CIA và gia đình họ Ngô - Bài 1: CIA tiến vào Đông Dương

27/10/2009 23:14 GMT+7

Tính đến 1.11.2009 là đã 46 năm ngày các tướng lĩnh Sài Gòn làm cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông Ngô Đình Diệm. Từ đó đến nay, khá nhiều tài liệu đã được giải mật cho thấy vai trò của người Mỹ trong cuộc đảo chính cũng như tầm ảnh hưởng của họ cho đến ngày 30.4.1975.

Vào tháng 2.2009, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã cho giải mật 5 tài liệu liên quan đến Việt Nam và Đông Dương, trong đó có 2 tài liệu quan trọng:

- CIA and The House of Ngo: Covert Action in South Vietnam, 1954-63 (CIA và triều đại nhà Ngô: Điệp vụ mật ở Nam Việt Nam, 1954-63)

- CIA and The Generals: Covert Support to Military Government in South Vietnam (CIA và các tướng lĩnh: Hậu thuẫn bí mật cho chính quyền quân sự ở Nam Việt Nam)

Tập tài liệu “CIA và triều đại nhà Ngô” gồm 232 trang, chia thành 15 chương. Chúng tôi xin lược dịch những phần quan trọng làm thành loạt bài này, gồm những phần liên quan, dẫn đến vụ lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm và cái chết của 2 anh em họ Ngô.

Vào thời điểm ông Ngô Đình Diệm nhậm chức Thủ tướng đầu tháng 7.1954,  CIA đã có quá trình hoạt động ở Việt Nam được 4 năm, với nỗ lực đầu tiên là giúp quân Pháp chống lại Việt Minh. Lúc này, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển quan trọng: Đảng Cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo đã chiến thắng Tưởng Giới Thạch, trong khi xung đột diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Điều đó khiến Mỹ đặt ưu tiên cho việc ngăn chặn ảnh hưởng của phe XHCN, và Đông Dương trở thành tiền đồn quan trọng.

 

Các tài liệu giải mật của CIA

Những gì mà Joseph Alsop nhiều năm sau này gọi là “điều kỳ diệu” của sự thành công của CIA ở Việt Nam chính là sản phẩm của mối quan hệ thân thiết giữa CIA và anh em họ Ngô, nhất là Ngô Đình Nhu. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Dwight D.Eisenhower tin tưởng vào những sứ vụ bí mật của CIA như là phương tiện để ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô. CIA đã đạt được nhiều thành quả như việc tái lập ngai vàng cho nhà vua Iran năm 1953; và vào tháng 3.1954, ngay trước khi Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ, CIA cũng đã bảo trợ thành công cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ cánh tả ở quốc gia Guatemala vùng Trung Mỹ. Còn trước đó, mối quan hệ thân mật giữa CIA và Tổng thống Philippines Ramon Magsaysay đã giúp ông thành công trong việc đàn áp phong trào nổi dậy Huk. Thành thử ra, bắt đầu từ giữa năm 1954, việc CIA đóng vai trò “lãnh đạo ngầm” ở Nam Việt Nam không có gì lạ.

“Nước Việt Nam Tự do” (Free Vietnam) - như người Mỹ thường gọi, để chỉ lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam sau Hiệp định Geneve - thiếu thốn không chỉ một cơ cấu tổ chức chính quyền, mà còn thiếu cả viên chức người bản xứ để thực thi quyền lực. Tất cả điều này cho thấy, một khi quyết định đứng sau lưng ông Diệm, Washington đã nhận trách nhiệm tạo lập một nhà lãnh đạo và xây dựng cả một bộ máy chính quyền.

Vào đầu năm 1954, khi Tổng thống Eisenhower quyết định từng bước thế chân Pháp ở Đông Dương, CIA bắt đầu xem “chân tướng” của những nhân vật lãnh đạo Việt Nam nào khả dĩ có thể trực tiếp chống lại phong trào Việt Minh lan rộng.

Sở dĩ ông Diệm được người Mỹ đỡ đầu là vì ông có được 3 yếu tố mà hiếm có nhân vật nào lúc đó đạt được: Ông là nhân vật chống Cộng, là người Thiên Chúa giáo, và giỏi tiếng Anh. Yếu tố tiếng Anh hết sức quan trọng, vì vào thời điểm đó, đa số quan chức Việt Nam đều còn ảnh hưởng chương trình Pháp, nói và viết tiếng Pháp thông thạo, thậm chí nhiều người còn giữ quốc tịch Pháp. Ông Diệm có lợi thế khi ông từng sống ở Hội Truyền giáo Maryknoll ở New York và New Jersey từ năm 1951 đến 1953. Những năm tháng ở Mỹ đã giúp ông tranh thủ vận động hành lang để được một số nhân vật tiếng tăm của Mỹ đỡ đầu, trong đó phải kể đến Hồng y Spellman, các thượng nghị sĩ Mike Mansfield và John F.Kennedy (sau này là tổng thống). Nhờ những tiếp cận đó, ông Diệm có thêm lợi thế tranh thủ được sự ủng hộ của những nhà lập pháp Mỹ có ảnh hưởng lớn đến chính sách Đông Á là dân biểu Walter Judd (đảng Cộng hòa, bang North Dakota) và thượng nghị sĩ Hubert Humphrey (đảng Dân chủ, bang Minnesota, sau này là phó tổng thống), nhất là khi cuộc Chiến tranh lạnh lên đến thời kỳ cao điểm.

Ông Diệm đã tạo cho mình danh tiếng là một “người quốc gia” khi vào năm 1933, ông từ chức Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ của Hoàng đế Bảo Đại, khi người Pháp bác bỏ những đề nghị cải cách của ông. Và đến thời điểm năm 1954, khi cần một ứng viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn của cả Mỹ và Pháp, thì không ai đủ điều kiện hơn họ Ngô. Ngày 18.6.1954, Bảo Đại lúc đó ở Pháp, đã mời ông Diệm đứng ra thành lập nội các thay thế cho chính phủ của Hoàng thân Bửu Lộc.

Khi ông Diệm đảm nhận chức vụ thủ tướng, hoạt động của CIA ở Việt Nam chia làm 2 nhánh. Nhánh thứ nhất: CIA Saigon Station, là bộ phận chính thức thuộc quyền điều khiển từ Tổng hành dinh CIA ở Langley, Virginia, Mỹ, hoạt động bí mật tại Sài Gòn, có nhiệm vụ đánh giá trực tiếp những chính khách quốc gia ở đó, chuẩn bị nhân sự cho một chính phủ ở Nam Việt Nam. Tổng hành dinh CIA đã chọn Paul Harwood, nhân vật đã tốt nghiệp khoa Á châu học, phụ trách.

Bộ phận thứ 2 của CIA là Saigon Military Mission (SMM), vốn được hình thành trong cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ tháng 1.1954, khi ai đó tiến cử đại tá Edward Lansdale, người từng nổi danh là nhân vật “kiến lập vua” (Kingmaker) ở Philippines, được giao nhiệm vụ tìm kiếm một người Việt Nam tương đương với Ramon Magsaysay của Philippines. Hội đồng An ninh quốc gia chấp thuận việc bổ nhiệm Harwood, vốn đã đến Sài Gòn trong tháng 4.1954, và đại tá Lansdale theo gót đến Hòn ngọc Viễn Đông vào tháng 6 năm đó.

Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là John Foster Dulles, cùng em ruột là Giám đốc CIA Allen Welsh Dulles, đã hậu thuẫn cho việc bổ nhiệm. Và với tư cách người đứng đầu bộ phận CIA thứ 2, đại tá Lansdale không phải báo cáo cho McCarthy ở Sài Gòn hay Chánh sở Viễn Đông vụ, mà là báo cáo trực tiếp cho Giám đốc CIA Allen Dulles. Bộ phận thứ 2 do Lansdale phụ trách, Saigon Military Mission (SMM), tức Phái bộ Quân sự Sài Gòn, mà nhân viên thuộc quyền của Lansdale đều mặc quân phục và làm việc dưới danh nghĩa Phái bộ Cố vấn quân sự Mỹ (MAAG), và sau này đảm trách về các hoạt động dân sự và bình định nông thôn.

Ông Diệm và bào đệ là Ngô Đình Nhu - nhỏ hơn ông Diệm 11 tuổi, trong vai trò cố vấn - đều xem Lansdale và Harwood là những kênh liên lạc với Washington. Đặc biệt, Lansdale còn cho anh em họ Ngô biết về mối liên hệ trực tiếp của ông ta với các cấp làm chính sách ở Washington. Yếu tố quan trọng nhất là Lansdale được sự ủng hộ của anh em Dulles khiến cho ông ta có nhiều ảnh hưởng đến những người làm chính sách của Mỹ.

Vào đầu thập niên 1950, chủ nghĩa tích cực cùng những hứa hẹn của CIA tương phản với những gì mà sứ quán Mỹ chủ trương. Hai vị đại sứ đầu tiên của Mỹ lại quan tâm đến những lợi ích của Pháp tại Việt Nam và thường tỏ ra nghi ngờ khả năng cùng triển vọng của ông Diệm trong vai trò lãnh đạo. Không nghi ngờ gì về việc các vị đại sứ Mỹ cùng bộ tham mưu của họ có thể nhận sự tư vấn của hai bộ phận CIA do Harwood và Lansdale đứng đầu. Nhưng hai vị đại sứ Mỹ đầu tiên thời ông Diệm là Donald Heath và tướng Lawton Collins đã không làm như vậy.

Đại sứ Heath, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, trở thành lãnh đạo phái bộ của Mỹ tại Sài Gòn năm 1950. Trên bình diện cá nhân, ông có vẻ chịu ảnh hưởng của những ác cảm người Pháp đối với anh em họ Ngô, đặc biệt chia sẻ sự chán ghét đối với ông Ngô Đình Nhu. Chỉ 4 tháng sau khi ông Diệm giữ ghế thủ tướng, ông Heath đã phải rời Sài Gòn. Tân đại sứ Mỹ là cựu đại tướng Lawton Collins, một quân nhân nổi tiếng trong Thế chiến 2, và từng là Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên. Đại sứ Collins được cử sang Nam Việt Nam đầu tháng 11.1954 với nhiệm vụ đánh giá khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, cũng như đề xuất những biện pháp giúp đỡ cho chính quyền Sài Gòn. Chỉ một tháng sau, Đại sứ Collins báo cáo về Washington rằng: “Ông Diệm không đủ khả năng đoàn kết mọi phe phái ở Nam Việt Nam”. Tháng 4.1955, ông chính thức đề nghị Ngoại trưởng Dulles thay thế ngay ông Diệm. (Còn tiếp)

Lê Đình Bì
(lược dịch)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.