Cuộc sống người béo nhất thế giới

01/11/2009 09:36 GMT+7

(TNTS) Dù cân nặng đến 445 kg, cuộc sống khá khép kín và có nhiều hạn chế, nhưng công dân người Anh – Paul Mason - dường như cảm thấy mình khá hạnh phúc.

1. Paul Mason sẽ phẫu thuật để giảm bớt 125 kg, nhưng anh cảm thấy không sung sướng lắm với “phi vụ” này. Bởi, nếu như thế Mason sẽ không còn là người béo nhất thế giới.

Danh hiệu Người béo nhất thế giới, Mason đoạt từ tay công dân Mexico là Manuel Uribe. Cách nay 2 năm, Manuel Uribe cân nặng 560 kg, được ghi danh vào Sách kỷ lục Guinness. Nhưng trong một ngày đẹp trời Uribe quyết định thay đổi hình ảnh của mình bằng chế độ ăn kiêng. Ngoài ra, người ta nói rằng, có thể là do Uribe cưới vợ nên giờ đây anh đã “vứt bỏ” khỏi thân thể mình trên 200 kg. 

Với Paul Mason, 48 tuổi, có lẽ việc giảm cân không phải là “vấn đề thời sự” cần phải làm ngay. Ngược lại, người đàn ông này có vẻ rất quý trọng lượng của mình. Cách nay 3 năm, Mason từng được đưa đến bệnh viện chữa trị bệnh béo. Nhờ chế độ ăn kiêng đặc biệt mà anh giảm được hơn 100 kg. Người khác được như thế thì mừng, nhưng với Mason thì điều này gây cho anh nỗi thất vọng. Anh nói với các bác sĩ rằng, họ đã “tước đoạt” danh hiệu Người béo nhất thế giới của anh.

Các chi phí để chăm, nuôi Paul Mason được chính quyền Anh trích từ ngân sách quốc gia. Tiền công cho 7 người thay phiên nhau chăm sóc Mason là 72 ngàn USD/năm. Tiền sửa chữa, bảo dưỡng ngôi nhà riêng với các cửa ra vào lớn cho anh cũng là tiền của nhà nước. Các thức ăn, đồ uống chuyên chở hằng tuần cho “chàng béo” là 24 ngàn USD/năm. Theo lời ông David Haslam, chuyên viên về căn bệnh béo phì thì tổng chi phí để chăm nom Paul Mason trong vòng 7 năm qua đã tiêu tốn ngân sách của nhà nước là hơn 1 triệu bảng.

 

Tuy phải nằm một chỗ, nhưng Mason hài lòng với cuộc sống của mình

Paul Mason hướng tới kỷ lục người béo ngay từ khi còn trẻ, ở độ tuổi thiếu niên. Cái chết của người cha - mà theo nhiều người biết Mason nói rằng cậu rất giống cha – đã gây những chấn thương tâm lý làm nảy nở căn bệnh béo phì ở cậu. Mason ngày càng béo ra và cho đến năm 26 tuổi đã cân nặng 160 kg. Khi đó Mason đến các bác sĩ với yêu cầu giải phẫu làm hẹp dạ dày của mình lại, nhưng bị từ chối. Họ khuyên anh nên có chế độ ăn kiêng.

Nói thì dễ, làm thì khó. Điều này rất đúng với trường hợp của Paul Mason. Anh không thể thực hiện chế độ ăn kiêng và đến năm 2002, trọng lượng của Mason đã là 300 kg. Khi đó các bác sĩ quyết định phẫu thuật để chữa căn bệnh nghẹn thoát vị cho Mason. Các nhân viên y tế phải mở rộng cửa sổ nhà Mason để khiêng anh ra xe chở đến bệnh viện. Đó không phải là chiếc xe cấp cứu thông thường mà là chiếc xe tải có cả cần nâng.

Sau khi được chữa trị, Mason quyết định thực hiện chế độ ăn kiêng, hạn chế khẩu phần của mình còn 2.800 kilocalorie/ngày. Nhờ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt này mà trong vòng 9 tháng “chàng béo” giảm được 65 kg. Song tất cả chỉ có thế, sau khi giảm cân được chút ít, Mason lại tiếp tục “mở cửa” cho thú vui với nghệ thuật ẩm thực của mình. Và điều gì đến sẽ phải đến: Vào năm 2006 anh cân nặng 445 kg.

2. Vì kỷ lục bạn cần phải hy sinh. Mason cũng không nằm ngoài quy luật này. Do thể hình quá khổ vì cân nặng, “chàng béo” không thể đi lại. Phần lớn thời gian anh phải nằm trên chiếc giường chuyên dụng. Không gian xung quanh chiếc giường ấy là các vật dụng nhằm giúp cho cuộc sống của Mason thuận tiện, dễ dàng hơn. Nếu ai giàu trí tưởng tượng, có thể coi không gian sống “nhỏ hẹp” của Mason như trong khoang tàu vũ trụ vậy. 

Bên cạnh chiếc giường, ngay trong tầm tay của Mason là chiếc khay đựng đồ ăn, thức uống. Thậm chí còn có cả giấy toilet (vì anh không thể vào nhà vệ sinh như người thường). Ngay dưới sàn nhà, cạnh giường là các thiết bị y tế để trợ giúp cho những người không có khả năng lao động vì tình trạng sức khỏe. Các trang thiết bị này được nhà nước tài trợ cho Mason. Ngoài ra, còn có cả tủ thuốc chuyên dụng đựng các loại thuốc mà Mason phải sử dụng hàng ngày để đảm bảo cho các cơ quan nội tạng hoạt động bình thường.

Cần nói thêm rằng, chiếc giường của Mason được thiết kế riêng, khá đặc biệt. Nó có bộ nâng để anh có thể điều chỉnh tư thế nằm cũng như nâng phía đầu để xem truyền hình, hay quay đầu nhìn ra cửa sổ. Tại giường cũng có thiết bị nâng, giúp Mason có thể chuyển từ giường sang bên chiếc ghế dành cho người tàn tật. Tuy nhiên rất hiếm khi Mason sử dụng loại thiết bị nâng này, vì phần lớn thời gian anh nằm trên giường. Ngoài ra, phía trên đầu “chàng béo” còn có chiếc đèn chuyên dụng, có tác dụng thay thế ánh sáng mặt trời và giúp anh bớt căng thẳng, chữa trị tâm lý.

Dù phải sống khép kín và có nhiều hạn chế, nhưng Mason cảm thấy hài lòng và hạnh phúc. Những người hàng xóm và những người quen biết Mason nói rằng anh là người khá tự chủ, có tính độc lập và thân thiện với mọi người. Trong một cuộc phỏng vấn, Mason thú nhận rằng, mình chỉ thực sự cảm thấy hài lòng với thú ăn uống và không thể nào bắt mình nhịn đói được.

Còn các bác sĩ không chia sẻ với quan điểm của Mason. Họ nói rằng, nếu anh tiếp tục ăn uống cho thỏa ý thích của mình thì vào bất cứ lúc nào cũng có thể chết vì bệnh dư mỡ. Họ đang dự định sẽ sớm mổ cho Mason nhằm giúp anh có thể ăn uống theo đúng chuẩn mực. Tuy nhiên một khó khăn khác lại phát sinh. Đó chính là dùng phương tiện nào để chuyên chở anh đến bệnh viện. Bởi từ thành phố Ipswich nơi Mason sinh sống đến bệnh viện của thành phố Chichester là khá xa, hơn 200 km. Hiện người ta đang đề nghị Không lực Anh hỗ trợ trực thăng loại Chinook của Mỹ. Nếu được thì Mason sẽ đi bằng trực thăng đến bệnh viện giải phẫu. Tổng giá trị cuộc phẫu thuật sẽ là 33 ngàn USD.

 Ngụy Vô Kỵ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.