Hành trình lận đận của thi hài vua Lê Dụ Tông

01/11/2009 23:47 GMT+7

Diễn biến mới nhất, Hội đồng họ Lê đã đồng thuận với tâm nguyện của người dân xã Xuân Giang là đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại chính nơi phát hiện ra lăng mộ nhà vua.

Địa điểm nào trong 5 phương án?

Trước đây Hội đồng họ Lê VN đưa ra 5 địa điểm có thể hoàn táng cho nhà vua: cánh đồng làng Cổ Đô, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa - nơi an táng vua Lê Dụ Tông khi băng hà (sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục ghi); làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân - nơi đã khai quật lăng mộ năm 1964; kinh đô Vạn Lại của thời Lê Trung Hưng ở xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân; khu di tích lịch sử Lam Kinh; táng cạnh mộ vua Lê Hiển Tông và Lê Chiêu Thống tại làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân.

Trong đó, phân tích: cánh đồng làng Cổ Đô dù có cánh đồng Vua, có cồn Mả Vua, nhưng không có căn cứ về việc di dời mộ vua từ đây, lại cách xa khu di tích lịch sử Lam Kinh nên không chọn. Vạn Lại là kinh đô của thời Lê Trung Hưng, nhưng chưa có dự án tôn tạo. Làng Bái Trạch hiện chỉ còn một hố nhỏ có dấu quách, còn phần đất bên cạnh đã được chính quyền xã chia cho nhân dân làm nhà ở. Khu di tích Lam Kinh thì có bằng chứng cho rằng có tới hai vua là Lê Trang Tông và Lê Trung Tông được táng tại đây, và cũng không có cứ liệu nào nói rằng vua thời Lê Trung Hưng không được táng ở đây. Vì vậy đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về Lam Kinh cũng hợp lý.

Riêng làng Bàn Thạch, nhiều ý kiến đã phân tích: Đất này xưa có tên Trang La Đá, đến thời Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa mới đổi tên thành Trang Bàn Thạch, là nơi an táng 3 vị vua thời Lê Trung Hưng gồm các vua Lê Dụ Tông, Lê Hiển Tông (cháu đích tôn Lê Dụ Tông) và Lê Chiêu Thống (cháu đích tôn Lê Hiển Tông). Dân gian quen gọi đây là trang Ba Lăng. Khi thực dân Pháp cho xây đập Bái Thượng và đào sông Nông giang thì Trang Bàn Thạch bị cắt làm đôi, một bên gọi là Bàn Thạch (xã Xuân Quang), bên kia là Bái Trạch (xã Xuân Giang).

Và sau nhiều tranh luận, Hội đồng họ Lê và lãnh đạo huyện Thọ Xuân đưa ra 2 địa điểm để trình lên các cấp xem xét: làng Bàn Thạch và khu di tích lịch sử Lam Kinh, đồng thời dòng họ đã dự định ngày xây lăng và hoàn táng cho vua...

Đưa về nơi “người đã ra đi”

Tuy nhiên diễn biến mới nhất mà chúng tôi ghi nhận được thì quan điểm trên đã thay đổi, Hội đồng họ Lê đã đồng thuận với tâm nguyện của người dân xã Xuân Giang là đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại chính nơi phát hiện ra lăng mộ nhà vua.

Chọn địa điểm nào (nơi hoàn táng vua Lê Dụ Tông - PV) thì cũng cần có sự đồng thuận của hậu duệ dòng họ Lê và nhân dân ở quê hương, nhất là những xã có liên quan...”. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN

Ông Lê Văn Chế - Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết: Việc người dân xã yêu cầu được mang thi hài của vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại làng Bái Trạch, nơi đã khai quật thi hài của Ngài là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với phong tục tập quán và yếu tố tâm linh của dân. Nếu cho là khó khăn trong đi lại và giải phóng mặt bằng là không thỏa đáng. 7 hộ dân liên quan đến di tích sẵn sàng dời đi bất cứ lúc nào để lấy mặt bằng hoàn táng cho nhà vua, bàn giao mặt bằng để kịp tổ chức đúng ngày 10.10 âm lịch.

Trong văn bản mới đây của Hội đồng họ Lê gửi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Bộ VH-TT-DL về địa điểm hoàn táng vua Lê Dụ Tông đã nêu rõ: Khi lựa chọn làng Bàn Thạch, Hội đồng họ Lê và chính quyền huyện Thọ Xuân chưa đề cập đến nguyện vọng của nhân dân làng Bái Trạch - nơi an táng vua Lê Dụ Tông trước đây. Tiếp thu nguyện vọng của nhân dân, Thường trực Hội đồng họ Lê Thanh Hóa đã họp và thống nhất đề nghị với Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ VH-TT-DL địa điểm hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông về vị trí cũ là làng Bái Trạch.

Việc di dời thi hài vua về đây, có một số khó khăn về đi lại và mặt bằng khu mộ táng, nhưng sẽ khắc phục được khi hợp lòng dân. Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng họ Lê VN, Chủ tịch Hội đồng họ Lê Thanh Hóa cho rằng việc đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại đất cũ là việc làm hợp với đạo trời và lòng người. Ông Tam cũng ngỏ lời xin lỗi nhân dân làng Bái Trạch.

Sự đồng thuận hiện nay đã có, vấn đề còn lại là quyết định của cơ quan chức năng. Theo chúng tôi, hoàn táng vua Lê Dụ Tông tại nơi “người đã ra đi” là phù hợp nhất, bởi địa điểm này hội tụ đủ 3 yếu tố: thiên thời (ý trời), địa lợi (tiền nhân đã chọn nơi đây để táng), nhân hòa (lòng dân sẽ yên).

Cao Ngọ - Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.