Bác sĩ bệnh viện công không được lập bệnh viện tư

30/10/2009 09:37 GMT+7

(TNO) Sáng 30.10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đọc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu (ĐB) QH, UBTVQH đã chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung của dự luật: Bổ sung quy định về chính sách khám chữa bệnh (KCB) bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; thêm một số quy định cụ thể về y đức vào một số điều, khoản của dự thảo Luật và trong quy định về nghĩa vụ của người hành nghề; quy định cụ thể người hành nghề KCB có thể ký hợp đồng hành nghề KCB với các cơ sở KCB nhưng chỉ được phụ trách chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở KCB...

Về cán bộ công chức, viên chức hành nghề y tế tư nhân, khi thảo luận tại kỳ họp thứ 5 có hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc ngoài giờ, nhưng không được thành lập, tham gia thành lập, tham gia quản lý điều hành đối với tất cả các loại cơ sở KCB tư nhân.

Loại ý kiến thứ hai đồng ý với dự thảo Luật, cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ, thành lập các loại cơ sở KCB tư nhân nhưng không được thành lập, tham gia thành lập và quản lý bệnh viện tư nhân.

Sau khi phân tích rõ mặt tích cực, tiêu cực của từng loại ý kiến, UBTVQH cho rằng, loại ý kiến thứ hai là phù hợp, vì phù hợp với quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Luật cán bộ, công chức (chỉ cấm cán bộ y tế tham gia thành lập và quản lý điều hành bệnh viện tư nhân hoặc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã).

Đa số các ý kiến phát biểu đều đồng tình với quan điểm của UBTVQH. Theo ĐB Lê Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc), để cho bác sĩ tham gia khám chữa bệnh ngoài giờ tại các phòng khám không chỉ góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện mà còn tạo điều kiện cho bác sĩ có điều kiện hành nghề, nâng cao tay nghề và tăng thu nhập. Với lập luận giáo viên được phép dạy ngoài giờ, ĐB Võ Thị Dễ (Long An) cũng tán đồng với việc cho phép bác sĩ được khám chữa bệnh ngoài giờ.

Đồng ý với giải trình của UBTVQH nhưng Phó trưởng đoàn ĐBQH Yên Bái Nguyễn Văn Tuyết đề nghị Luật cần phải có thêm những quy định để đảm bảo các bác sĩ phải làm trong giờ tốt mới được làm ngoài giờ, “không khéo lại xảy ra tình trạng trong giờ thì làm bình thường còn ngoài giờ thì làm tốt” - ĐB Thuyết lo lắng.

Tại kỳ họp thứ 5, các ĐBQH đã tranh luận sôi nổi về quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế. Có ý kiến tán đồng với việc chỉ cấp chứng chỉ hành nghề một lần nhưng cũng có ĐB đề nghị cứ 5 năm phải gia hạn chứng chỉ hành nghề một lần. 

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, UBTVQH đồng ý với quy định cấp chứng chỉ hành nghề 1 lần, vì nếu cứ 5 năm gia hạn một lần cấp lại sẽ gây tốn kém và phiền phức cho cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như người hành nghề.

Theo quy định của dự thảo Luật, việc cấp chứng chỉ hành nghề là hình thức xét cấp và căn cứ vào các văn bản chứng nhận, không thi sát hạch nên hiệu quả có thể không cao, vì chỉ là thủ tục hành chính. Mặt khác, nếu bổ sung quy định 5 năm sát hạch một lần để cấp chứng chỉ lại thì với điều kiện hiện nay của cơ quan quản lý nhà nước là chưa thể đáp ứng nổi. Nhiều ĐB chia sẻ với giải trình của UBTVQH. ĐB Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) nói: “Nếu chỉ là thủ tục hành chính thì không cần thiết”. Tuy nhiên, ĐB Lan lưu ý, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện tiêu cực và nếu có sai phạm thì phải thu hồi giấy chứng chỉ.

UBTVQH đã chỉnh sửa và quy định trong dự luật là đến ngày 1.1.2016, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước đang hoạt động vào thời điểm Luật có hiệu lực phải có giấy phép hoạt động (khoản 6 Điều 44). Nhưng ĐB Nguyễn Văn Tuyết lo lắng, đến thời điểm đó nếu các bệnh viện ở các khu vực vùng cao không đảm bảo tiêu chuẩn để được cấp phép thì sao, trong khi đó nếu không được hoạt động thì người dân ở đó sẽ biết đi đâu để khám, chữa bệnh.

ĐB Lê Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cho biết, các nhà thuốc tư nhân có mối liên hệ với việc khám, chữa bệnh nhưng dự Luật chưa có điều nào điều chỉnh nhà thuốc tư nhân, vì thế Luật cần bổ sung quy định về nội dung này.

ĐB Phạm Thị Thanh Hương (Bình Định) bức xúc trước tình trạng các bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau dẫn tới tốn kém cho gia đình bệnh nhân và quỹ Bảo hiểm y tế. Khắc phục tình trạng này, ĐB Hương cho rằng cần phải áp dụng bộ tiêu chuẩn chất lượng về vấn đề này.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.