Cơn “đau đầu” mang tên Karzai

02/11/2009 23:28 GMT+7

Việc Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tái đắc cử sau khi đối thủ duy nhất rút lui đã gây ra cơn “nhức đầu” mới cho Chính phủ Mỹ.

Hai tháng rưỡi sau khi người Afghanistan đi bỏ phiếu bầu tổng thống lần thứ hai trong lịch sử, cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah hôm 1.11 đã tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử vòng hai vào ngày 7.11. Hành động này đồng nghĩa với việc ông Karzai sẽ tiếp tục làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, theo hãng tin AFP. Nhưng để một đối tác bị nhiều tai tiếng lấy lại tính hợp pháp tại Afghanistan là bài toán khó mới mà Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đối mặt.

Theo báo New York Times, khi bằng chứng được đưa ra rằng phe của ông Karzai đã cố gắng để ông này tái đắc cử bằng việc gian lận hàng triệu phiếu bầu nhằm đánh bại đối thủ Abdullah ở vòng một, giới chức Mỹ đã công khai chỉ trích. Họ nói trong các cuộc họp ở Nhà Trắng là làm thế nào chính phủ Obama có thể gửi thêm hàng chục ngàn quân để hậu thuẫn cho một chính phủ không được nhiều người dân xem là hợp pháp?

Câu trả lời là cuộc bầu cử vòng hai. Rồi giờ đây, giới chức Chính phủ Mỹ cho rằng ông Karzai phải giành lại tính hợp pháp bằng cách thay đổi cách thức điều hành đất nước, vào lúc mà vị thế chính trị của ông đã suy yếu hơn vào bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2001.

Kể từ những ngày đầu vào Nhà Trắng, ông Obama và các cộng sự đã nỗ lực tìm kiếm một đối tác đáng tin cậy thay ông Karzai. Họ đã không tìm thấy ai. Kể từ mùa xuân qua, hầu như chẳng ai nghi ngờ rằng ông Karzai sẽ vẫn ở dinh tổng thống sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Vấn đề là liệu tiến trình bầu cử có cho thấy một quốc gia sống nhờ các cường quốc có thể tìm được hướng đi cho mình hay không.

Hôm qua, TTK LHQ Ban Ki-moon đã bất ngờ đến Kabul để gặp Tổng thống Karzai và ông Abdullah. Cùng ngày, Ủy ban Bầu cử độc lập Afghanistan đã đi tới quyết định hủy bầu cử vòng hai và công bố chiến thắng thuộc về ông Karzai.

Quyết định của ông Obama vào tháng 3 điều thêm 21.000 quân có lý do một phần là để bảo vệ một cuộc bầu cử hòa bình và công bằng. Ý tưởng khi đó là củng cố sự tín nhiệm của ông Karzai để ông mở rộng quyền lực ra ngoài thủ đô Kabul. Thế rồi, ông Obama bắt đầu giảm bớt tham vọng của Mỹ. Ông tránh từ “chiến thắng” mà người tiền nhiệm hay dùng. Ông thu hẹp mục tiêu quân sự của Mỹ chỉ còn là tiêu diệt al-Qaeda, vốn đóng căn cứ chủ yếu ở Pakistan, và phá hoại khả năng của Taliban trở lại nắm quyền.

Nhưng ngay cả những mục tiêu hạn chế nhất của ông Obama cũng cần một chính phủ hợp pháp ở Kabul, là chính phủ có khả năng kiểm soát quân đội và tái xây dựng lực lượng cảnh sát nổi tiếng là kém năng lực và tham nhũng. Chính phủ đó cũng được đòi hỏi có khả năng bổ nhiệm các tỉnh trưởng có tài và sử dụng viện trợ phương Tây hữu hiệu.

Trước khi cuộc bầu cử chấm dứt trên thực tế hôm 1.11 sau sự rút lui của ông Abdullah, Tổng thống Obama đã yêu cầu các cố vấn lập lịch trình gây sức ép lên ông Karzai. Lịch trình này bao gồm chìa cánh tay đến các đối thủ chính trị, loại trừ những tỉnh trưởng và bộ trưởng yếu kém nhất, công bố một kế hoạch chống tham nhũng mới, và bằng mọi cách thu phục những phần tử ít trung thành với Taliban nhất hoặc chí ít là không có liên hệ với al-Qaeda. Việc thực hiện lịch trình này chắc hẳn sẽ không là điều dễ dàng.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.