Danh ca Bạch Yến: “Tôi luôn ý thức mình để được làm đẹp cho xứ Việt”

31/10/2009 14:05 GMT+7

(TNO) Sau hai đêm diễn cuối vào ngày 30 và 31.10 tại phòng trà Văn Nghệ (TP.HCM), ca sĩ Bạch Yến sẽ quay về Pháp. Cuộc phỏng vấn này được thực hiện khi chị mời tôi đến căn nhà yên tĩnh ở đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM).

Mái tóc đen chấm vai vừa cổ điển vừa tân thời làm người nhìn bắt được cái vẻ trẻ trung của một Bạch Yến thời hát tân nhạc - người vẫn được trân trọng nhắc đến là “danh ca Bạch Yến”, vợ của nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Trần Quang Hải, con dâu của GSTS âm nhạc Trần Văn Khê.

* Hình ảnh “đôi nghệ sĩ” Trần Quang Hải - Bạch Yến lần này chỉ còn mình chị. Có chút thiếu vắng nào trong cảm xúc của chị không?

- Thời còn hát tân nhạc, tôi cũng chỉ hát một mình. Thiếu vắng tình cảm thì có, chứ tôi không cảm giác thiếu trong nghệ thuật. Lần về này tôi vui lắm. Vì rất nhiều khán giả trẻ không biết Bạch Yến là ai đã đến xem.

 * Chị có chút nghĩ ngợi nào khi nghe người ta gọi mình là “danh ca” không?

- Danh ca là ca sĩ danh tiếng. Tôi thấy lạ (cười, thoáng im lặng). Nhưng dù người ta gọi thế nào thì lúc nào tôi cũng có trách nhiệm lớn với khán giả, mỗi lần xuất hiện là làm cho khán giả thỏa mãn, vui thích.


Đôi nghệ sĩ Trần Quang Hải - Bạch Yến - Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

* Là người Việt Nam hát nhạc dân ca cho người ngoại quốc, với chị có đơn thuần chỉ là nghệ sĩ trình diễn tác phẩm?

- Đi diễn là làm văn hóa. Tôi rất hãnh diện và may mắn khi đem nhạc Việt, hát bằng tiếng Việt ra xứ người. Tôi không bao giờ hát dân ca Việt Nam bằng tiếng nước ngoài. Trước khi hát, tôi giải thích nguồn gốc, chia sẻ những điểm hay của bài hát.

* Từ tân nhạc chị chuyển sang dân ca năm 1978. Nguyên do sự chuyển hướng này thường nghe chị nhắc đến là vì mối lương duyên với nhạc sĩ Trần Quang Hải. Anh ấy thuyết phục chị như thế nào?

- Anh ấy đưa bài cho tôi nghe, giải thích cho tôi vì sao hay, hay ở đâu. Ban đầu tôi nghe chỉ thấy thang âm lạ, cách luyến láy rất hay. Về sau, càng nghe càng thấy dân ca phong phú đến không ngờ.

* Vậy đời sống người nghệ sĩ hát tân nhạc trong chị có khác người nghệ sĩ hát nhạc dân ca không?

- Khi hát dân ca, tâm hồn tôi dường như thanh thản hơn. Tôi như một người ở nông thôn, đời sống thanh bình, ít nóng tính, trầm tĩnh hơn.

* Trong một bài phỏng vấn, tôi đọc thấy nhạc sĩ Trần Quang Hải lo lắng: “ở hải ngoại không có ai tiếp nối…”. Vậy chị có chút lo lắng nào về sức sống của dân ca Việt Nam ở hải ngoại không?

- Tôi và anh ấy cùng quan niệm. Ở hải ngoại, tôi thấy có ca sĩ Hương Thanh là người có giọng hát hay, hợp với dân ca lắm. Ở Canada, Mỹ có một số người dùng nhạc cụ truyền thống để làm nhạc Tây phương. Tôi không ủng hộ.

* Chị nghĩ gì về khái niệm âm nhạc dân gian đương đại?

- Tôi nghĩ không nên lấy dân ca cổ truyền làm "âm nhạc dân gian đương đại". Người Tây phương đi nghe nhạc dân ca Việt Nam là những người đã hiểu về văn hóa, phong tục Việt Nam. Tôi tự thấy tôi hát không giỏi, nhưng tôi hát rất đúng. Tôi tôn trọng sự luyến láy nhưng phải nằm trong ngũ cung. Việt kiều, ngay cả khách nước ngoài về Việt Nam cũng chỉ thích nghe dân ca cổ truyền thôi.

* Có điều gì mà chị luôn ghi nhớ khi ở nước ngoài?

- Chúng tôi đã thâm nhập và hát cho cộng đồng người Tây phương. Có lên báo cũng lên báo Pháp. Nên nhiều người Việt gặp tôi hỏi: Bạch Yến còn đi hát không? Lúc nào tôi cũng tâm niệm: tôi là một công dân Việt Nam, đại diện cho xứ Việt. Tôi luôn ý thức mình để được làm đẹp cho xứ Việt.

* Chị có thể chia sẻ một dự định gần nhất tại Việt Nam không?

- Tôi đã xuất bản hồi ký Tôi đi và sống - Tập 1: Sự nghiệp 50 năm ca sĩ ở nước ngoài. Tôi dự định duyệt lại và sẽ tìm nhà xuất bản trong nước phát hành giúp tôi. Và tôi đang dành thời gian để viết tiếp tập 2.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Danh ca Bạch Yến tên thật là Quách Thị Bạch Yến, sinh năm 1942.

Chị đi hát chuyên nghiệp từ năm 1956.

Bạch Yến từng nổi danh với bài Đêm đông (Nguyễn Văn Thương) và những bản nhạc ngoại như: Tutti Frutti, Rock Around the Clock, Mambo Italiano, Bambino

Chị được Ed Sullivan mời sang Mỹ hát trong chương trình truyền hình Ed Sullivan (năm 1965).

Sau đó, Bạch Yến đã lưu diễn khắp 46 tiểu bang của Mỹ, từng hát chung với Bing Crosby, Bob Hope, Liberace…

Và chị cũng đã lưu diễn liên tục tại Pháp, Bỉ, Áo, Đức…

Năm 1978, chị sang Paris và gặp lại người quen cũ là nhạc sĩ Trần Quang Hải.

Cả hai thành hôn với nhau ngày 17.6.1978.

Kết hợp thành đôi nghệ sĩ trình diễn nhạc dân tộc, họ đã lưu diễn hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Duy Thủy
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.