẹ ông cũng qua đời vì bạo bệnh.

Vì sao Hoàng Kiều sống với cha nuôi là nhạc sĩ, bầu sô... mà lớn lên có thể “thoát” được ánh đèn sân khấu, trở thành ông chủ tập đoàn giàu có như ngày nay? Đó là một cuộc hành trình dài với nhiều éo le. 

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.